Nhảy đến nội dung

Kashmir, ngòi nổ trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Ấn Độ rạng sáng 7/5 tuyên bố mở chiến dịch Sindoor, phóng tên lửa tấn công ít nhất 9 mục tiêu ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát và trên lãnh thổ Pakistan, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, 35 người bị thương.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết động thái này "nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố" ở khu du lịch trong thung lũng Baisaran, gần thị trấn Pahalgam, vùng Jammu và Kashmir, hồi tháng trước, khiến 25 người Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn nhóm Kháng chiến Kashmir, hay còn gọi là Mặt trận Kháng chiến (TRF), tiến hành vụ tấn công, điều mà Islamabad bác bỏ.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi cuộc không kích của Ấn Độ là "hành động chiến tranh" và tuyên bố nước này "có đầy đủ quyền đáp trả mạnh mẽ", nhưng không nêu chi tiết. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan tuyên bố họ đã bắn rơi ít nhất 5 máy bay quân sự của Ấn Độ tại khu vực biên giới và bắt một số quân nhân Ấn Độ làm tù binh.

Đây là diễn biến mới nhất đốt nóng căng thẳng liên quan đến tranh chấp giữa Ấn Độ - Pakistan ở khu vực Kashmir, nơi được coi là ngòi nổ cho "thùng thuốc súng" có thể bùng phát bất cứ lúc nào giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nằm ở phía tây bắc tiểu lục địa Ấn Độ, trên dãy Himalaya, vùng Kashmir trải dài trên diện tích 222.200 km2 và lịch sử tranh chấp ở khu vực này gắn liền với quá khứ Anh đô hộ Ấn Độ.

Thực dân Anh vào tháng 8/1947 chia Ấn Độ thuộc Anh thành hai quốc gia là Pakistan với đa số người Hồi giáo và Ấn Độ với đa số người Hindu giáo. Vào thời điểm đó, các vùng ở giữa như Jammu và Kashmir được trao quyền lựa chọn sáp nhập vào bất kỳ quốc gia nào. Với gần 75% dân số Kashmir theo đạo Hồi, nhiều người ở Pakistan tin rằng khu vực này sẽ trở thành một phần của họ một cách tự nhiên.

Vùng Jammu và Kashmir khi đó nằm dưới sự cai trị của Quốc vương Hari Singh, theo một thỏa thuận giữa Anh với tổ tiên của ông vào năm 1846. Vào thời điểm phân chia, Quốc vương Singh ban đầu tìm cách duy trì nền độc lập của khu vực khỏi cả Ấn Độ và Pakistan.

Nhưng lúc bấy giờ, một cuộc nổi loạn chống lại quyền cai trị của ông do những cư dân ủng hộ Pakistan nổ ra. Các nhóm vũ trang từ Pakistan, được chính phủ của quốc gia mới thành lập hậu thuẫn, đã mở chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát vùng đất.

Để bảo vệ lãnh thổ trước cuộc tấn công từ Pakistan, Quốc vương Singh kêu gọi Ấn Độ hỗ trợ về quân sự.

Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đồng ý can thiệp, nhưng với điều kiện là Quốc vương Singh phải ký cam kết đồng ý sáp nhập Jammu và Kashmir vào Ấn Độ. Tháng 10/1947, Jammu và Kashmi trở thành một phần của Ấn Độ, trao cho New Delhi quyền kiểm soát Thung lũng Kashmir, Jammu và Ladakh.

Điều này vấp phải sự phản đối của Pakistan, làm bùng phát cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai quốc gia mới thành lập từ năm 1947 đến 1948. Ấn Độ cáo buộc Pakistan là bên gây hấn trong cuộc xung đột và đã đưa vấn đề lên Liên Hợp Quốc vào tháng 1/1948.

Một nghị quyết quan trọng đã được LHQ thông qua, tuyên bố "việc Jammu và Kashmir sáp nhập vào Ấn Độ hay Pakistan nên được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu dân ý dân chủ, tự do và công bằng". Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức tại khu vực và đây cũng là một nguồn cơn gây bất bình cho người dân Kashmir.

Cuộc chiến tranh đầu tiên giành quyền kiểm soát Kashmir cuối cùng kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do LHQ làm trung gian. Vào năm 1949, hai nước đã chính thức hóa đường ngừng bắn theo thỏa thuận được ký tại Karachi, thủ đô lúc bấy giờ của Pakistan.

Đường ranh giới mới chia Kashmir thành hai phần. Pakistan kiểm soát các khu vực phía bắc và phía tây, cụ thể là Azad Kashmir, Gilgit và Baltistan, trong khi Ấn Độ kiểm soát các vùng phía nam và đông nam, bao gồm Thung lũng Kashmir và Srinagar, thành phố lớn nhất khu vực, cũng như Jammu và Ladakh.

Dân số Kashmir chủ yếu là người Hồi giáo, với khoảng 4 triệu người sống ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý và 13 triệu người ở Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý.

Năm 1953, Sheikh Abdullah, gương mặt chính trị nổi bật nhất ở Kashmir khi đó, đã thành lập Hội nghị Quốc gia Jammu Kashmir (JKNC) và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang tại khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý.

Năm 1956, Jammu và Kashmir được tuyên bố là một phần "không thể tách rời" của Ấn Độ, sau khi giới chức nước này cáo buộc Abdullah tìm cách giành độc lập cho Kashmir.

Tháng 9/1965, chưa đầy hai thập kỷ sau khi giành độc lập khỏi Anh, một cuộc nổi dậy do Pakistan hậu thuẫn đã bùng nổ tại Kashmir, châm ngòi chiến tranh lần hai giữa Ấn Độ và Pakistan, trước khi hai bên đồng ý ngừng bắn dưới sự giám sát của LHQ.

Một cuộc xung đột khác nổ ra vào tháng 12/1971, lần này liên quan đến khu vực mà lúc bấy giờ được gọi là Đông Pakistan, sau khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Bengal được Ấn Độ hậu thuẫn nổi dậy chống lại chính quyền Pakistan. Cuộc chiến đã dẫn tới việc thành lập nước Bangladesh. Hơn 90.000 binh lính Pakistan bị Ấn Độ bắt làm tù binh trong cuộc chiến này.

Hiệp định Simla được Ấn Độ và Pakistan ký năm 1972 đã chuyển đường ngừng bắn thành Đường Kiểm soát (LoC), biên giới trên thực tế nhưng không được quốc tế công nhận, tiếp tục khiến tình trạng của Kashmir bị bỏ ngỏ.

Nhưng sau chiến thắng quyết định Ấn Độ giành được vào năm 1971 và trong bối cảnh ảnh hưởng chính trị từ thủ tướng Indira Gandhi ngày càng tăng, Abdullah đã từ bỏ yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý và quyền tự quyết của người dân Kashmir.

Năm 1975, ông ký một hiệp định với thủ tướng Gandhi, sáp nhập vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý vào lãnh thổ nước này trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng bán tự trị theo Điều 370 hiến pháp Ấn Độ. Sau đó, ông Abdullah giữ chức thủ hiến khu vực này.

Khi mối quan hệ giữa đảng JKNC của Abdullah và đảng Quốc đại cầm quyền của Ấn Độ ngày càng phát triển, nỗi thất vọng trong cộng đồng người Kashmir ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát cũng tăng lên, khi họ cảm thấy điều kiện kinh tế xã hội sau sáp nhập không được cải thiện.

Các nhóm ly khai như Mặt trận Giải phóng Jammu-Kashmir do Maqbool Bhat thành lập bắt đầu nổi lên.

Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Kashmir bắt đầu phai mờ trước làn sóng ủng hộ ngày càng tăng đối với các nhóm vũ trang ly khai. Và điểm bùng nổ chính là cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương vào năm 1987, khi Farooq Abdullah, con trai Sheikh Abdullah, lên nắm quyền. Cuộc bầu cử bị cáo buộc là xảy ra gian lận nghiêm trọng, nhằm ngăn các chính trị gia chống Ấn Độ giành được phiếu bầu.

Chính quyền Ấn Độ khi đó đã phát động chiến dịch tấn công quyết liệt các nhóm ly khai mà họ cáo buộc là được tình báo quân sự Pakistan hỗ trợ và huấn luyện ở Kashmir. Pakistan bác bỏ, khẳng định họ chỉ cung cấp hỗ trợ về mặt ngoại giao, ủng hộ "quyền tự quyết" của người Kashmir.

Năm 1999, xung đột nổ ra ở Kargil, khi quân đội Ấn Độ và Pakistan giao tranh giành quyền kiểm soát các cao điểm chiến lược dọc theo LoC. Những năm tiếp theo, xung đột trực tiếp giảm dần với nhiều lệnh ngừng bắn cục bộ được ký kết. Tuy nhiên, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể hiện diện quân sự của mình ở Kashmir.

Căng thẳng bùng phát trở lại vào năm 2016, sau vụ sát hại Burhan Wani, một thủ lĩnh ly khai nổi tiếng ở Kashimir. Cái chết của Wani khiến bạo lực gia tăng tại khu vực và các cuộc đấu súng cũng nổ ra thường xuyên hơn dọc theo LoC.

Diễn biến leo thang nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 2/2019, khi một đoàn xe quân sự Ấn Độ bị tấn công ở Pulwama, khiến 40 người thiệt mạng. Sự việc đẩy Ấn Độ và Pakistan đến bên bờ vực chiến tranh.

6 tháng sau, chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đơn phương thu hồi quy chế bán tự trị của vùng Jammu và Kashmir, đặt khu vực dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính phủ và thúc đẩy hàng loạt thay đổi pháp lý gây tranh cãi. New Delhi khẳng định chính sách này đã giúp dập tắt bạo lực từ các lực lượng đòi ly khai trong khu vực. Pakistan lên án hành động của Ấn Độ vi phạm Hiệp định Simla.

Quyết định trên cũng dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp ở Jammu và Kashmir. Ấn Độ đã triển khai hàng trăm nghìn binh lính nhằm phong tỏa khu vực, cắt dịch vụ Internet và bắt giam hàng nghìn người.

Ấn Độ khẳng định Pakistan phải chịu trách nhiệm cho các cuộc khủng hoảng diễn ra ở Kashmir. New Delhi cáo buộc Islamabad tài trợ và huấn luyện những nhóm vũ trang ở Pakistan gây ra hàng loạt vụ tấn công ở Jammu và Kashmir trong nhiều thập kỷ qua.

Vài nhóm trong số này cũng bị cáo buộc tấn công những khu vực khác của Ấn Độ, như vụ tấn công năm 2008 vào Mumbai khiến ít nhất 166 người thiệt mạng.

Pakistan tiếp tục phủ nhận việc họ kích động bạo lực ở Jammu và Kashmir. Họ cho rằng việc Ấn Độ áp đặt chế độ kiểm soát nghiêm ngặt với khu vực đã ngày càng làm sâu sắc thêm nỗi phẫn nộ trong người dân địa phương.

Năm 2014, quan hệ hai bên cải thiện khi thủ tướng Pakistan khi đó là Nawaz Sharif tới Delhi dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Modi. Nhưng một năm sau, Ấn Độ cáo buộc các nhóm vũ trang do Pakistan hậu thuẫn tấn công căn cứ không quân của họ ở Pathankot, bang Punjab.

Thủ tướng Modi đã hủy chuyến thăm tới Islamabad để dự một hội nghị khu vực năm 2017. Kể từ đó đến nay, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng tranh chấp tại Kashmir chưa đạt được bất cứ tiến triển nào.

Vũ Hoàng (Theo BBC, Al Jazeera, AFP, Reuters)