Nhảy đến nội dung
 

Tôi lạc lõng trong gia đình bố bảo thủ, mẹ chi li, em trai thiếu trách nhiệm

Tôi từng nghĩ gia đình mình bình thường như bao gia đình khác. Nhưng chỉ khi trưởng thành, đi làm, tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè đến từ những nền nếp khác nhau, tôi mới nhận ra: nhà mình không ổn. Không ổn một cách sâu sắc và âm ỉ.

Gia đình tôi có năm người: bố mẹ, tôi, em trai và em gái. Nhưng mỗi người như một mảnh vỡ rời rạc. Bố tôi là người bảo thủ, sống thiếu trách nhiệm, cả đời loay hoay trong những lựa chọn nửa vời. Ông từng mở một kiốt nhỏ bán đồ mộc tại nhà, nhưng không biết cách kinh doanh. Hàng hóa ế ẩm, vài tháng mới bán được một món. Tôi từng đề xuất dẹp quầy, cho thuê lại mặt bằng để kiếm vài triệu phụ mẹ chi tiêu, nhưng ông gạt đi: "Cho thuê rồi mai kia lấy gì mà bán?". Thực tế, ông không bán gì cả, chỉ để đồ cũ phủ bụi, thỉnh thoảng còn nhập thêm về để đó.

Bố tôi cũng chưa bao giờ chủ động cải thiện chất lượng sống cho gia đình. Mảnh đất phía sau nhà có thể dọn dẹp để làm sân phơi, sinh hoạt chung, thì ông chất đầy gỗ, máy móc, nuôi gà. Những thiết bị như máy giặt, điều hòa, máy hút bụi... ông xem là "xa xỉ" và không bao giờ vệ sinh, bảo dưỡng. Cái máy giặt đã mười mấy năm, giặt quần áo mốc meo, hôi hám. Mãi đến khi nó hỏng hẳn mới chịu thay mới. Cửa sổ mục nát, rỉ sét, để mặc mưa tạt, gió lùa. Tôi góp ý sửa thì ông nói: "Bao giờ sửa nhà thì thay luôn". Nhưng khi hỏi bao giờ sửa, bố mẹ lại bảo: "Đợi thằng em cô đi làm, góp tiền".

Em trai tôi lương ba cọc ba đồng, đưa về cho mẹ giữ. Tôi từng khuyên mẹ nên để em tự quản lý tài chính, tập làm chủ cuộc sống. Mẹ bảo để dành sửa nhà, nhưng rồi chẳng sửa gì, em cũng chẳng đóng góp thêm. Nó về nhà chỉ cắm mặt vào điện thoại, không nói chuyện, không biểu lộ cảm xúc. Từng là đứa trẻ lanh lợi, giờ em tôi sống vô cảm, thụ động, không có chính kiến.

>> 'Mẹ khóc thương con trai cưng ăn mì gói ngày ba bữa vì không biết nấu cơm'

Tôi không trách em. Ngày xưa, nó muốn đi chơi, đá bóng, đi du lịch cuối năm lớp 12 nhưng đều bị mẹ cấm vì sợ "bên ngoài nguy hiểm". Mẹ giữ nó quá chặt, làm thay mọi thứ, không cho nó trải nghiệm. Giờ mẹ vẫn tự hào khoe con trai mình ngoan, nghe lời. Nhưng tôi biết, sự bảo bọc quá mức chính là nguyên nhân khiến em tôi mất dần bản lĩnh sống.

Mẹ tôi là trụ cột duy nhất về tài chính, bán hàng ngoài chợ, tằn tiện nuôi cả nhà. Nhưng chính vì phải cáng đáng quá nhiều nên mẹ trở nên cằn nhằn, chi li, tiết kiệm đến mức kiệt quệ. Bà gồng mình lo từ chợ búa, đối nội đối ngoại, đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong nhà. Tôi hiểu sự vất vả ấy, nhưng sống trong không gian luôn căng thẳng, tối tăm, ẩm thấp và ngột ngạt khiến tôi mỏi mệt. Những món đồ cũ nát, mốc meo không ai chịu vứt vì "vẫn xài được". Tôi đề nghị dọn dẹp, sửa sang thì bị xem là "phá của".

Tôi từng tranh luận, gào khóc, nài nỉ, rồi im lặng. Nhưng mọi nỗ lực đều như nước đổ lá khoai. Bên trong căn nhà ấy, mỗi người một thế giới, không ai thay đổi, không ai chịu lắng nghe.

Em gái tôi – đứa nhỏ nhất nhà – vẫn đang lớn lên trong môi trường đó. Một người cha thờ ơ, một người mẹ cáu bẳn, một người anh trai thu mình. Tôi sợ, chính điều ấy sẽ hình thành nơi nó một niềm tin méo mó về gia đình, về người đàn ông, về tình yêu.

Tôi từng như nó. Từng yêu một người đàn ông giống hệt bố và em trai mình: vô tâm, thiếu trách nhiệm, sống kiểu "mặc kệ đời". May mắn thay, tôi gặp được người chồng hiện tại – một người quyết đoán, trách nhiệm, sống vì gia đình. Anh từng nói: "Không ổn thì phải thay đổi ngay". Nhờ anh, tôi biết thế nào là một gia đình đúng nghĩa.

Tôi làm giáo viên, tiếp xúc với hàng trăm học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp từ mọi tầng lớp. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy rõ: những gia đình có nền nếp, có sự tôn trọng và trách nhiệm, thường cho ra những đứa trẻ khác biệt. Và tôi càng cay đắng nhận ra, nhà mình thiếu tất cả những điều đó.

Hiện tôi đang ở cữ, sống tạm trong căn nhà cũ, nơi từng là mái ấm của mình. Tôi biết, một thời gian nữa, tôi sẽ trở về với tổ ấm mới của mình. Nhưng còn em gái, em trai và mẹ tôi sẽ đi đâu, sống thế nào trong những năm tháng tiếp theo? Tôi không biết. Và tôi cảm thấy bất lực.

Tôi như đang sống giữa hai thế giới: một bên là ánh sáng nơi người ta biết yêu thương, biết chia sẻ, biết thay đổi vì nhau; một bên là bóng tối nơi mọi nỗ lực bị dập tắt bởi sự bảo thủ, trì trệ và thiếu trách nhiệm. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, em trai mình sẽ tỉnh ra và tự bước đi bằng đôi chân của mình, em gái tôi sẽ đủ mạnh mẽ để thoát khỏi cái vòng lặp gia đình, và tìm được một tương lai đủ tử tế – nơi nó được là chính mình, được thương yêu, và được sống như một con người đúng nghĩa.

BQMCĐ

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn