Vụ lật tàu Hạ Long: Hành khách sống sót kỳ diệu kể 3 tiếng ôm ghế gỗ

(Dân trí) - Giữa muôn trùng sóng vỗ, 3 người đàn ông cố gắng bám lấy chiếc ghế gỗ, nhờ vậy họ giữ được tính mạng đến lúc được giải cứu.
18h, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trong bữa cơm giản dị sau biến cố, anh Nguyễn Hồng Quân và Nguyễn Anh Tú - 2 trong 3 người may mắn sống sót nhờ ôm ghế gỗ giữa biển vẫn chưa hết bàng hoàng khi hồi tưởng lại vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 (QN-7105) ở Hạ Long.
"Nhờ chiếc ghế gỗ, 3 người chúng tôi như được sinh ra một lần nữa. Cả nhóm không bao giờ quên được ký ức về thảm kịch này", anh Nguyễn Hồng Quân (quê ở Nghệ An) chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Không dự định đi tham quan vịnh Hạ Long
Một ngày sau khi căng sức giữa biển khơi để giành giật sự sống, toàn bộ cơ thể anh Quân mệt mỏi rã rời. Người đàn ông này cho rằng, mình may mắn hơn những hành khách xấu số đã thiệt mạng.
Trước lúc gặp nạn, anh Quân đi công tác ở Quảng Ninh. Trong khi ngồi cà phê tại phường Bãi Cháy, anh nảy sinh ý định mua vé tham quan hang động ngoài khơi.
"Chưa từng đi vịnh Hạ Long nên tôi mua vé ghép đoàn để ngắm cảnh. Không ngờ chuyến du lịch lại trở thành thảm họa ngoài sức tưởng tượng", anh Quân nói.
Theo anh Quân, thời điểm tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến, trời nắng và không có dấu hiệu dông. Cả đoàn di chuyển được 30 phút, trời bắt đầu đổ mưa lớn. Ít phút sau, gió thổi ầm ầm, một cơn sóng lớn ập đến khiến thuyền lật úp.
Trước khi mọi thứ chìm trong bóng tối, người đàn ông nghe tiếng hét thất thanh của nữ nhân viên làm ở quầy bếp. Toàn bộ khoang khách nhốn nháo rồi im bặt giữa biển nước mênh mông.
"Bị mắc kẹt trong cabin, tôi nghĩ sẽ chết dưới biển. Trong giây phút sinh tử, phát hiện ánh sáng le lói ở khoang bếp, tôi bơi theo cầu thang để tìm đường thoát ra khỏi thân tàu, cố ngoi lên mặt nước", anh Quân nhớ lại.
Bơi được khoảng 50m, người đàn ông quê Nghệ An nhìn thấy chiếc ghế gỗ bị văng ra từ con tàu gặp nạn đang trôi bồng bềnh. Như có chiếc phao giữa cơn tuyệt vọng, anh dồn sức, cố giữ lấy ghế để bảo toàn mạng sống.
Ít phút sau, Anh Tú và một người đàn ông khác bơi đến cùng bám vào ghế. Ba người bơi được khoảng 15 phút, người đàn ông khoảng 40 tuổi kia đuối sức dần rồi tự buông tay.
"Tôi thấy anh ấy chìm dần xuống biển trong sự bất lực. Hình ảnh đôi mắt tuyệt vọng khiến tôi bị ám ảnh”, anh Quân nghẹn ngào chia sẻ.
Thời điểm này, anh Mai Xuân Hải (quê Bắc Ninh) bơi được lên khỏi mặt nước, cố gắng tiến đến bám vào chiếc ghế.
"Cả 3 chúng tôi ôm chặt lấy chiếc ghế gỗ, quyết không buông tay. Chúng tôi động viên nhau, cố gắng bơi đến luồng có nhiều tàu thuyền qua lại để có cơ hội sống. Thực sự khoảnh khắc đó ai cũng hoảng loạn, bởi sóng lớn liên tục đánh vào, các mảnh gỗ chực chờ bung ra, chúng tôi phải gồng mình lên", anh Quân kể.
Giữa biển khơi mênh mông, mỗi khi thấp thoáng bóng tàu thuyền ở phía xa, 3 người đàn ông hét khản cả giọng: “Cứu với, cứu với…” và liên tục vẫy tay trong vô vọng.
Sau hơn 3 tiếng vật lộn với sóng nước, một ngư dân đi thuyền gần đó bất ngờ nghe thấy tiếng kêu yếu ớt vọng lại. Anh lập tức hướng thuyền về phía âm thanh và cứu được các nạn nhân lên bờ.
