Thu hồi kem dưỡng giả mạo thành phần vitamin E

Thông báo ngày 18/7 cho biết sản phẩm này có nhãn ghi "Product of Thailand", không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và thiếu thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm phân phối. Mẫu kiểm nghiệm được lấy tại nhà thuốc An An (phường Kiến Hưng) và nhà thuốc Thảo Vy (phường Từ Liêm), Hà Nội.
Qua tra cứu, cơ quan chức năng xác định sản phẩm này chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm, đồng nghĩa với việc đang lưu hành không hợp pháp trên thị trường.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các địa phương thông báo đến cơ sở kinh doanh ngừng buôn bán, hoàn trả sản phẩm trên cho nhà cung cấp. Đồng thời, Cục đề nghị các cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa này. Riêng Sở Y tế Hà Nội phối hợp kiểm tra hai nhà thuốc nêu trên về việc tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh mỹ phẩm.
Hồi tháng 5, nhà thuốc An An từng bị cơ quan chức năng phát hiện mua bán thuốc Theophylline extended-release tablets giả. Đây là loại thuốc điều trị giãn phế quản, hen suyễn và các bệnh phổi khác. Lọ thuốc lấy mẫu tại nhà thuốc này không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi đơn vị nhập khẩu...
Nhà chức trách lấy mẫu kiểm nghiệm, kết quả thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định lượng Theophylline, chỉ đạt 6,3% so với hàm lượng ghi trên nhãn, kết luận là thuốc giả.
Các chuyên gia cảnh báo sản phẩm giả, không đúng công thức có thể chứa thành phần không an toàn, gây nguy cơ phản ứng phụ và giảm hiệu quả bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, sản phẩm kém chất lượng có thể gây kích ứng, dị ứng, tổn thương da lâu dài và nguy cơ nhiễm độc do hấp thụ chất độc hại qua da.
Lê Nga