Nhảy đến nội dung
 

TP.HCM đấu thầu phá thế độc quyền xe buýt

TP.HCM đấu thầu hàng loạt tuyến xe buýt trợ giá, phá thế độc quyền, tiết kiệm nghìn tỉ đồng và nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

Liên quan đến thông tin nhiều hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM lo lắng có nguy cơ bị rớt thầu sau đợt mở thầu ngày 29.4 do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tổ chức, Sở Xây dựng TP.HCM đã có cung cấp thông tin cho biết, việc tổ chức đấu thầu xe buýt trợ giá là một trong những bước triển khai quan trọng của đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân.

Hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với mục tiêu đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đơn vị được giao tổ chức đấu thầu, đã hoàn tất việc mời thầu và lựa chọn nhà thầu cho 45/108 tuyến xe buýt có trợ giá. Tổng cộng, có 498 phương tiện đã được đưa vào vận hành theo cơ chế đấu thầu, đánh dấu bước chuyển từ hình thức chỉ định sang cạnh tranh công khai.

Đợt đấu thầu mới nhất vào tháng 5.2025 tiếp tục gây chú ý khi có tới 17 gói thầu được mở, bao gồm 37 tuyến xe buýt có trợ giá với quy mô lên đến 600 phương tiện (loại 40 - 60 chỗ). Các tuyến này vốn đang được khai thác bởi 8 đơn vị, trong đó có 7 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần XKSG.

Thông tin về đợt mở thầu đã được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM công bố rộng rãi, để các đơn vị vận tải, bao gồm cả hợp tác xã, có thời gian chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự thầu. Việc đấu thầu được tổ chức minh bạch, đúng quy trình pháp luật, thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hiện công tác chấm thầu đang được đơn vị tư vấn thực hiện, kết quả sẽ sớm được công bố công khai.

Đấu thầu giúp tiết kiệm ngân sách rất lớn

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tổ chức đấu thầu thêm 19 tuyến xe buýt (khoảng 300 phương tiện) trong quý 3/2025. Các tuyến còn lại sẽ được hoàn tất đấu thầu trong năm 2026, tiến tới mục tiêu chuyển đổi toàn diện hệ thống xe buýt trợ giá sang cơ chế đấu thầu.

Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ cuối năm 2023 đến nay, TP.HCM đã tổ chức đấu thầu 76 tuyến xe buýt có trợ giá, mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, năm 2023 đấu thầu 22 tuyến, tiết kiệm 252 tỉ đồng; năm 2024 đấu thầu 17 tuyến kết nối tuyến metro số 1, tiết kiệm 278 tỉ đồng. Trong quý 2/2025, 37 tuyến tiếp tục được đấu thầu, với mức tiết kiệm dự kiến 765 tỉ đồng.

Tỷ lệ tiết kiệm từ 20 - 72% trong từng gói thầu cho thấy tiềm năng rất lớn khi phá bỏ thế độc quyền. Đặc biệt, sự gia nhập của các doanh nghiệp vận tải mạnh như Công ty CP xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) đã giúp phá vỡ hoàn toàn thế "độc quyền mềm" tồn tại lâu năm. Điều này không chỉ thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà còn nâng cao tiêu chuẩn phục vụ hành khách.

Mục tiêu 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh

Trả lời Báo Thanh Niên, Sở xây dựng TP.HCM cho biết, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chể, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) triển khai xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Xây dựng và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025.

Giai đoạn 2: Xây dựng đề án và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ:

Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1 đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và đã báo cáo UBND TP.HCM. Theo đó, đã đưa ra: (1) lộ trình chuyển đổi đối với xe buýt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh; (2) ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; (3) lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, theo hướng bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM thực hiện hoàn thành việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong năm 2025, dự kiến hoàn chỉnh và trình UBND TP.HCM trong quý 4/2025.

Đối với giai đoạn 2, đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề án và đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành đề án và trình UBND TP.HCM trong quý 4/2025.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã và đang triển khai các công việc liên quan đến công tác chuyển đổi xanh trong giao thông như: xây dựng các bộ định mức, đơn giá cho xe buýt điện; tạo điều kiện và phối hợp với các đơn vị để phát triển hệ thống trạm sạc điện, taxi điện; đưa vào hoạt động xe đạp công cộng, xe điện 4 có gắn động cơ, hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng…

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn