Viết ghi chú vào sách là lưu kỷ niệm hay phá hoại?

Những lời đề tặng, dòng ghi chú viết tay trên trang sách là dấu tích của dòng ký ức đáng trân trọng hay là hành vi phá hoại sách?
Trong thời đại số, khi mọi dấu vết dễ bị xóa sạch chỉ bằng một cú chạm thì những dòng ghi chú viết tay trên trang sách bỗng trở nên đầy cảm xúc. Nhưng liệu chúng là dấu tích của dòng ký ức đáng trân trọng hay là hành vi xâm phạm vào sự nguyên vẹn của tác phẩm?
Mua sách vì dòng đề tặng cũ
Trên các nền tảng như BookTok, Bookstagram, việc ghi chú, đánh dấu màu, vẽ trái tim hay thậm chí gửi gắm cảm xúc vào từng trang sách trở thành trào lưu.
Tôi từng mua một cuốn sách cũ không vì nội dung, mà vì dòng đề tặng đã nhòe mực: "Tặng H., một ngày đầu thu năm 1997. Mong em luôn giữ được lòng tin và đôi mắt biết nhìn điều tử tế".
Chỉ một câu ngắn, nhưng đủ khiến cuốn sách có hồn. Dường như đang kể cho tôi nghe về câu chuyện riêng tư, lặng lẽ, không nằm trong phần mục lục nào.
Ở một tiệm sách cũ khác, tôi từng bắt gặp lời chúc thi tốt, có lời tỏ tình vụng về, thậm chí là nhật ký cảm xúc viết xen giữa những dòng in sẵn, tất cả khiến cuốn sách sống động hơn cả bản in.
Không phải mọi người đều viết đẹp, viết hay. Nhưng mỗi dòng viết tay đều là khoảnh khắc ghi dấu giữa người và tri thức, và có lúc chính phần "không hoàn hảo" ấy mới khiến sách trở nên đặc biệt.
Một cuốn sách, đôi khi chưa cần mở ra đã bắt đầu kể chuyện. Câu chuyện ấy nằm trong dòng đề tặng, một nét bút chì, một trang bị gấp nhẹ hay mảnh thư tình ép khẽ giữa hai trang giấy. Đó là điều khiến nhiều người yêu sách cũ mê mẩn.
Nhưng cũng chính điều ấy đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời: Có nên để lại lời đề tặng trong sách không? Hay là giữ cuốn sách trắng tinh?
Có nên viết lời đề tặng vào sách?
Với những người làm công việc nghiên cứu văn bản cổ, mỗi trang sách là tư liệu quý, cần được giữ nguyên hiện trạng để phục vụ khảo cứu. Một dòng mực tay không rõ nguồn gốc có thể làm lệch cả kết luận về văn phong, lịch sử in ấn, hay thậm chí dẫn đến sai lệch trong việc phục dựng tri thức thời kỳ.
Giới sưu tầm sách cũng có quan điểm tương tự. Chỉ chữ ký tác giả, danh nhân hay nhân vật lịch sử mới được coi là tăng giá trị, còn lại mọi dấu vết cá nhân đều có thể khiến giá trị sách giảm tới 30–80%. Một cuốn sách bị ghi chú tùy tiện gần như mất khả năng định giá trên thị trường cổ bản.
Ở góc độ xuất bản, viết tay vào sách, nhất là sách học thuật, giáo trình, tài liệu thư viện bị xem là hành vi làm sai lệch nội dung gốc, ảnh hưởng đến mục tiêu tiếp nhận thống nhất.
Vậy viết ghi chú vào sách là chiếm hữu hay đối thoại với tri thức?
Một số người rất thích viết vẽ vào sách, để lưu nhớ kiến thức, còn "thể hiện cá tính", ghi lại cảm xúc, rồi chụp ảnh đăng lên BookTok hay Bookstagram.
Tôi từng hỏi một chủ tiệm sách cũ ở đường Ung Văn Khiêm: "Chú có tiếc không nếu ai đó viết tay vào sách?"
Ông cười hiền: "Không. Sách mà sạch quá thì giống đồ trưng bày, không phải để đọc nữa".
Với ông, vài dòng ghi chú, nét gạch chân là minh chứng cho việc cuốn sách đã được sống, đã đi qua tay ai đó, chạm vào suy nghĩ của ai đó, cũng là điều tuyệt vời.
Một bạn sinh viên cũng nói với tôi: "Em thích những cuốn sách có nét bút chì của người đọc trước. Em muốn học theo cách họ đã hiểu".
Nhưng cũng chính em thừa nhận: "Nhiều bạn bè em giờ ghi chú, vẽ vời vào sách chỉ để chụp hình sống ảo. Đôi khi làm cuốn sách nhìn thấy thương luôn".
Theo anh Tạ Châu Phú (một người thích đọc sách), vấn đề không phải là có nên viết vào sách mà là viết thế nào cho đúng.
Với sách quý hiếm, sách cổ, tốt nhất nên giữ nguyên hiện trạng, tránh ghi trực tiếp lên trang giấy đã ngả màu, thay vào đó có thể dùng giấy ghi chú rời.
Với sách đọc thông thường, vài dòng ghi chú hoặc gạch chân có chừng mực vừa giúp người đọc ghi nhớ tốt hơn, vừa có thể trở thành một món quà tinh thần cho người đọc sau.
Trong trường hợp viết đề tặng, hãy gửi gắm một số thông điệp chân thành. Viết nếu đúng cách thì không làm giảm giá trị của sách, mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mỗi người.