Nhảy đến nội dung
 

Vợ chồng chị Dương Thị Nga ở Đồng Xoài đền ơn liệt sĩ

Gần 10 năm qua, có một người phụ nữ âm thầm góp sức cùng chồng đưa hàng ngàn hài cốt liệt sĩ trở về quê hương miễn phí, chỉ đơn giản vì 'chọn sống để tri ân'. Đó là chị Dương Thị Nga (49 tuổi, ở Đồng Nai).

Chúng tôi đến phường Đồng Xoài, tỉnh Đồng Nai tìm gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng, người đã phát tâm chuyên chở hàng ngàn hài cốt liệt sĩ về quê miễn phí. 

Nhưng anh Hùng "liếc xéo" sang vợ rồi buông một câu dí dỏm: "Tôi chỉ là người làm thuê cho vợ. Cô ấy mới là người lo toan mọi chi phí, chuẩn bị tươm tất từ bó nhang, đĩa trái cây, bữa cơm… cho các buổi bốc hài cốt và đưa liệt sĩ về quê. Tôi chỉ việc cầm lái". 

Và thế là cuộc trò chuyện của chúng tôi được "lái" sang người phụ nữ mà anh gọi bằng tất cả sự trân trọng "nội tướng của mình".

Ơn nặng phải đáp đền là ơn đối với liệt sĩ

Chị Dương Thị Nga tâm sự với chúng tôi rằng, mình chỉ là một phụ nữ bình dị làm những điều thiện lành nhất để tri ân những người ngã xuống. Nhưng trong mắt của nhiều người, sự bình dị đó rất cao cả.

Chị Nga là cử nhân điều dưỡng, từng làm điều dưỡng trưởng tại 1 bệnh viện tỉnh, nhưng xin nghỉ hưu sớm. Mang tiếng nghỉ hưu, song thực tế chị lặng lẽ lui về hậu trường, chăm lo gia đình, điều hành công việc chăm sóc y tế tại nhà và đội xe cứu thương. Đặc biệt là sát cánh cùng chồng trong hành trình tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc của dân tộc.

"Giáo lý nhà Phật dạy rằng có 4 ơn nặng phải báo đáp. Ơn của những người đã hy sinh cho hòa bình, cho hạnh phúc hôm nay là một trong những ơn sâu nặng nhất. Khi anh Hùng muốn dùng xe cứu thương của gia đình để đưa các liệt sĩ về quê miễn phí, tôi không đắn đo. Tôi tin vào việc thiện ông xã làm", chị Nga nhẹ nhàng chia sẻ.

Từ năm 2016, hai vợ chồng chị Nga bắt đầu hành trình "đền ơn liệt sĩ" bằng những chuyến xe như thế. Lúc đầu chỉ một vài chuyến, rồi nhiều dần lên. Có chuyến đi xuyên 3 miền. Có ngày vừa về tới nhà đã vội chuẩn bị cho chuyến kế tiếp.

"Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đưa hài cốt các liệt sĩ về quê không chỉ góp tiền là xong. Phải chuẩn bị chu đáo, tươm tất rất nhiều thứ. Và việc này chị Nga luôn chu toàn", ông Nguyễn Sỹ Hồ, một người rất nổi tiếng trong hoạt động tình nguyện tìm kiếm mộ liệt sĩ, cho biết.

Trong thực tế, chị Nga là người thu xếp tài chính và lo từng bó nhang, đĩa trái cây… để cúng liệt sĩ cho nghiêm trang. Nhiều khi chị còn lo những bữa ăn cho đoàn, thân nhân liệt sĩ lúc đi cất bốc hài cốt. Cũng không ít lần chị giúp chồng sửa sang hoặc khiêng quan tài liệt sĩ…

Cho đến nay, những chuyến xe nghĩa tình của hai vợ chồng chị Nga vẫn đều đều lăn bánh, băng qua mưa nắng, vượt qua hàng nghìn cây số chỉ với một mục đích đưa các liệt sĩ trở về nơi họ đã sinh ra.

Trong suốt buổi trò chuyện, anh Hùng không nói nhiều. Nhưng cách anh nhìn chị Nga với sự trân trọng, tự hào đã nói lên tất cả. Họ như 2 mắt xích của một hành trình nhân ái không mỏi mệt. 

"Anh ấy đủ sức, đủ tình thương để đi, thì tôi đủ vun vén để anh thực hiện công việc thiêng liêng", chị Nga nói giọng như gió thoảng, nhưng chứa đựng một tinh thần hy sinh lặng lẽ.

Những chuyến xe nghĩa tình đáng nhớ

Không chỉ vun vén tiền bạc lo chi phí, phụ trách hậu cần chu toàn cho chồng trong những chuyến xe đưa liệt sĩ về quê, mà nhiều lần chị Nga cũng đồng hành với chồng suốt hành trình.

Những gia đình thân nhân liệt sĩ nhờ đến vợ chồng chị Dương Thị Nga đưa hài cốt liệt sĩ về quê hầu hết đều khó khăn và ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chị Nga đã từng trải qua cảm giác mệt nhoài trên đường thiên lý.

Cũng không ít lần chị Nga phải nhận "hậu quả" do việc xe đưa liệt sĩ về quê bị kẹt đường, gặp mưa bão, sau đó phải vượt quá tốc độ cho phép để kịp về đúng giờ làm lễ truy điệu, an táng lại liệt sĩ tại quê nhà. Kết cục là một thời gian sau chị nhận về một xấp giấy phạt nguội. 

"Mình sai thì phải chấp nhận đóng phạt thôi. Nhưng bằng lái ô tô bị giữ nên tôi phải xe máy đi lại cho đến khi được trả bằng lái. Không sao, mình làm vì việc nghĩa mà", chị cười.

Nhưng ký ức khó quên là những chuyến đi khiến trái tim chị đau nhói. Đó là các lần cùng chồng đưa liệt sĩ về trao cho những người mẹ già nua, nghèo khó ở vùng quê. Chẳng hạn, một bà mẹ già ở vùng sâu Quảng Nam, gần 100 tuổi, lặng lẽ ôm chiếc quan tài con và khóc như chưa từng được khóc trong đời.

Rồi một người cha run rẩy đặt tay lên quan tài con trai sau hơn 40 năm biệt tin. Ông không dám tin là con mình thật sự đã trở về, dù đó chỉ là phần hài cốt. Hay những người thân lần đầu được nhìn cha, nhìn ông qua chiếc quan tài, khóc nấc lên giữa nghĩa trang.

"Hạnh phúc không nằm ở nhà cao cửa rộng. Hạnh phúc là khi thấy người mẹ già nghèo, khốn khó sau bao nhiêu năm mòn mỏi ngóng trông, cuối cùng cũng đón được con mình về, dù đó chỉ là nắm xương tàn", chị Nga nghèn nghẹn nói, rồi bất giác nước mắt rơi lã chã.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ nói về chị Nga với tất cả lòng thán phục: "Những phụ nữ tham gia vào công việc đưa hài cốt liệt sĩ về quê như chị Nga là rất hiếm. Chị ấy tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi trong hành trình thực hiện những công việc đền ơn, đáp nghĩa với những người đã nằm xuống vì sự bình yên của đất nước này".

Giữa những bộn bề của cuộc sống, có những người lặng thầm sống vì người khác. Chị Nga và chồng như thế. Không ồn ào, không phô trương, nhưng hành trình đền ơn đáp nghĩa những người hy sinh vì Tổ quốc như cách của của họ là một lời nhắn nhủ về đạo lý, về lòng biết ơn và giá trị của yêu thương.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn