Thủ tướng Pháp đề xuất bỏ hai kỳ nghỉ lễ để giảm nợ công

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou hôm 15/7 công bố đề xuất ngân sách cho năm 2026, nêu ý tưởng giảm số kỳ nghỉ lễ toàn quốc từ 11 xuống 9, bỏ hai dịp gồm lễ Phục Sinh vào tháng 4 và kỷ niệm chiến thắng Thế chiến II ngày 8/5. "Toàn dân cần làm việc nhiều hơn, gia tăng hoạt động trên cả nước và cải thiện tình hình quốc gia. Mỗi người dân đều cần đóng góp vào nỗ lực này", ông nói.
Thủ tướng Pháp lý giải rằng thâm hụt ngân sách đang trong tình trạng báo động và đất nước "đang nghiện chi tiêu công". Ông nói chính phủ Pháp có thể tiết kiệm thêm vài tỷ euro cho ngân khố bằng cách bỏ hai kỳ nghỉ lễ toàn quốc, nhưng có thể cân nhắc thêm các phương án khác.
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp, nợ công của Pháp quý đầu năm nay đã lên đến 3.300 tỷ euro (hơn 3.800 tỷ USD), tương đương 114% GDP, vượt xa quy định 60% của Liên minh châu Âu. Pháp cũng là nước có mức nợ công cao thứ ba trong khối, xếp sau Hy Lạp và Italy.
Guardian ước tính mức trả lãi thường niên cho nợ công của Pháp vào khoảng 60 tỷ euro, có thể trở thành khoản chi lớn nhất mỗi năm trong ngân sách chính phủ. Ông Bayrou thừa nhận chính phủ đang phải vay tiền hàng tháng để trả lương hưu và lương công chức, lo ngại đất nước rơi vào "lời nguyền không thể hóa giải".
Thủ tướng Bayrou muốn giảm thâm hụt ngân sách còn 5,4% trong năm nay, đến 4,6% trong năm sau và xuống mức 3% vào năm 2029 theo quy định của EU. Đây đều là những mục tiêu không dễ dàng, đặc biệt khi Tổng thống Emmanuel Macron muốn tăng ngân sách quốc phòng từ 50,5 tỷ euro năm nay lên 54 tỷ euro vào năm sau để ứng phó các thách thức an ninh.
Thủ tướng Bayrou muốn "đóng băng toàn diện" các đề xuất tăng chi tiêu ngân sách, trong đó có lương hưu và chăm sóc sức khỏe, ưu tiên trả nợ và đầu tư quốc phòng. Chính phủ Pháp cũng dự tính cắt giảm 3.000 công chức trong năm sau và đóng cửa một số cơ quan đang bị đánh giá là làm việc thiếu hiệu quả.
Ông Bayrou cũng cân nhắc phương án vận động người giàu tại Pháp đóng góp nhiều hơn cho kế hoạch giảm nợ công. "Nỗ lực của cả nước phải được phân chia bình đẳng. Ai có ít thì chúng tôi đề nghị đóng góp ít, ai có nhiều thì cần đóng góp nhiều", ông nói.
Thanh Danh (Theo AFP, Guardian)