Trò chuyện với người già

Nhờ những người già, tôi sống một cuộc đời bớt hời hợt đi, tập hiểu và thương những gì cũ càng, quá vãng. Bởi nếu không có những lam lũ của quá khứ, làm sao có rực rỡ của hiện tại bây giờ.
Người già có những công thức bí truyền
Nếu không có những cuộc trò chuyện với người dì ruột đã ở tuổi bát thập, tôi làm sao biết trên đời này có loại rượu ịch ngâm ủ theo công thức bí truyền dành cho đàn bà đẻ uống dưỡng dạ con sau sinh mà nay đã thất truyền.
Nhờ loại rượu này mà thế hệ ngoại tôi, đến má, đến các dì người nào cũng đẻ sòn sòn chục đứa mà cái dạ con vẫn được bảo dưỡng ngon lành, không hề có dấu hiệu "sa" như lớp trẻ bây giờ thường gặp.
Gõ chữ "rượu ịch" cho trí tuệ nhân tạo (AI), kết quả tôi nhận được: "Là một loại rượu tự nấu không rõ nguồn gốc, nghe có vẻ hạ cấp".
Có lẽ, không chỉ AI, hàng triệu người ở thế hệ tôi và cả những người chị trước tôi cũng hiếm ai được biết loại rượu bí truyền này. Mà thôi, đừng ai hỏi tôi công thức. Vì những nguyên liệu để làm loại rượu này cũng đã lặng lẽ biến mất khỏi đời sống hiện đại từ rất lâu rồi, khi người ta chuộng những thứ nhanh gọn, tiện lợi hơn.
Nói chuyện với người già, tôi sống cuộc đời bớt hời hợt
ôi thường có những cuộc trò chuyện với người già, như má tôi, như những cụ già trong xóm nhỏ hằng ngày vẫn ráng lê vài bước chân ra chợ để được "nghe tiếng người". Không phải tôi dư thời gian, không phải tôi cô đơn, không phải tôi không có những bạn cùng lứa để tỉ tê chuyện trò.
Những người bạn của tôi đa số là trẻ về tuổi tác lẫn tư duy phóng khoáng, cởi mở. Trò chuyện với họ dĩ nhiên là rất thú vị. Nhưng những cuộc tỉ tê với người già vẫn như một chất xúc tác giúp tôi chạm vào đời sống, hiểu đời một cách sâu sắc.
Từ những cuộc chuyện trò này, cuộc sống tôi mở ra nhiều ô cửa, có ô thâm trầm, có ô tươi sáng, có ô lem nhem những nghi hoặc nhưng cũng có những ô cửa đầy đặn những tin yêu.
Nhờ những người già, tôi sống một cuộc đời bớt hời hợt đi, tập hiểu và thương những gì cũ càng, quá vãng. Bởi nếu không có những lam lũ của quá khứ, làm sao có rực rỡ của hiện tại bây giờ.
Như lần nọ, nhờ chịu khó ngồi nghe má kể chuyện, tôi mới biết sau ngôi chùa Phước Tường - di tích lịch sử nổi tiếng ở Thủ Đức - có gia đình bà Ba Rí đã trở thành "huyền thoại" với kỳ tích sinh 18 người con. Cái câu "con đàn cháu đống" cứ ngỡ là giỡn chơi mà ai dè... có thiệt!
Hai vợ chồng làm gì để nuôi 18 miệng ăn trong giai đoạn chiến tranh ác liệt? Má móm mém cười. Trời thương bây ơi! Cứ hễ đẻ được thì nuôi được hết, không có cơm thì có cháo, đứa lớn ăn cái, đứa nhỏ húp nước cháo chan đường. Rồi cũng sống thôi!
Người già lạ lắm...
Người già lạ lắm. Tuổi tác khiến họ có thể bị lẫn, không nhớ khuôn mặt của con cháu hiện tại, không nhớ tuổi mình, nhưng nhớ rõ tên cha, mặt mẹ, nhớ từng cái nết ăn nết ở của bậc sinh thành.
Gần đây tôi hay coi những video của một bạn trẻ hay ngồi trò chuyện với bà nội của cậu. Bà nội đã lẫn, không nhớ đứa cháu nội, nhưng hễ được cháu mua món ngon cho ăn là lúc nào cũng lịch sự xin một phần, lật đật đem cất trong bếp "để dành cho má".
Má của bà, tức bà cố của đứa cháu, dẫu bây giờ chỉ là một làn khói mỏng đâu đó tận chân trời. Cái tình thương của bà dành cho má vẫn quấn quýt trăm năm!
Người già dạy con cháu bằng những chuyện xa xưa. Tôi học họ, rồi để dành cho mai này...