Tổng Bí thư: Công tác nhân sự đặc biệt hệ trọng, quyết định thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ

Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác nhân sự là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.
Sáng 18.7, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII khai mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.
Tổng Bí thư cho hay, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ "vừa chạy vừa xếp hàng" sang "hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến" vươn tới tương lai.
Từ T.Ư đến 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu, cả hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành khoa học, hạn chế trung gian, xóa bỏ trùng lắp chức năng, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đây là bước đột phá về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thiết lập một thiết chế quản trị hiện đại, liêm chính, tinh gọn và hướng tới người dân.
"Điều đặc biệt đáng trân trọng là các chủ trương lớn, những quyết sách chiến lược mang tính lịch sử nêu trên đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự hưởng ứng tích cực và niềm tin sâu sắc của các tầng lớp nhân dân", Tổng Bí thư chia sẻ, cho biết đồng bào cả nước bày tỏ kỳ vọng lớn lao vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, Đảng viên.
"Đây là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc, quý báu để chúng ta tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư nhìn nhận.
3 nhóm nội dung lớn
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn, đó là nhóm nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong thời gian tới; nhóm nội dung về công tác cán bộ.
Đối với nhóm nội dung thứ nhất, qua nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, nội dung các văn kiện cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đề ra như tính cách mạng, tính khoa học, tính chiến lược, tính thực tiễn, tính đồng bộ, tính khả thi, tính định hướng.
Tuy nhiên, để nội dung dự thảo văn kiện lần này không chỉ là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là "ngọn đuốc soi đường" cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới, từng câu chữ, từng nội dung trong các dự thảo văn kiện phải thực sự cô đọng, súc tích, chiến lược mà cụ thể, vi mô và vĩ mô, phản ánh đúng thực tiễn, dự báo đúng xu thế và định hướng được tương lai.
Đối với nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị cho việc tiếp tục cải cách, đối mới trong thời gian tới, T.Ư đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý cho phát triển đất nước. T.Ư quyết tâm tháo gỡ triệt để các rào cản pháp lý vì vấn đề này được coi là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Tại hội nghị này, T.Ư cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại các Nghị quyết T.Ư trong lĩnh vực đất đai (Nghị quyết 18 ngày 16.6.2022); xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN (Nghị quyết 27 ngày 9.11.2022); giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29 ngày 4.11.2013; Nghị quyết 19 ngày 25.10.2017); cho chủ trương định hướng điều chỉnh Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với nhóm nội dung công tác cán bộ, xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, T.Ư sẽ xem xét bổ sung quy hoạch Ban chấp hành T.Ư, Ban Bí thư, Bộ Chính trị khóa XIV; phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành T.Ư khóa XIV; xem xét công tác cán bộ thuộc thẩm quyền.
Nhóm nội dung này đã được Ban Tổ chức T.Ư chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, lớp lang, tuân thủ điều lệ và các quy định của Đảng, của pháp luật hiện hành.
Công tác nhân sự đặc biệt hệ trọng
Vì tính chất đặc biệt quan trọng trong các nội dung trình ra hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị T.Ư tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ 9 vấn đề cốt lõi.
Trong đó, đánh giá khách quan, toàn diện với góc nhìn của người tham gia hoạch định chính sách và chỉ đạo thực thi chính sách về những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ khóa XIII, từ đó xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học sâu sắc, nhất là về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Đóng góp ý kiến tổng thể, cụ thể, khoa học về nội dung tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua, nhất là những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho quá trình đổi mới tiếp theo trong giai đoạn mới.
Xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới: phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị công hiện đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kỷ cương, tiến bộ.
Đồng thời, xác định rõ phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIV. Đây là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.
Nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng, hành động quyết liệt vì tập thể, vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Phải tuân thủ lời Bác dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".
Cùng với đó là tiếp tục đóng góp ý kiến cho T.Ư về công tác điều hành, vận hành bộ máy chính quyền hai cấp đang được thực hiện. Cần phản ánh thực tế từng địa phương, cơ sở có khó khăn gì, cần T.Ư hỗ trợ gì ngoài nỗ lực của địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện cho được mục tiêu ổn định, phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân…
Theo Tổng Bí thư, để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, yêu cầu đặt ra là từng Ủy viên T.Ư cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan và cầu thị. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
"Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách. Mỗi ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa với nội dung văn kiện, mà còn có vai trò trong việc hình thành đường lối chiến lược của Đảng ta từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, 2050", Tổng Bí thư nhấn mạnh.