UNESCO và truyền thông quốc tế nói gì về sức ảnh hưởng của DANAFF III?

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III) khép lại với một điều đặc biệt: được quốc tế nhìn nhận không phải vì lời giới thiệu mà vì giá trị thực được tạo ra.
Khép lại sau 1 tuần sôi động (29/6–5/7/2025), Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả, giới chuyên môn và truyền thông quốc tế.
Năm nay, DANAFF III không chỉ mở rộng quy mô với gần 106 phim hơn 200 suất chiếu, hàng chục hoạt động giao lưu – đào tạo – hội thảo nghề nghiệp, cùng sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh Việt Nam và Châu Á, nhiều nhà làm phim nổi tiếng, chuyên gia uy tín thế giới, các đối tác quốc tế và trong nước mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trên hành trình hội nhập quốc tế của điện ảnh Việt Nam.
Tổng Giám đốc UNESCO: “DANAFF đã trao quyền cho sáng tạo và kết nối các nền văn hóa”
DANAFF III cũng vinh dự được UNESCO công nhận là một trong những sự kiện tiêu biểu kỷ niệm 20 năm Công ước 2005 về Bảo vệ và Thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đây là sự ghi nhận giá trị mà DANAFF đang theo đuổi: kết nối các nền văn hóa qua ngôn ngữ điện ảnh, thúc đẩy sự đa dạng và tạo không gian phát triển cho thế hệ làm phim mới.
Trong bài phát biểu của mình, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động và thách thức, có vẻ như mỗi ngày chúng ta lại thêm chia cắt, thì vẫn còn một ngôn ngữ chung có thể kết nối tất cả chúng ta tại nơi này. Đó là ngôn ngữ của điện ảnh".
Bà đồng thời ghi nhận “kỳ liên hoan lần thứ ba này đã mở rộng cả về quy mô thời lượng lẫn chiều sâu nội dung. Không chỉ góp phần thúc đẩy sự công nhận quốc tế cho điện ảnh Việt, DANAFF III còn là không gian giới thiệu những tiếng nói mới của cả khu vực – từ Trung Quốc đến Kyrgyzstan, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là Hàn Quốc”.
Ngay sau khi sự kiện kết thúc, bà cũng đã gửi thư chúc mừng đến TS. Ngô Phương Lan - Giám đốc DANAFF III. Bà viết: “Tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới bà nhân dịp thành công của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3. Sự kiện sôi động mà tôi đã có dịp tham dự, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của điện ảnh trong việc kết nối con người từ mọi nền tảng khác nhau. DANAFF III là minh chứng cho sức mạnh kết nối con người từ mọi nền tảng
UNESCO từ lâu đã luôn ủng hộ việc bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tôi xin trân trọng ghi nhận sự thể hiện tuyệt vời của ngành công nghiệp điện ảnh đa dạng của châu Á trong chương trình của liên hoan phim. Bằng việc đó, LHP không chỉ tạo tiếng nói cho nhiều cộng đồng khác nhau mà còn trao quyền cho các tài năng mới, nuôi dưỡng sự sáng tạo và thúc đẩy liên văn hóa”.
Bà Audrey Azoulay cũng bày tỏ sự trân trọng đối với sự tổ chức chuyên nghiệp và tinh thần hiếu khách của BTC DANAFF III: “Sự hiếu khách và sự tận tâm trong từng chi tiết của bà đã góp phần quan trọng vào thành công của chuyến công tác của chúng tôi”.
Từ khán giả đến nhà làm phim: DANAFF kiến tạo một hệ sinh thái điện ảnh gắn kết
DANAFF III mang chủ đề “Bridging Asia” và thực sự đã trở thành cây cầu nối nhiều tầng lớp, từ khán giả yêu điện ảnh đến các nhà làm phim, nhà quản lý văn hóa, tổ chức quốc tế. Trong suốt 1 tuần, không gian điện ảnh tại Đà Nẵng không chỉ là nơi chiếu phim mà còn là nơi đối thoại – qua các hội thảo chuyên đề, workshop phát triển tài năng và các buổi gặp gỡ kết nối mạng lưới sáng tạo.
Bà Martine Thérouanne – Giám đốc điều hành của Liên hoan phim Châu Á Vesoul (Vesoul Asian Film Festival), một trong những liên hoan uy tín hàng đầu tại châu Âu chuyên đánh giá và thúc đẩy điện ảnh độc lập từ châu Á, đồng thời là 1 trong 5 thành viên của Ban giám khảo hạng mục Asian Competition tại DANAFF III – đã có những chia sẻ và nhận xét thẳng thắn trong một bài phỏng vấn của tờ Asian Movie Pulse – tháng 7/2025.
“DANAFF mới chỉ 3 tuổi nên có thể nói đây là một liên hoan phim còn rất trẻ. Tuy vậy, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự đón tiếp vô cùng nồng hậu – không chỉ đối với tôi mà với tất cả các khách mời. Bên cạnh đó là tinh thần rất rõ ràng trong việc đề cao điện ảnh Việt Nam. Tôi nhận thấy tốc độ phát triển của DANAFF rất nhanh, cả về số lượng phim được giới thiệu lẫn cách tổ chức các hội thảo, workshop. Tôi nghĩ rằng DANAFF sẽ nhanh chóng định vị mình như một trong những LHP lớn của châu Á”.
Bà Martine cũng chia sẻ thêm: “Tôi rất quen thuộc với điện ảnh Việt Nam, bởi tôi là Giám đốc của LHP Quốc tế về Điện ảnh Châu Á tại Vesoul (Pháp). Chúng tôi thường xuyên tuyển chọn phim Việt Nam cho các hạng mục khác nhau và đã từng tổ chức 3 chương trình hồi cố về điện ảnh Việt vào các năm 2002, 2010 và 2014. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị một chương trình hồi cố mới cho lần tổ chức thứ 33 của LHP Vesoul vào tháng 2/2027.
Điện ảnh Việt Nam có nhiều dòng khác nhau. LHP của chúng tôi tập trung chủ yếu vào dòng phim tác giả – tức là phim nghệ thuật. Chúng tôi đã từng đón tiếp nhiều đạo diễn lớn của Việt Nam tại Vesoul như: Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di và nữ đạo diễn nổi tiếng Việt Linh, cùng một số nhà làm phim ít được biết đến trên quốc tế như Bùi Đình Hạc, Hồ Quang Minh, Lê Hương Chương và Vũ Mạnh Cường".
Bà nhấn mạnh thêm vai trò của các liên hoan phim như DANAFF: “Việc một bộ phim được lựa chọn vào một LHP là điều có ý nghĩa lớn. Các nhà sản xuất – những người quyết định việc đầu tư vào một bộ phim – thường tin tưởng hơn vào những đạo diễn từng có phim được lựa chọn hoặc trao giải tại các liên hoan uy tín. Việc được công nhận tại một liên hoan phim như DANAFF có thể mở ra những cơ hội tài trợ, hợp tác và lan tỏa trong nước cũng như quốc tế".
Không chỉ vậy, bà Martine Thérouanne cũng đánh giá cao tiêu chí lựa chọn phim của Ban giám khảo DANAFF: “Chúng tôi tập trung vào những tác phẩm có phong cách kể chuyện sáng tạo, mới lạ; mang cảm hứng cá nhân sâu sắc, chạm đến cảm xúc và phản ánh chân thực xã hội hoặc những giá trị phổ quát. Một số phim Việt, đặc biệt là Don’t Cry Butterfly (Mưa trên cánh bướm) cho thấy sự sắc sảo, độc lập và tinh thần thể nghiệm mạnh mẽ của đạo diễn trẻ".
Bà cũng bày tỏ kỳ vọng DANAFF sẽ tiếp tục giữ vững chất lượng của đội ngũ giám khảo, mở rộng hợp tác quốc tế và trở thành nền tảng vững chắc cho các tài năng điện ảnh trẻ của châu Á.
Báo chí quốc tế dành nhiều lời ngợi khen cho DANAFF III
Sự kiện DANAFF III đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ truyền thông quốc tế, đặc biệt là từ các hãng tin lớn như Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Korea Herald, Yonhap News, Hankook Ilbo và Nate News (Hàn Quốc).
Theo Tân Hoa Xã (29/6/2025), DANAFF III khai mạc tại thành phố Đà Nẵng với khẩu hiệu “Bridging Asia”, quy tụ 14 tác phẩm tranh giải đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia và nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Hai bộ phim Trung Quốc – Black Dog và Like a Rolling Stone – được chọn tranh giải và trình chiếu tại các rạp địa phương.
Báo Korea Herald (1/7/2025) nhận định DANAFF III quy tụ những câu chuyện mạnh mẽ và sự đổi mới nghệ thuật từ các nhà làm phim Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mang lại góc nhìn mới và tôn vinh sự đa dạng văn hóa”.
Tờ báo cũng trích lời Giám đốc Viện Lưu trữ phim Hàn Quốc – ông Kim Hong Joon: “Tôi thật sự ấn tượng với tinh thần trẻ trung ở đây – nó gợi nhớ cho tôi về những ngày đầu của LHP kinh dị Bucheon. Là người từng góp phần phát triển các LHP ở Hàn Quốc, tôi nhận thấy DANAFF có tiềm năng to lớn và tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình".
Trong khi đó, Yonhap News (1/7/2025) đưa tin, DANAFF 2025 đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia với vai trò quốc gia khách mời, thông qua chương trình trọng điểm “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” (Focus on Korean Cinema), trình chiếu 14 tác phẩm tiêu biểu từ những năm 1960 đến nay. Nhiều đạo diễn và nghệ sĩ hàng đầu Hàn Quốc như Jang Joon-hwan, Kim Han-min, Moon So-ri, Park Sung-woong đã trực tiếp đến giao lưu cùng khán giả Việt Nam.
Yonhap News cũng trích dẫn chia sẻ của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam – ông Choi Young-sam: “Tôi hy vọng rằng thông qua LHP lần này, người dân hai nước Việt – Hàn sẽ thêm thấu hiểu, đồng cảm với những câu chuyện và cảm xúc của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn".
Báo Nate (1/7/2025) đánh giá cao vai trò kết nối văn hóa của sự kiện: “DANAFF là một ví dụ tiêu biểu thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác văn hóa – nghệ thuật với Hàn Quốc và các quốc gia châu Á”, đồng thời ghi nhận việc các đạo diễn, diễn viên hàng đầu của Hàn Quốc như Jang Joon-hwan, Moon So-ri, Kim Dong-ho và Park Kwang-su cùng xuất hiện tại sự kiện là minh chứng cho sức hút và tiềm năng hợp tác sâu rộng.
Những lời nhận xét tích cực từ giới chuyên môn và báo chí quốc tế là sự khẳng định cho định hướng đúng đắn và nỗ lực tổ chức chuyên nghiệp của DANAFF – một LHP đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh châu Á.
Quỳnh An
Ảnh: BTC