Tổng thống Marcos 'hấp hôn' quan hệ Mỹ - Philippines

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và đạt được thành công để củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Rạng sáng qua (23.7), theo giờ VN, Tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm chính thức với người đồng cấp Marcos tại Nhà Trắng. Trước đó, Tổng thống Marcos cũng đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Qua hình ảnh và video được công bố chính thức, ông Trump đã dành cho người đồng cấp Philippines sự đón tiếp nồng hậu tại Nhà Trắng.
Thành công của Tổng thống Marcos
Tâm điểm chuyến công du của Tổng thống Marcos đến Mỹ lần này là thảo luận về vấn đề thuế quan và củng cố quan hệ song phương. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social rằng: "Philippines mở cửa thị trường với Mỹ và không thuế quan. Ngược lại, Philippines sẽ trả thuế quan 19%. Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau về mặt quân sự". Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận.
Về phía Manila, truyền thông Philippines dẫn lời Tổng thống Marcos cho biết mức thuế quan 0% của Philippines đối với hàng hóa Mỹ sẽ chỉ được áp dụng đối với một số sản phẩm như ô tô. Bên cạnh đó, ông Marcos gọi thỏa thuận thương mại giữa hai bên là một "thành tựu đáng kể" đối với Manila, và cũng cho biết Philippines sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm từ đậu nành và lúa mì cũng như thuốc từ Mỹ.
Trả lời Thanh Niên hôm qua 23.7, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ) nhận định: "Dường như mọi chuyện đã khá thành công. Tổng thống Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho Tổng thống Marcos và Philippines với tư cách là một đồng minh. Mức độ khen ngợi nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác có được trong các cuộc gặp tại Nhà Trắng dưới thời ông Trump. Điều này giúp trấn an người dân Philippines rằng Mỹ dưới thời ông Trump là một đồng minh vững chắc. Hơn nữa, Tổng thống Marcos dường như cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại như mong đợi, mặc dù còn cần thêm thời gian để biết được đầy đủ chi tiết thỏa thuận".
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên hôm qua, nhà phân tích Chester Cabalza (Chủ tịch Tổ chức Hợp tác phát triển và an ninh quốc tế, Philippines) đánh giá: "Sự đón tiếp nồng hậu của Tổng thống Trump dành cho Tổng thống Marcos Jr. là dấu hiệu tán thành cho 3 năm cầm quyền vừa qua của ông Marcos. Ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Philippines là một nhà đàm phán cứng rắn, nên có thể hiểu là Manila có được một thỏa thuận thuế quan công bằng với Washington. Cuộc gặp giữa hai đối tác đồng minh này gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về hợp tác quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Tổng thống Marcos thừa nhận Washington là một đối tác đáng tin cậy".
Quan hệ hữu hảo
Từ khi tiếp nhận nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Trump ít gây áp lực với Philippines so với nhiều đồng minh khác. Thậm chí, Washington còn đẩy nhanh hợp tác quân sự với Manila.
Hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Washington và Manila tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan, mà trong đó có một số nội dung tập trận cũng diễn ra ở khu vực Biển Đông giữa bối cảnh Philippines và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng tại vùng biển này. Không những vậy, một số loại vũ khí như Hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS và các Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) cũng xuất hiện ở cuộc tập trận. Đây là các loại vũ khí có ý nghĩa quan trọng đối với Philippines trong tình hình ở Biển Đông.
Trước đó, CNN dẫn thông báo từ Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) hồi tháng 4 cho biết nước này đã thông qua kế hoạch bán 20 chiến đấu cơ F-16 cho Philippines. Tổng đơn hàng có giá trị lên đến 5,58 tỉ USD, bao gồm cả các thành phần liên quan F-16.
Trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: "Philippines là quốc gia tuyến đầu trong việc ngăn chặn những tham vọng của Trung Quốc ở khu vực. Việc Tổng thống Marcos thăm Washington lần này là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông nhằm chứng minh cam kết của Manila trong việc đóng góp vào khả năng phòng thủ của chính mình theo công thức mà Tổng thống Trump mong muốn. Ông Marcos cũng có mặt tại Washington để đàm phán về việc giảm thuế quan và chứng minh rằng Manila là một quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á trong việc bác bỏ các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp của Bắc Kinh".
"Tuy nhiên, lập trường tiên phong của Manila về các vấn đề Biển Đông và trước các thách thức từ Trung Quốc thông qua việc thắt chặt quan hệ với Mỹ, Nhật và Úc không nên được coi là hình mẫu cho các nước ASEAN", GS Nagy nhận định thêm.