“Nếu phải lênh đênh thêm một tiếng nữa, có lẽ 3 anh em không thể còn cơ hội sống. Lúc được cứu, ai cũng kiệt sức, tay chân tê cứng, chỉ còn giữ ghế theo bản năng sinh tồn", anh trải lòng.
"May mắn", "kỳ diệu", "như một phép màu" là những từ mà anh Quân liên tục nhắc đến trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí sau khi trải qua thảm kịch.
Anh cho rằng, sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất giúp bản thân vượt qua khoảnh khắc sinh tử. Biết bơi từ nhỏ, nhiều năm qua người đàn ông này vẫn duy trì thói quen rèn luyện thể lực đều đặn. Trong thảm họa, đây chính là nền tảng để anh đủ sức lực chờ đến giây phút được cứu.
"Không thoát ra khỏi tàu làm sao nhìn thấy chiếc ghế?"
Là thủy thủ trên tàu Vịnh Xanh 58, anh Nguyễn Anh Tú (sống ở Quảng Ninh) cảm thấy may mắn khi bấu víu được vào chiếc ghế gỗ.
Anh Tú kể, thuyền bị lật trong tích tắc. Toàn bộ hành khách gần như không kịp trở tay do mọi chuyện diễn biến quá nhanh. Sau 10 giây, nước ngập tràn khắp các khoang, trong đó buồng lái - nơi Tú làm việc - chìm xuống đáy đầu tiên.
Vận dụng kỹ năng bơi đã được học, Tú cố thoát thân ra ngoài qua một ô cửa kính nhỏ đã vỡ nham nhở do bị va đập trong quá trình tàu chìm.
"May mắn nhất là tôi thoát được ra ngoài, cố gắng quan sát mọi thứ xung quanh, trấn tĩnh bản thân. Nếu tôi ở trong khoang tàu ngập nước, làm sao có thể nhìn thấy ghế gỗ để bám vào?", chàng trai cho biết.
Suốt 3 tiếng giành giật sự sống, Anh Tú chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Chàng trai tin rằng với những kỹ năng sinh tồn đã được học, anh sẽ thoát nguy hiểm.
Trở về từ "cửa tử', điều đọng lại trong tâm trí Tú không phải ký ức về vụ lật tàu mà chính là giây phút được giải cứu.
Trong khoảnh khắc đó, Tú cùng anh Quân và anh Hải với gương mặt tái nhợt, người ướt sũng và kiệt sức sau nhiều giờ chống chọi giữa biển khơi, nhìn nhau nghẹn ngào thốt lên: “Chúng ta được cứu rồi".
Cầm bát cơm trên tay trong phòng bệnh, Anh Tú vẫn ngỡ mình đang sống trong giấc mơ. Cho đến bây giờ, chàng trai quê Quảng Ninh không dám tin khi nhớ lại hành trình kỳ diệu giữ mạng sống giữa muôn trùng sóng vỗ.
Được biết, Tú làm nhân viên trên tàu Vịnh Xanh 58 đã được 2 năm. Sau sự việc đau thương này, chàng trai cho biết sẽ suy nghĩ nghiêm túc có nên tiếp tục công việc rong ruổi theo những chuyến tàu du lịch giữa biển khơi.
"Tuy vết thương trên tay còn đau nhưng tôi hạnh phúc vì được trở về với gia đình. Ba anh em tôi không quen biết nhau nhưng đã được sinh ra một lần nữa nhờ chuyến đi định mệnh", Anh Tú khẳng định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Thủ tướng về vụ tai nạn lật tàu du lịch, chiếc tàu gặp nạn là tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105. Phương tiện bị lật khi đang chở khách du lịch tham quan trên Vịnh Hạ Long.
Đây là loại tàu vỏ sắt đóng năm 2015, chủ tàu là ông Đoàn Văn Trình (thường trú tại phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh).
Báo cáo của địa phương cho thấy trên tàu thời điểm gặp nạn chở 49 người (46 du khách và 3 thuyền viên). Tàu rời bến đi tham quan vào lúc 12h55 ngày 19/7, đi tham quan tuyến 2 (hang Sửng sốt - Đảo Titop), đến 13h30 cùng ngày gặp dông bất ngờ và đến 14h5 cùng ngày mất kết nối tín hiệu GPS.
Đến 14h ngày 20/7, công an và các lực lượng chức năng đã cứu được 10 người và tìm thấy 35 nạn nhân đã tử vong.
Sau khi khám nghiệm và xác định danh tính, đến nay đã hoàn tất thủ tục bàn giao 35 thi thể cho gia đình để đưa về mai táng.