Từ chối vận chuyển ma túy, Tráng A Chu làm nên homestay tiền tỷ nơi rẻo cao

Nếu ngày đó, Tráng A Chu nhận lời đề nghị vận chuyển ma túy thuê để nhanh giàu, thì giờ đây, sẽ không có một homestay nổi tiếng nơi biên giới phía Bắc.
Sau khi kiểm tra đường dây điện và ống dẫn nước, Tráng A Chu (SN 1982) leo xuống mái nhà. “Thợ chỉ đến lắp đặt mới thiết bị, còn ông chủ hoặc nhân viên phải tự bảo dưỡng”, anh cười với PV VietNamNet.
Cuối năm ngoái, A Chu Homestay (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La) của anh đã xây thêm 4 phòng VIP với tổng chi phí 1,5 tỷ đồng. Homestay này đang có 20 phòng phục vụ lưu trú.
Mua nhà cũ làm homestay ở vùng lõi ma túy
Trước khi bị bắt vào tháng 7/2013, Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam) là trùm ma túy lớn tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (cũ), tỉnh Sơn La. Lóng Luông cách biên giới 15km. Do đặc điểm địa hình, nơi đây được ví như boong ke của tội phạm ma túy vùng Tây Bắc.
Người dân tộc Mông ở Lóng Luông từng muốn vận chuyển ma túy để nhanh đổi đời.
Trong quá khứ, nhiều người quen của A Chu làm việc trong đường dây mua bán ma túy của Tráng A Tàng. Họ từng nhờ A Chu vận chuyển ma túy thuê. Theo thỏa thuận, nếu qua bên kia biên giới Lào và lấy hàng mang về trót lọt, A Chu sẽ nhận được 20-30 triệu đồng/chuyến đi. So với lao động đơn thuần, số tiền trên là lớn đối với bà con nơi đây.
Dẫu vậy, Tráng A Chu kiên quyết từ chối lời đề nghị. Bởi, anh thấy nhiều người trong bản đã phải đi tù vì liên quan tới ma túy. Không muốn kiếm tiền bằng con đường phạm pháp, anh quyết định đi học làm homestay và kinh doanh du lịch.
Bước đầu, A Chu và vợ đi vay, mượn 30 triệu đồng để đặt cọc, mua trả góp một ngôi nhà cũ có diện tích 120m2, giá 170 triệu đồng. Ngôi nhà nằm sát địa phận Lóng Luông, được sửa chữa, cải tạo thành homestay.
Anh khai trương homestay vào tháng 8/2015. Năm đó, chỉ có 30 đến 40 vị khách ghé chân lưu trú. Dẫu vậy, họ chủ yếu là nhân viên công ty du lịch tới khảo sát.
Thời điểm đó, do homestay nằm ngay rìa vùng lõi ma túy nên khách du lịch Việt sợ và không dám tới. Trong khi đó, dân bản lại nghĩ A Chu làm homestay để đưa công an vào bắt người. Để đảm bảo an toàn cho du khách, mỗi lần khách đi trong bản, A Chu đều phải đi cùng.
Anh và vợ cũng chuẩn hóa dần dịch vụ du lịch cộng đồng, đưa yếu tố văn hóa bản địa vào các tour du lịch.
Chẳng hạn, người phục vụ tại homestay đều mặc quần áo dân tộc Mông. Khách du lịch đi bộ quanh bản Mông vùng cao, cùng bà con trải nghiệm làm nông nghiệp, giã bánh giày, học cách làm giấy dó của đồng bào Mông, vẽ họa tiết bằng sáp ong lên vải lanh truyền thống... Nếu có chương trình văn nghệ, người dân trong làng sẽ cùng tụ tập, hát, múa xoè, thổi khèn với khách du lịch.
Trời không phụ lòng người. 3 năm sau ngày khai trương, A Chu đã trả hết tiền nợ mua nhà làm homestay.
Sẽ còn nhiều homestay nơi rẻo cao
Khi những trùm ma túy dần sa lưới pháp luật, vùng đất này đã đổi thay. Bản Hua Tạt với mô hình du lịch cộng đồng trở thành điểm đến tiêu biểu ở xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Hiện bản có 4 hộ làm du lịch cộng đồng quy mô lớn, đón khách thường xuyên, ổn định. Điểm đến này đang góp phần bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó; rèn dao, nông cụ lao động; văn hóa dân tộc với hát giao duyên tiếng Mông, múa khèn trên cột, đánh tu lu, ném pao...
Năm 2024, doanh thu từ du lịch cộng đồng của các hộ dân trong bản ước tính 5 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023. Điểm du lịch cộng đồng Hua Tạt đón hơn 10.000 lượt khách, trong đó, 40% là khách quốc tế.
Riêng A Chu Homestay đón gần 3.200 lượt khách, chiếm 1/3 số khách. Năm 2023, homestay này cũng đón hơn 3.400 khách lưu trú, tổng doanh thu năm đạt 2,44 tỷ đồng.
10 năm trôi qua kể từ ngày homestay của A Chu khai trương, gia đình anh đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng vào cải tạo và xây mới cơ sở lưu trú. Hàng chục phòng riêng và phòng nghỉ cộng đồng đã hình thành.
Theo A Chu, các hộ dân có mô hình liên kết phòng lưu trú với anh sẽ thu được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi, các hộ cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch, như hộ A Của làm giấy dó cũng có doanh thu trung bình 500.000 đồng/ngày; các hộ vẽ sáp ong thu chừng 350.000 đồng/ngày.
A Chu vẫn đang muốn cải thiện dịch vụ tại homestay. Từ nay đến cuối năm, anh nâng cấp dịch vụ tắm thuốc và tập trung tu sửa các phòng lưu trú. Anh còn hướng tới cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường. Anh lợp lá trên mái. Anh dán giấy dó người Mông quanh xô, chậu nhựa bỏ đi, tạo thành đèn đọc sách, để du khách mua về làm kỷ niệm.
Đối với anh, để giữ chân khách, du lịch cộng đồng cần liên tục cải thiện dịch vụ, con người.
“Tuy khách lên bản làng miền núi, nhưng phải cho họ được trải nghiệm dịch vụ tương đương ít nhất 3 sao”, A Chu chia sẻ bí quyết khiến nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước nhiều lần quay lại. Có những gia đình tới homestay 15-20 lần.
Nhiều người từ các vùng, tỉnh khác cũng đến bản Hua Tạt để tìm hiểu, học hỏi và mở mô hình làm du lịch giống như A Chu. Anh sẵn sàng chia sẻ những gì mình đã từng trải qua. Hiện có A Su ở xã Mù Cang Chải (Lào Cai), A Vạng ở xã Mường La (Sơn La) và 1 hộ ở xã Lục Yên (Lào Cai) đang cải tạo không gian, làm nhà cộng đồng tương tự.
“Kiếm tiền nhiều hơn không phải là mục tiêu hiện tại của tôi. Tôi muốn giúp cộng đồng người Mông cùng làm du lịch bền vững để thoát nghèo”, Tráng A Chu nói.