Nhảy đến nội dung
 

Tối giản - 'dấu vân tay' của họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, là một tên tuổi không còn xa lạ trong giới hội họa Việt Nam. Anh theo học tại Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990. Với tài năng và sự sáng tạo không ngừng, Lê Thiết Cương đã trở thành một trong số ít những họa sĩ tối giản tên tuổi trong cả nước.

Không chỉ có vậy, anh còn hoạt động trong nhiều nhiều lĩnh vực báo chí, về các đề tài văn hóa, nghệ thuật khác. Sau tác phẩm Nhà và Người, tiếp theo là cuốn Trò chuyện với hội họaTrong hạt thóc có hạt gạo tập hợp những bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương về văn hóa Việt trong những năm gần đây.

Tôi biết họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đã gần 10 năm rồi. Lần đầu tiên nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đưa tôi đến quán La Cà, 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Nơi đây đầy ắp kỷ niệm của hai người nghệ sĩ tài hoa mà tôi yêu mến. Nếu trước đây "văn nghệ mà thiếu Tạo Kha là buồn" thì về sau này nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương là cặp bài trùng gắn bó với nhau, sẻ chia từng ngày về thi ca nhạc họa tại cái quán nhỏ dễ thương này.

"Trưa nào cũng như trưa nào/hai thằng gục đầu vào cốc/nâng lên Whisky Scotland/uống không/đến nỗi thành không/ để không tẻ nhạt" (Nguyễn Thụy Kha).

Các anh không thể thiếu nhau, "thường lệ mà không nhàm chán", rượu và nghệ thuật là bạn tri âm của hai tài danh nổi tiếng không chỉ riêng với Hà Nội mà khắp các vùng miền của đất nước, đặc biệt trong các buổi giới thiệu tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương mà nhà thơ Nguyễn Thụy Kha là người dẫn dắt đề từ.

Tôi may mắn được gần các anh, học được bao điều về nhân cách của người nghệ sĩ đích thực giữa thời này. Tôi không chỉ nể phục tài năng sáng tạo của hai người nổi tiếng mà còn học hỏi biết bao điều từ phong cách, ứng xử chuẩn mực trên bàn rượu của một tình bạn văn nghệ tri âm. Vốn là người ở quê ra phố, mỗi lần nhìn hai anh chạm cốc với nhau bằng tất cả vẻ đẹp sang trọng tôi thấy mình càng lạc lõng, quê mùa. Càng thấy mình bé nhỏ hơn trước sự uyên bác của "cuốn tự điển sống về âm nhạc" Nguyễn Thụy Kha và tri thức đa hệ, đa tầng về văn học nghệ thuật, đặc biệt là thế giới hội họa tối giản độc nhất vô nhị mà họa sĩ Lê Thiết Cương theo đuổi.

Họa sĩ Lê Thiết Cương sống và sáng tạo tự do theo cách riêng của mình

Trong một vài lần ngồi với anh, Lê Thiết Cương cho biết, ngay từ đầu, anh không hề đi theo con đường này, vậy mà tất cả đều "như thể lần đầu bày ra", anh thường mượn câu thơ của tôi để đùa vui ý này.

Nói về tranh của Lê Thiết Cương các nhà chuyên môn đã viết nhiều rồi, tôi chỉ nghe những lời bình của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trong nhiều bữa rượu: "Tranh của Lê Thiết Cương mênh mang khó lường, mỗi bức tranh hầu như chỉ chọn một tông màu chính, rồi hòa tan màu sắc ấy trên một mặt phẳng tĩnh lặng ấy. Từ đó chính màu sắc và bố cục tranh sẽ gợi cho người xem suy tư về những gì thật sự đang diễn ra đằng sau mỗi phận người".

Tối giản trong tranh của Lê Thiết Cương luôn hàm súc với tầng tầng ý nghĩa. Những hình thể người, đồ vật và phong cảnh đơn giản đến kỳ lạ, bởi các nét vạch, và chia thành những mảng màu đầy ẩn dụ. Người xem không khó cảm nhận sự quang đãng, thanh nhã trong khoảng không của từng tác phẩm, nhưng chắc hẳn phải cần thời gian để "đọc" được những chiều đa nghĩa của mỗi bức tranh. Phong cách của họa sĩ Lê Thiết Cương được định hình bởi nét độc đáo và sự tối giản tinh tế, một con đường mà anh cảm thấy như được định sẵn cho mình từ khi còn trẻ.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1984, họa sĩ Lê Thiết Cương thường xuyên sang thăm người hàng xóm là nhà thơ Đặng Đình Hưng, cha của NSND Đặng Thái Sơn. Có lần Lê Thiết Cương đã kể lại: "Chính ông Hưng đã giúp anh 'khai nhãn', khám phá và phát triển phong cách tối giản của mình. Nếu cầm cọ theo phong cách tối giản, thì họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cầm bút theo phong cách tối giản. Có lần, anh nói với tôi, vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa, cả khi viết về một nhân vật nào đó, tôi cũng chỉ nói về cái hạt bụi quý của họ đã đóng góp cho văn chương, hội họa, chứ không nói vòng vo về tác giả. Phê bình về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Cương viết vẫn tối giản mà. Những câu thơ không làm là tựa đề bài viết về thơ của anh đăng trên Báo Nhân Dân cũng với một giọng tối giản ấy của tôi".

Lê Thiết Cương nâng ly rượu lên chạm cốc với anh Nguyễn Thuỵ Kha và nói: "Tối giản là tôi, tôi là tối giản, là vân tay, là căn cước đời tôi, Nguyễn Ngọc Hạnh ạ!".

Lê Thiết Cương, với tài năng và phong cách độc đáo, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là hội họa mang phong cách tối giản. Cuộc sống của anh không chỉ là câu chuyện của một họa sĩ thành công mà còn là hành trình của một người nghệ sĩ chân thực, sống và sáng tạo tự do theo cách riêng của mình.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn