Nhảy đến nội dung
 

TP.HCM nghĩa tình: Người khuyết tật 'viết lại tên mình' trở thành giảng viên, giám đốc

Bị liệt hai chân, chị Lê Thị Bích Loan (TP.Thủ Đức) vươn lên ngoạn mục, trở thành giảng viên, giám đốc thương hiệu và truyền cảm hứng sống cho sinh viên, người khuyết tật.

Chị Lê Thị Bích Loan giảng dạy ngành Thiết kế đồ họa tại Trường đại học FPT và thỉnh giảng ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Greenwich…

Đồng thời, chị làm Giám đốc phát triển thương hiệu Công ty sản xuất bao bì Tafuco và tư vấn thiết kế bao bì cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm OCOP.

Chiều 7.4, chị Loan cho biết: "Hôm nay là sinh nhật chồng và kỷ niệm 17 năm ngày cưới của vợ chồng tôi. Là người khuyết tật, tôi chưa từng dám mơ sẽ lấy chồng và sinh 2 con khỏe mạnh, lại làm công việc đúng với đam mê".

Ở tuổi 42, chị Loan bình thản kể về quá khứ nhiều nước mắt, từng "vật lộn với tuổi thơ" để viết lại bi kịch cuộc đời mình.

Tuổi thơ gắn với nạng và giày sắt

Sinh ra tại An Giang, khi mới 21 tháng tuổi, chị Loan bị sốt bại liệt, dẫn đến liệt tứ chi. Gia đình đưa chị lên Trung tâm phục hồi chức năng TP.HCM tìm cơ hội điều trị.

Sau 3 năm chạy chữa, gia đình chị trắng tay, đổi lại, chị phục hồi đôi tay. Dù 2 chân bị liệt, phải chống nạng và đi giày sắt, với chị, "đó đã là một phép màu".

"Nhiều người khuyên ba mẹ tôi bỏ cuộc. Nhưng họ vẫn bám trụ bệnh viện, còn nước còn tát. Khi kinh tế cạn kiệt, ba mẹ đành gửi tôi cho bà nội chăm sóc ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) để lo kiếm sống", chị Loan nói.

Từ đó, chị sống với bà đến khi học hết THPT. Mỗi ngày, bà đều đặn tập vật lý trị liệu cho chị 3 lần, mỗi lần kéo dài 1 tiếng. Đêm đến, bà nhắc nhở chị mặc chiếc quần một ống cố định chân, tránh bị xiêu vẹo. Nhờ sự kiên trì và tình thương của bà, chân trái chị dần hồi phục, và có thể bỏ nạng.

Lên 5 tuổi, chị đi học mẫu giáo. Chị xúc động kể: "Khi cô giáo bảo cả lớp nhón chân múa, tôi cố gắng lắm mà không làm được, chỉ biết ngồi đó òa khóc".

Thấy cháu tủi thân, bà nội xin cho chị vào học một lớp tình thương dạy trẻ em nghèo.

"Ở đó, tôi nhỏ tuổi nhất, nên được anh chị cõng trên lưng suốt. Vậy là tôi vừa học, vừa chơi. Ký ức ấm áp đó gieo vào lòng tôi hạt giống yêu thương và là lý do sau này tôi làm thiện nguyện", chị kể.

Đến tuổi vào lớp 1, nhiều trường từ chối nhận chị vì lo ngại tình trạng sức khỏe. Nhưng nhờ bà nội thuyết phục, một hiệu trưởng đã đồng ý nhận chị vào học.

"Tôi nghĩ mình không làm được gì ngoài học, nên ráng học tốt. Suốt nhiều năm liền, tôi làm lớp phó học tập. Đó là cơ hội để tôi giúp đỡ các bạn và cảm thấy mình có ích", chị bày tỏ.

Chị phải đối diện với ánh mắt tò mò, những lời trêu chọc. Dù thường bị bạn bè gọi là "robot giày sắt", chị chưa từng nghĩ đến việc bỏ học. Vì bà nội động viên: "Chỉ có học mới thay đổi cuộc đời".

Chứng minh người khuyết tật không vô dụng

Lên lớp 11, chị bắt đầu viết truyện ngắn, dùng nhuận bút để trang trải cuộc sống. Cũng thời gian này, chị quyết tâm tập xe đạp để bà đỡ đưa đón vất vả.

"Những ngày đầu, tôi ngã liên tục. Có lần té nặng, người ta dẫn tôi về tận nhà rồi trách bà nội sao để cháu liều lĩnh như vậy. Bà chỉ lặng thinh. Họ đâu biết, tôi thầm cảm ơn bà đã để tôi được thử, vấp ngã và lớn lên như bao đứa trẻ khác", chị Loan nói.

Sau đó, chị thi đỗ vào ngành thiết kế đồ họa của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Chị vừa học, vừa đi làm thêm và "săn" học bổng.

May mắn, thông qua Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, một mạnh thường quân người Hàn Quốc tài trợ chị toàn bộ học phí.

Chị tốt nghiệp thủ khoa và nhận được nhiều lời mời từ các công ty lớn. Nhưng suốt 1 năm sau đó, chị dành trọn thời gian quản lý và dạy thiết kế đồ họa cho người khuyết tật miễn phí ở Công ty Rồng Việt (Q.6) như một cách để "trả ơn cuộc đời".

Từ năm 2012, chị chính thức làm việc tại Công ty sản xuất bao bì Tafuco, giảng dạy cơ hữu tại Trường đại học FPT. Đi dạy, chị được sinh viên gọi là "người chữa lành tâm hồn".

"Nhiều em gặp khó khăn, tôi sẵn sàng bỏ tiền túi hỗ trợ. Tôi nghĩ đơn giản, vì trước đây tôi khó khăn, gặp được nhiều người giúp đỡ vô điều kiện", chị Loan tâm sự.

Năm 2024, chị đứng ra kết nối người khuyết tật, sinh viên với doanh nghiệp, thiết kế 400 lồng đèn tặng trẻ em cơ nhỡ.

"Cụ thể, tôi kêu gọi doanh nghiệp tài trợ 400 chiếc lồng đèn gỗ. Các lồng đèn này do người khuyết tật ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM làm ra. Sau đó, tôi tổ chức workshop cho sinh viên áp dụng kiến thức vẽ trang trí và tặng cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn", chị phân tích.

Theo chị, như vậy sẽ giúp người khuyết tật có việc làm, sinh viên có cơ hội thực hành, vừa mang lại giá trị cho doanh nghiệp và xã hội.

Mỗi khi được mời đến các trường đại học truyền cảm hứng cho sinh viên, chị đều nhắn nhủ: "Điều quan trọng nhất là tinh thần tự lực. Những lúc tuyệt vọng nhất, chỉ có mình mới vực dậy được mình".

Sau nhiều năm làm việc và quan sát, chị nhận ra: nhiều người học thiết kế đồ họa nhưng không ứng dụng được. Vì vậy, chị lên kế hoạch tìm đồng đội mở lớp dạy vẽ digital cho người khuyết tật vào cuối năm 2025, với mong muốn giúp họ có thể "tự sống được bằng nghề".

Và sau cùng, động lực thôi thúc chị làm bằng hết thảy tâm huyết là "để chứng minh người khuyết tật không vô dụng".

Mỗi khi cảm thấy quá tải hay kiệt sức, chị có bí quyết "dành 2 ngày không làm gì cả, lắng nghe cơ thể và nạp lại năng lượng".

Hạnh phúc trọn vẹn

Năm 2008, chị quen biết anh Nguyễn Hồng Chương (quê Long An) qua mạng. Trước đó, chị từng bị gia đình bạn trai cũ từ chối, khiến chị càng dè dặt hơn với tình yêu.

Anh Chương là một kỹ sư công nghệ thông tin, với sự chân thành, anh giúp chị vượt qua mặc cảm và đón nhận lời cầu hôn.

"Chắc anh mắc nợ tôi kiếp trước. Lúc đó tôi chẳng có gì, xuất phát điểm âm, trong khi anh hơn tôi mọi thứ. Vậy mà, anh chủ động đưa đón tôi đi học thạc sĩ, đi dạy, làm các hoạt động thiện nguyện nữa…", chị cười nói.

Chị cảm thấy mình may mắn vì được làm mẹ của 2 đứa trẻ khỏe mạnh. Vì thế, chị tiếp tục học và làm, không chỉ vì bản thân mà còn để làm gương cho con, rằng: "dù là người khuyết tật, mẹ vẫn không bao giờ bỏ cuộc".

"Tôi nhớ hồi mới sinh con đầu lòng, chân yếu nên không thể bế con như những bà mẹ khác. Thế là, tôi tự nghĩ ra cách tắm cho em bé độc, lạ: để con nằm trên chiếc võng lưới. 17 năm qua, gia đình tôi cố gắng biến khó khăn thành kỷ niệm vui vẻ, đầy tiếng cười", chị kể.

Với chị Loan, thành công không nằm ở việc được ngưỡng mộ mà là được yêu thương. Chỉ cần không bỏ cuộc, ai cũng có thể "viết lại tên mình" bằng yêu thương, tinh thần kỷ luật và niềm tin vào những điều tử tế.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn