Nhảy đến nội dung
 

Vị tiến sĩ nổi danh nào từng là chú bé mò cua, hơn 50 tuổi mới thi đỗ đại khoa?

Mặc dù thi cử và thành danh muộn, ông là tác giả của câu nói lưu danh muôn đời, một trong những biểu tượng của nghìn năm văn hiến nước nhà.

1. Vị tiến sĩ nổi danh nào từng là chú bé mò cua, hơn 50 tuổi mới đỗ đại khoa?

Theo báo Bắc Ninh, Thân Nhân Trung là danh nhân lịch sử, văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV. Ông người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc xưa. 

Năm 1469, khi hơn 50 tuổi, ông mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng, khoa thi này có mấy nghìn sĩ tử cả nước tham dự nhưng chỉ lấy đỗ 22 người, Thân Nhân Trung vinh dự đỗ Hội nguyên tiến sĩ đầu đỗ kỳ thi Hội, nhưng vào thi Đình (Điện thí) ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

2. Vì sao đến hơn 50 tuổi ông mới đi thi và đỗ tiến sĩ?

Thân Nhân Trung sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ làm lẽ, cha thường đi xa chữa bệnh. Ông không có điều kiện ăn học chính thức, phải nghe lỏm bài giảng ngoài lớp, lấy gậy viết chữ trên nền đất. Mãi đến năm 1469, nhờ thầy đồ trợ giúp tiền và động viên, ông mới tham gia khoa thi và đỗ tiến sĩ dù đã hơn 50 tuổi. Sự nghiệp của ông từ đó bước sang trang mới trong thời kỳ vua Lê Thánh Tông hưng thịnh.

3. Trong các chức quan sau ông từng đảm nhiệm, chức nào gắn với vai trò như “hiệu trưởng” đại học thời xưa?

Sau khi vinh quy bái tổ, Thân Nhân Trung được triều đình giao chức Hàn lâm viện Thị độc, chức quan đứng thứ hai ở Viện Hàn lâm chuyên nhiệm vụ soạn thảo chế, cáo, chiếu, chỉ... 

Giữ chức quan này mấy năm, ông được thăng chức Hàn lâm viện Thừa chỉ đứng đầu ở Viện Hàn lâm dưới thời vua Lê Thánh Tông, kiêm chức Đông các đại học sĩ kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Chức quan Đông các đại học sĩ nguyên có nhiệm vụ như Hàn lâm viện Thừa chỉ, nhưng kiêm thêm nhiệm vụ phụng mệnh sửa chữa bài chế cáo thơ ca, văn thư và lo việc tiến cử quan chức của triều đình. Tế tửu Quốc Tử Giám là chức quan đứng đầu Quốc Tử Giám, được xem như hiệu trưởng trường đại học duy nhất của quốc gia thời bấy giờ. 

Theo một số tài liệu như Đăng khoa lục, Địa dư chí thì những năm cuối đời, tiến sĩ Thân Nhân Trung được giao trọng trách giữ chức Thượng thư bộ Lễ (phụ trách lễ nghi, lễ tự, thết tiệc, giáo dục khoa cử, học hành của quốc gia) và Thượng thư bộ Lại (có nhiệm vụ tuyển bổ, thăng giáng, lựa chọn, khảo sát, phong chức tước cho quan lại). Sách Nguyễn Phi Khanh thi tập cho biết, cuối đời ông được giao chức Nhập nội phụ chính là chức quan đứng sau Tể tướng được dự bàn chuyện cơ mật của triều đình

4. Ông chính là người viết câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”?

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp" - đây là một đoạn trong bài ký viết trên bia tiến sĩ đầu tiên, nói về khoa thi năm 1442. Soạn giả của bài này là Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung.

Tấm bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ, và đã luôn luôn chứng minh lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.

5. Bộ sách đồ sộ vị tiến sĩ này từng làm chủ biên theo lệnh vua Lê Thánh Tông là gì?

Năm Hồng Đức 14 (1483), khi đang giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông sai biên soạn và làm chủ biên bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”. Sách gồm 100 quyển do chính ông viết lời tựa ghi chép đầy đủ về các chế độ, luật lệ, văn hàn, điển lệ, cáo sắc... nhưng nay chỉ còn lưu được bài tựa của ông.

6. Dòng họ của ông có điều gì đặc biệt trong lịch sử khoa cử Việt Nam?

Theo tư liệu, dòng họ Thân của danh sĩ Thân Nhân Trung - người dân tộc Tày, là dòng họ thiểu số duy nhất trong lịch sử nghìn năm của nước ta có 3 đời liên tiếp với 4 người đỗ tiến sĩ.

Thân Nhân Trung cũng là người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa cử của làng Yên Ninh với 10 nho sinh ưu tú đỗ đại khoa và được người đời tôn vinh là “làng Tiến sĩ”.

Vua Lê Thánh Tông từng có thơ ca ngợi nhà họ Thân: Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh).

Hai người con và cháu của Thân Nhân Trung đều có ý chí học tập và đỗ đại khoa (Thân Nhân Tín, con cả; Thân Nhân Vũ, con thứ và Thân Cảnh Vân là cháu nội).

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn