Xây dựng 248 trường nội trú ở biên giới: Chủ trương nhân văn, kịp thời

Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) tại 248 xã biên giới đất liền. Đây là lần đầu tiên có mô hình trường phổ thông nội trú liên cấp này ở các xã biên giới.
Trước đó, tại nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng thống nhất chủ trương giao Chính phủ khẩn trương triển khai việc thực hiện hỗ trợ ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới đất liền từ năm học 2025 - 2026. Cả hai chủ trương này được dư luận nhìn nhận là rất nhân văn.
Dự kiến đầu tư 150 tỉ đồng/trường
Hôm qua (23-7), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết Bộ Chính trị đã kết luận về chủ trương đầu tư xây dựng 248 trường học nội trú liên cấp cho 248 xã biên giới đất liền. Việc này để con em các vùng biên giới có điều kiện học tập, đầu tư cho nguồn nhân lực.
Theo ông Chiến, dự kiến Nhà nước bỏ ra bình quân 150 tỉ đồng/trường. Các trường sẽ được xây dựng trên diện tích 5ha và có đầy đủ các thiết chế từ phòng học, bếp ăn, phòng thí nghiệm, sân chơi, bãi tập, rèn luyện thể thao... Ngoài chi phí xây dựng trường, MTTQ Việt Nam sẽ vận động nguồn lực bên ngoài để nuôi học sinh tại các trường này.
"Tôi tính toán mỗi cháu khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, mỗi xã biên giới có khoảng 500 cháu, chúng ta có thể huy động xã hội để hỗ trợ. Nếu vận động được khoảng 1.500 - 2.000 tỉ đồng có thể nuôi được các cháu ba năm.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trực thuộc Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể trung ương phải hướng về, vận động, thực hiện chủ trương này", ông Chiến nói.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các chủ trương trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, người tham gia nhiều cuộc giám sát liên quan giáo dục tại các trường, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới - đánh giá đây là các chủ trương thể hiện sự nhân văn, an sinh rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.
"Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để phát triển giáo dục ở các vùng miền núi, đặc biệt là các địa phương giáp biên. Bên cạnh các kết quả rất tốt, giáo dục ở các khu vực này còn rất nhiều khó khăn như về cơ sở vật chất, nhất là trường học; điểm trường chưa được kiên cố, thiếu giáo viên...
Bởi vậy, chủ trương của Bộ Chính trị đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS tại 248 xã biên giới đất liền là chính sách an sinh rất quan trọng, vô cùng đúng đắn.
Chủ trương quan trọng này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về giáo dục nói riêng và rộng hơn là về phát triển nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội nói chung của miền núi với miền xuôi", bà Nga nhấn mạnh.
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị đã nêu rõ các giải pháp thực hiện. Bà Nga cho rằng cần có sự rà soát thật kỹ để xây dựng hạ tầng bởi trường phổ thông nội trú liên cấp là loại hình hoàn toàn mới, khác với các loại hình hiện có.
Thêm vào đó, với trường nội trú là trường mà học sinh sẽ ăn ở, sinh hoạt tại chỗ nên rất khác so với các trường hiện tại. Điều kiện địa lý, hạ tầng ở các xã biên giới cũng rất khác so với các địa bàn còn lại.
"Do đó, không thể xây dựng theo mô hình sẵn có, phổ biến, đại trà như hiện nay mà trước khi triển khai phải xem xét, đánh giá cụ thể ở từng địa bàn để đảm bảo phù hợp. Phải đánh giá kỹ về quỹ đất, đường giao thông, điện, nước sạch, thậm chí xử lý môi trường phù hợp với địa hình phức tạp ở vùng biên giới...", bà Nga nói.
Để sửa chữa, xây dựng 248 trường phổ thông nội trú liên cấp, trong đó thí điểm 100 trường trong năm 2025 như yêu cầu của Bộ Chính trị, cần huy động nguồn tài chính hợp lý để đáp ứng. Ngoài ngân sách của Nhà nước, khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp để đảm bảo đủ kinh phí thực hiện.
Cùng với đó, việc xây dựng một ngôi trường mới không phải chỉ xây các tòa nhà, cơ sở là xong mà vấn đề duy trì, vận hành đòi hỏi nhiều kinh phí. Do vậy cần huy động các nguồn lực để đảm bảo việc này.
"Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý, giám sát rất chặt chẽ, minh bạch từ khâu lập dự án, đấu thầu xây dựng, nghiệm thu, khai thác vận hành để phòng chống lãng phí, tiêu cực theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị", bà Nga chia sẻ thêm.
Rất cần đội ngũ giáo viên tốt, phù hợp trường liên cấp
Hiện theo thống kê, cả nước còn thiếu trên 100.000 giáo viên, trong đó chủ yếu ở các vùng biên giới, địa bàn khó khăn. Vì vậy, song song với kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất cần chú ý đào tạo, bổ sung nguồn giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá chủ trương này là rất đúng và kịp thời; mang đậm tinh thần của một Nhà nước lấy con người làm trung tâm, lấy công bằng giáo dục làm nền tảng.
Ông Huân chỉ rõ đặc thù của các xã biên giới rất rộng, điều kiện đi lại thường khó khăn, do vậy trước khi tiến hành xây dựng các trường cần có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rất kỹ.
Trong đó xác định vị trí đặt trường, thiết kế trường ra sao để đảm bảo việc dạy và học cũng như nội trú của học sinh. Tính toán cụ thể về kinh phí sửa chữa, xây dựng trường mới và duy trì hoạt động, duy tu, bảo dưỡng trường học.
"Bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đầy đủ và phù hợp, mô hình trường liên cấp đòi hỏi chất lượng đội ngũ giáo viên cũng phải đảm bảo để dạy học", ông Huân nói thêm.
Ngoài bữa cơm trưa của học sinh sẽ được Nhà nước hỗ trợ, vì là trường nội trú nên ông Huân đề nghị cần tiếp tục có các chính sách để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ các bữa ăn còn lại cho học sinh ở các trường khu vực này.
Phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, thời gian được Bộ Chính trị đề ra. Cũng cần có kế hoạch truyền thông, tuyên truyền để bà con nhân dân ủng hộ, đưa con em đến trường đầy đủ.