Ước mơ của Thúy tiếp sức bệnh nhi, lắng nghe ước mơ của từng bạn nhỏ

Trong chuỗi hoạt động của chương trình “Ước mơ của Thúy” năm 2025, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, báo Tuổi Trẻ phối hợp Thành Đoàn TP.HCM và Chiến dịch Hoa phượng đỏ tổ chức chương trình “Tiếp sức hoa mặt trời” vào sáng 22-5.
Chương trình diễn ra tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng thành phố (Bình Chánh, TP.HCM).
Chương trình trao tặng quà ước nguyện cho bệnh nhi ung thư đang điều trị tại 10 bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm tiếp thêm niềm vui và sức mạnh tinh thần cho các em nhỏ trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Bệnh nhi ung thư thương mẹ, muốn nhanh được về nhà
Bé Lê Minh Hiện (6 tuổi) thổ lộ khát khao được về nhà khi các tình nguyện viên của chương trình 'Ước mơ của Thúy' hỏi về ước nguyện nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.
Ở cái tuổi đáng lẽ được cắp sách đến trường, Hiện lại phải liên tục vào TP.HCM để hóa trị vì mắc ung thư máu. Lần này dù không vào đợt chính thức, nhưng em vẫn phải nhập viện vì sốt siêu vi do sức đề kháng yếu.
Chia sẻ về hoàn cảnh, chị Ngọc Diễm (46 tuổi, Tiền Giang) - mẹ bé Hiện - nói: “Một mình tôi nuôi 2 con, sống cùng ông bà ngoại. Ông liệt giường, bé Hiện lại ốm yếu, ăn uống thiếu thốn. Đến khi đi khám thì phát hiện cháu có bệnh ung thư máu”.
Biết mình mắc bệnh nặng, bé Hiện thỏ thẻ với mẹ: “Tý (tên ở nhà của Hiện) bị ung thư rồi, không biết còn sống bao lâu nữa. Tý từng hứa lớn lên sẽ nuôi mẹ. Giờ Tý bị bệnh… nhưng Tý vẫn muốn sống tiếp để nuôi mẹ”.
Bên cạnh Hiện, nhiều bệnh nhi khác cũng khiến người lớn xúc động vì những ước mơ giản dị của mình. Bé Nguyễn Khả Vy (5 tuổi), đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, chia sẻ rằng em muốn được đến trường và sau này trở thành bác sĩ để cứu người.
Mẹ bé Vy - chị Bùi Kim Phương (32 tuổi, Tiền Giang) - kể rằng trước kia mỗi lần đến trường bé khóc rất nhiều. Vậy mà giờ đây, nằm trên giường bệnh, bé lại năn nỉ được đi học, gặp bạn bè. "Bé nói sẽ không khóc nữa nếu được đến lớp”, chị nghẹn ngào.
“Con muốn đi học, con hứa sẽ không khóc nữa… Con không muốn tiêm thuốc đâu mẹ” - Vy nói trong lúc nắm tay mẹ.
Còn với bé Lê Nguyễn Đăng Vũ (7 tuổi), sở thích đá banh giờ chỉ còn là kỷ niệm. Em chọn một món đồ chơi điều khiển từ xa với mong muốn mang đến khoe cùng bạn bè nếu có dịp quay lại trường.
Chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi, Đắk Nông) cho biết: “Từ tháng 3 đến giờ, tôi cùng bé điều trị liên tục tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, chưa thể về nhà. Tình trạng của bé khá hơn, nhưng quá trình điều trị còn dài. Kinh tế gia đình thì kiệt quệ, 2 đứa con lớn vẫn còn đi học, chồng tôi là lao động duy nhất”.
Liều thuốc tinh thần cho các bệnh nhi
Bạn Phạm Thị Hoài - sinh viên năm 3 Trường đại học Tôn Đức Thắng - chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình: "Tôi thấy rất xúc động. Có bé chưa biết đi, phải nằm trong nôi, có bé thì rụng tóc vì hóa trị… nhưng ai cũng cố gắng, ai cũng có những ước mơ thật đẹp. Tôi chỉ mong sự hiện diện của tụi em giúp các bé cảm nhận được rằng mình không đơn độc".
Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, bà Phan Vũ Anh cho biết: "Với chúng tôi, ngày 1-6 là dịp để tất cả bệnh nhi được nhận một chút yêu thương, được động viên bằng những hành động thiết thực từ cộng đồng. Đó là cách để các em thấy mình vẫn được quan tâm, vẫn có những vòng tay sẵn sàng nâng đỡ".
TS Đào Thị Thanh Anh - bác sĩ điều hành khoa ung bướu huyết học - xạ trị - y học hạt nhân (Bệnh viện Nhi Đồng thành phố) - nhấn mạnh vai trò của chăm sóc tinh thần trong quá trình điều trị.
"Các bệnh nhi ung thư không chỉ cần thuốc men mà còn cần niềm tin, cảm xúc tích cực để chiến đấu. Một món quà nhỏ, một lời động viên trong ngày 1-6 có thể mang lại nguồn năng lượng rất lớn, giúp các em tiếp tục điều trị và hồi phục", bác sĩ nói.