Kế dụ dỗ kẻ sát nhân qua tin nhắn Facebook

Ngày 30/7/2014, Lehanne Sergison đang ở nhà hàng pizza với bạn thì một cuộc gọi từ số điện thoại Nam Phi hiện lên. Cô nghĩ đó hẳn là dì Christine Robinson, đã chuyển đến sống ở Nam Phi 12 năm. Nhưng thay vào đó, một giọng nữ vang lên: "Lehanne, Christine đã bị sát hại".
Với Lehanne, giám định viên hiện đã nghỉ hưu đến từ thị trấn Bromley (Greater London), cú sốc ấy vẫn còn nguyên vẹn sau 11 năm.
Người dì 59 tuổi sống cách Lehanne hơn 9.600 km. Tuy nhiên, hai dì cháu rất thân thiết, thường xuyên trò chuyện qua điện thoại và gửi email mỗi chủ nhật. Nhưng giờ Christine được phát hiện bị cưỡng hiếp và sát hại ngay tại khu nghỉ dưỡng săn bắn rộng hơn 50 ha của bà.
Ban đầu, án mạng được cho là một vụ cướp nhằm vào các trang trại, nhưng sau đó chính quyền phát hiện người làm vườn 26 tuổi, Andrew Ndlovu (sau đó đổi tên là Andrea Imbayarwo), đã biến mất với 1.400 bảng Anh.
Với một nghi phạm rõ ràng như vậy, Christine và gia đình có lý do để tin rằng vụ bắt giữ và xét xử Andrew sẽ diễn ra nhanh chóng, nhưng khi thời gian trôi qua tính bằng năm, mọi cơ hội thực thi công lý dường như đều vụt mất. Chỉ có Lehanne chưa bao giờ ngừng tin rằng có thể đưa thủ phạm ra trước công lý.
Cái chết thảm dưới tay kẻ thân cận
Lehanne luôn ngưỡng mộ dì Christine vì bà là người năng động, có hoài bão, biết tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Nữ giáo viên tiểu học từng dạy ở Đức, Nga, Trung Quốc và Kuwait, đi du lịch nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2002, Christine gặp và kết hôn với Daniel Robinson ở tuổi ngoài 40. Cặp đôi mua một khu điền trang gần biên giới giữa Nam Phi và Botswana dù lo ngại về bạo lực. Họ lắp camera giám sát và có hai chú chó chăn cừu Đức được huấn luyện để bảo vệ.
Cuộc sống yên bình cho đến khi Daniel được chẩn đoán mắc ung thư. Năm 2012, Daniel qua đời tại quê nhà Ireland. Dù vẫn còn chìm trong đau buồn, Christine quyết định quay trở lại Nam Phi để tiếp tục điều hành khu nghỉ dưỡng có 30 khách, do đã bỏ bê công việc suốt 18 tháng và có quá nhiều vấn đề pháp lý cần phải giải quyết, cộng thêm bà muốn ôn lại những kỷ niệm ở đó.
Khi Lehanne nhận cuộc gọi trong nhà hàng pizza hai năm sau đó, Christine đang rao bán nhà nghỉ với ý định trở về Anh. Vào ngày bị sát hại, bà lỡ một cuộc hẹn về việc bán bất động sản.
Cùng ngày Christine được phát hiện bị cắt cổ, quấn trong chăn, gã làm vườn Andrew đã trốn về quê hương Zimbabwe.
Việc một người thân cận với Christine và đã làm việc ở đó sáu năm, lại có thể làm ra chuyện như vậy khiến Lehanne vô cùng kinh ngạc. "Tôi nghĩ chắc là đã có vài vụ trộm vặt, nhưng không hề. Sau đó, tôi lục tung tất cả email dì gửi, tìm kiếm những lần dì nhắc về hắn, nhưng chẳng có thông tin nào. Dì ấy viết về các đầu bếp, người giúp việc, nhưng chưa bao giờ viết về hắn", cô nói.
Cuộc điều tra gây thất vọng
Lehanne kể, sau án mạng, cơ quan điều tra nỗ lực dẫn độ Andrew khỏi Zimbabwe. "Đã có ba hoặc bốn lần xin dẫn độ nhưng giấy tờ luôn sai sót ở đâu đó", cô kể.
