Vì sao gà gáy to như còi xe tải mà không bị điếc?

(Dân trí) - Tiếng gáy của gà trống không chỉ là dấu hiệu quen thuộc của buổi sáng. Đằng sau âm thanh ấy là một hệ thống sinh học và xã hội phức tạp.
Gà gáy đúng giờ nhờ “đồng hồ sinh học” bên trong
Tiếng gáy buổi sáng của gà trống từ lâu được xem là dấu hiệu báo thức tự nhiên.
Tuy nhiên, giới khoa học đã chứng minh rằng hành vi này không phụ thuộc hoàn toàn vào ánh sáng mặt trời, mà chủ yếu do nhịp sinh học nội tại (circadian rhythm) điều khiển.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã nuôi gà trống trong phòng kín, không có ánh sáng tự nhiên.
Kết quả cho thấy gà vẫn gáy đúng giờ mỗi sáng, vào khoảng 4–5h, dù sống trong bóng tối hoàn toàn suốt nhiều ngày.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology đã khẳng định: Cơ thể gà trống có một “đồng hồ sinh học” hoạt động theo chu kỳ 24 giờ, giúp dự đoán chính xác thời điểm bắt đầu ngày mới.
Ánh sáng mặt trời chỉ đóng vai trò “điều chỉnh” nếu chu kỳ này bị lệch. Còn hành vi gáy thực chất là một phần trong nhịp sống sinh học đều đặn của gà, tương tự như giấc ngủ hay quá trình trao đổi chất ở người.
Khẳng định lãnh thổ và vị thế xã hội
Bên cạnh yếu tố sinh học, tiếng gáy còn mang đậm tính xã hội. Trong thế giới loài gà, tiếng gáy là một hình thức giao tiếp, thể hiện quyền lực, thứ bậc và bản năng lãnh thổ.
Một nghiên cứu do Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện cho thấy, trong một đàn gà, chỉ con trống đứng đầu mới được phép gáy đầu tiên vào buổi sáng.
Các con trống có thứ bậc thấp hơn sẽ “nhường” tiếng gáy, hoặc chỉ gáy sau khi con đầu đàn đã phát tiếng.
Thí nghiệm còn chỉ ra, nếu con đầu đàn bị cách ly, con trống xếp thứ hai sẽ ngay lập tức thay thế và bắt đầu gáy vào thời điểm tương ứng. Điều này cho thấy tiếng gáy không chỉ là bản năng cá thể, mà còn tuân theo một cấu trúc xã hội rõ ràng, phản ánh thứ bậc trong đàn.
Ngoài gáy buổi sáng, gà trống cũng có thể gáy vào ban ngày khi có các kích thích như sự xuất hiện của gà trống khác, tiếng động lạ, thay đổi môi trường hoặc cảm giác bị đe dọa. Khi đó, tiếng gáy mang tính cảnh báo và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Vì sao gà gáy to mà không bị điếc
Tiếng gáy của gà trống có thể đạt mức 90–100dB, tương đương tiếng còi xe tải. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là gà trống không bị tổn thương tai bởi tiếng gáy của chính mình.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE, khi bắt đầu phát ra âm thanh, một cơ nhỏ ở tai giữa của gà sẽ co lại, làm giảm âm lượng truyền vào tai trong. Nhờ vậy, thính giác của gà trống được bảo vệ trong suốt quá trình phát âm.
Âm thanh đặc trưng khi gáy được tạo ra bởi cơ quan phát âm đặc biệt gọi là syrinx nằm ở chỗ chia đôi của khí quản.
Không giống dây thanh quản ở người, syrinx của gà có cấu trúc cho phép tạo âm thanh vang, rõ và cộng hưởng mạnh qua khoang miệng. Chính nhờ cấu trúc này, tiếng gáy của gà có thể vang xa trong phạm vi hàng trăm mét.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra: âm sắc và độ to của tiếng gáy còn phản ánh tình trạng sức khỏe, nồng độ hormone và khả năng sinh sản của gà trống. Những con có tiếng gáy mạnh, rõ ràng thường là cá thể khỏe mạnh, được gà mái ưu tiên chọn lựa trong quá trình sinh sản.