Lehanne phiền lòng vì Bộ Ngoại giao Anh không gây đủ áp lực để vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Khi liên lạc với tổ chức từ thiện Murdered Abroad, cô mới nhận ra trải nghiệm của mình rất phổ biến. Ngay cả tổ chức phi lợi nhuận Action Society của Nam Phi, tập trung vào việc cải cách hệ thống tư pháp, đặc biệt là về bạo lực giới, cũng im lặng.
Tại Nam Phi, mỗi ngày có 153 vụ hiếp dâm được báo cáo và tám phụ nữ bị sát hại. "Ngay cả khi họ tìm ra thủ phạm là đàn ông, các vụ án vẫn đổ bể vì hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh", Lehanne nói.
Lehanne không thể tự mình đến Nam Phi vì bị hen suyễn nặng phải nhập viện để chăm sóc đặc biệt.
Qua tin nhắn và email, cô giữ liên lạc với Noelle Denis, quản lý khu nghỉ dưỡng, đồng thời là bạn của Christine. Chính thông qua Noelle, vào năm 2015, Lehanne được thông báo về việc nhìn thấy Andrew. Hắn đã trở lại Nam Phi, sống ở thành phố Johannesburg. Lehanne báo cáo với chính quyền Nam Phi, nhưng không có chuyện gì xảy ra.
Kế hoạch dụ dỗ kẻ sát nhân
Trang Facebook của Andrew đã không hoạt động kể từ khi bỏ trốn vào năm 2014. Nhưng đến năm 2016, khi trở thành "thám tử", Lehanne phát hiện hắn có ba tài khoản khác, đăng những bức ảnh gần đây hơn và để lại bình luận trên một số trang hẹn hò.
Bực bội vì không có cuộc điều tra nào khác của nhà chức trách, cô quyết định tự giải quyết vấn đề, tạo một tài khoản giả mạo là nữ tiếp viên hàng không trẻ trung đến từ Ghana, tên Missy Falcao - ghép từ tên hai chú chó săn của cô - để dụ hắn xuất hiện.
Sau khi kết bạn với một số người bạn trên Facebook của Andrew, cô nhắn tin tán tỉnh, khen hắn "rất nóng bỏng" và có "đôi mắt gợi cảm".
Andrew "cắn câu". Trong sáu tháng tiếp theo, khi mối quan hệ lãng mạn trực tuyến dần phát triển, Lehanne thu thập được nhiều thông tin mới và chuyển cho chính quyền Nam Phi.
"Tôi nói với hắn rằng tôi là tiếp viên hàng không vì điều đó có nghĩa là không phải lúc nào cũng liên lạc được với tôi. Tôi phải nói nhẹ nhàng thôi, không muốn tự buộc mình vào những lời nói dối mà tôi chẳng thể nhớ nổi. Tôi nghĩ những lời tâng bốc sẽ khiến hắn hứng thú", Lehanne nói về những tin nhắn gửi cho Andrew.
Lehanne không nói với gia đình về việc đang làm để không gieo hy vọng cho họ. Suốt thời gian đó, chồng của Lehanne, Simone, lo lắng nhưng vẫn ủng hộ cô. Bản thân Lehanne vốn khá nhút nhát, "nhưng khi có điều gì đó thôi thúc, bạn phải hành động".
Tuy nhiên, vẫn có những lúc cô chùn bước. "Vì tôi nghĩ 'điều này không tốt'. Tôi cần phải quản lý sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Tin nhắn thường đến vào đêm khuya. Thật khó khăn. Và tôi không được ai hỗ trợ về những gì nên nói hoặc làm", Lehanne kể.
Sau khi tìm ra số điện thoại của Andrew - kẻ hiện tự nhận là thợ điện và sống một mình ở Johannesburg - Lehanne báo cho cảnh sát Nam Phi để truy bắt. Nhưng việc theo dõi điện thoại không thành công vì hắn đã tắt máy.
Vài ngày sau, cô nhận được tin nhắn từ Andrew giải thích rằng điện thoại bị đánh cắp. Tuy nhiên, hắn bắt đầu thắc mắc vì cô từ chối gặp qua FaceTime. Lehanne giao tài khoản Facebook Missy Falcao cho cảnh sát Nam Phi nhưng Andrew đã mất kiên nhẫn hoặc trở nên nghi ngờ nên ngừng nhắn tin cho Missy hoàn toàn.
Mọi dấu vết bế tắc vào năm 2018. Lehanne cảm thấy như mọi nỗ lực đều vô ích.
Quyết định đem đến bước ngoặt
Trong suốt thời gian đó, Bộ Ngoại giao Anh đã yêu cầu Lehanne không làm bất cứ điều gì với thông tin mà cô có, và rằng chính quyền Nam Phi đang xử lý thông tin. Nhưng Lehanne không muốn im lặng nữa.
Cô quá phẫn nộ khi kiểm tra Facebook của Andrew trong một đêm mất ngủ vào năm 2020, thấy hắn đăng một bức ảnh cho thấy vẫn đang ở Johannesburg.
"Hắn vẫn đang tận hưởng cuộc sống. Cảnh sát Nam Phi thì quá tải. Chính phủ Anh chưa bao giờ đăng ảnh hắn lên mạng. Nhưng tôi đã có tất cả những bức ảnh mới này. Tôi tự hỏi nếu tôi đăng chúng lên, liệu giờ có ai nhận ra hắn không?", Lehanne chia sẻ.
Vào ngày 30/7/2020, đúng sáu năm sau án mạng, Lehanne quyết định ra tay. Cô viết: "Sáu năm trước, gã đàn ông này đã cưỡng hiếp và sát hại dì tôi, Christine Robinson. Andrew Ndlovu vẫn được tự do và đang tận hưởng cuộc sống sau khi cướp đi tính mạng của dì tôi".
Ian Cameron, thuộc tổ chức Action Society, đã chia sẻ bài đăng này, khiến nó được lan truyền rộng rãi với hơn 70.000 người chia sẻ.
Cùng ngày, một phụ nữ tên Melissa liên hệ để báo tin Andrew đã làm việc cho gia đình cô trong 5 năm qua và sống ở nhà cô vào năm ngoái.
Tối hôm đó, Andrew bị bắt.
Công lý đến muộn
Ở Nam Phi, tỷ lệ kết án tội giết phụ nữ thấp đến mức đáng kinh ngạc do thiếu bằng chứng và khó truy tố. Số liệu thống kê từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa cho thấy chưa đến 1/5 vụ án về tội phạm tình dục phải ra tòa và chỉ có 8,6% được kết luận là có tội.
Lần này, may mắn đã đứng về phía gia đình.
Sáu tháng trước khi Andrew bị bắt, công tố viên đã xem xét lại vụ án và yêu cầu bổ sung những thiếu sót. Kết quả, cảnh sát đã nhận được lời khai từ bạn gái sống chung với Andrew vào thời điểm xảy ra án mạng, kể lại lời thú tội của hắn với cô.
Dù bằng chứng ADN chống lại Andrew rất rõ ràng, hắn vẫn không nhận tội và khẳng định việc quan hệ tình dục là đồng thuận.
Tại phiên tòa vào tháng 4/2022, Lehanne thuê một người quan sát để tường thuật lại. Cô đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện nên không thể đi Nam Phi. Bất chấp mọi khó khăn, Lehanne cố viết một bản tuyên bố về tác động của tội ác đối với nạn nhân để đọc trước tòa.
"Điều quan trọng là để thẩm phán hiểu rằng dì ấy không phải một người vô danh. Dì ấy có gia đình, bạn bè. Dì ấy có thật, không chỉ là một bức ảnh trong hồ sơ bằng chứng", cô nói.
Sau 8 năm gây án, Andrew bị kết tội giết người và hiếp dâm, phải ngồi tù ít nhất 22 năm.
Hiện nay, ở tuổi 54, Lehanne cho biết động lực thúc đẩy cô truy tìm hung thủ trước hết là khát khao công lý cho người dì mà cô luôn gắn bó, cùng với đó là mong muốn nâng cao nhận thức về nạn giết hại phụ nữ, hiếp dâm và bạo lực giới trên khắp thế giới.
Sau sự việc, Lehanne tự nhận dũng cảm hơn so với tính cách vốn rụt rè, không giỏi diễn thuyết trước công chúng. "Nhưng một khi bạn hiểu được những gì đang xảy ra với phụ nữ, và nạn kỳ thị nữ giới vẫn tiếp diễn, bạn sẽ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm điều gì đó", cô nói.
Tuệ Anh (theo Telegraph, Daily Mail)