Thái Lan phản ứng trước đề xuất ngừng bắn ngay lập tức của Campuchia

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa đã lên tiếng sau khi phía Campuchia tuyên bố nước này mong muốn đạt được một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" với Thái Lan.
Đài DW của Đức cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa hôm 26/7 tuyên bố rằng, nếu muốn tiến tới ngừng bắn hoặc đàm phán, phía Campuchia cần thể hiện “thiện chí thực sự nhằm chấm dứt xung đột”.
Về phần mình, phát biểu trước cuộc họp của Liên hợp quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Nikorndej Balankura, nói rằng Bangkok sẵn sàng khởi động đàm phán, và Malaysia - đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN - có thể đóng vai trò hỗ trợ.
Trước đó vào ngày 25/7, theo hãng tin AFP, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo tuyên bố nước này mong muốn đạt được một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" với Thái Lan, sau khi các cuộc không kích và đấu pháo gây thương vong giữa hai nước diễn ra 2 ngày liên tiếp.
Phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có sự tham dự của đại diện Campuchia và Thái Lan, ông Chhea Keo khẳng định: "Campuchia kêu gọi giải pháp hòa bình cho tranh chấp và ngừng bắn ngay lập tức, không kèm theo điều kiện nào".
Đại sứ Chhea Keo cũng lưu y rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi hai bên "kiềm chế tối đa và tìm giải pháp ngoại giao", điều mà Campuchia cũng đang hướng đến.
Xuất hiện "thị trấn ma"
Các con phố vốn sầm uất của quận Kantharalak thuộc tỉnh Sisaket (Thái Lan) giờ đây trở nên vắng lặng rợn người, biến nơi này thành một “thị trấn ma” khi cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia bước sang ngày thứ ba.
Theo hãng tin Reuters của Anh, thị trấn Kantharalak hôm 26/7 gần như hoàn toàn vắng bóng người.
![]() |
Anh Jianuwat Thaalalai, 31 tuổi, đứng trước khách sạn nơi anh làm việc, mô tả thực tế ảm đạm: “Gần như mọi người đều đã đi hết. Đây thực sự là một thị trấn ma” và nói thêm rằng: “Khách sạn của tôi vẫn mở cửa để đón những người ở gần biên giới cần chỗ nghỉ”.
Các cuộc đụng độ giữa Thái Lan và Campuchia đã trở nên căng thẳng hơn khi cả hai quốc gia đều khẩn thiết tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao, mỗi bên đều tuyên bố hành động của mình là tự vệ, đồng thời kêu gọi bên kia ngừng bắn và bắt đầu đàm phán.
Đợt bạo lực mới nhất này đánh dấu cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia Đông Nam Á trong vòng 13 năm, với hàng chục người thiệt mạng và hơn 130.000 người dân phải di dời khỏi nhà.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Hải quân Hoàng gia Thái Lan báo cáo về các cuộc đụng độ mới tại tỉnh Trat – một mặt trận mới xuất hiện cách xa hơn 100 km so với các điểm tranh chấp khác dọc biên giới.
Hai quốc gia Đông Nam Á đã rơi vào thế đối đầu căng thẳng kể từ cuối tháng 5/2025, khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một vụ đụng độ ngắn.
Sau khi các cuộc giao tranh leo thang dữ dội dọc biên giới Thái Lan-Campuchia bùng phát vào hôm 24/7, theo tờ Khmer Times, ngày 26/7, Liên hợp quốc đã kêu gọi “kiềm chế tối đa”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi kiềm chế khi Hội đồng Bảo an họp kín vào ngày 25/7 (giờ New York) để thảo luận về những gì các quan chức gọi là sự leo thang nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn một thập kỷ.
Các quan chức nhân đạo của Liên hợp quốc đã xác nhận thương vong và tình trạng dân thường phải di dời.
Theo các đối tác cứu trợ của Liên hợp quốc, hơn 131.000 người ở Thái Lan và hơn 4.000 người ở Campuchia đã buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Các nơi trú ẩn tạm thời - bao gồm trường học và đền thờ - được cho là quá tải, cùng với nhu cầu cấp thiết bao gồm thực phẩm, hỗ trợ y tế và vật tư vệ sinh.
Phó phát ngôn viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephanie Tremblay cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo nếu được yêu cầu.
Đồng thời, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi “kiềm chế tối đa”. Cơ quan này nhấn mạnh cần phải bảo vệ trẻ em và các dịch vụ thiết yếu mà trẻ em cần, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Quyền Trẻ em.
Thái Lan hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Tài chính Thái Lan đã ban hành các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế đối với các cộng đồng dọc biên giới Thái Lan - Campuchia bằng cách thực hiện giãn nợ, giảm lãi suất và các biện pháp cho vay lãi suất thấp cho các cá nhân bị ảnh hưởng.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira, tình trạng bất ổn đang diễn ra do các cuộc đụng độ dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, đã ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân địa phương và mở rộng tác động đến nền kinh tế và cấu trúc xã hội của các cộng đồng xung quanh.
Các vụ việc đã gây thiệt hại về tài sản và làm gián đoạn nghiêm trọng sinh kế, nghề nghiệp và hoạt động kinh doanh của người dân trong khu vực. Ông Pichai cho biết, để ứng phó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các tổ chức tài chính nhà nước hỗ trợ thông qua nhiều biện pháp khác nhau, nhằm giảm thiểu tác động.
Ví dụ Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ được giao nhiệm vụ cho phép người vay hoãn trả nợ gốc và một phần lãi, cùng với cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhỏ với lãi suất hằng tháng chỉ 0,75%, thời hạn trả nợ là 60 tháng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp sẽ cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho chi tiêu tiêu dùng, lên đến 50.000 baht (1.541 USD) cho mỗi người vay, với lãi suất bằng lãi suất bán lẻ tối thiểu (MRR) và thời hạn vay lên đến 3 năm, với 6 tháng đầu tiên được miễn lãi. Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan sẽ áp dụng lãi suất cố định 3%/năm trong 3 năm, với thời hạn vay tối đa là 10 năm.Ngoài ra, Tổng cục Kiểm toán đã tăng thẩm quyền chi tiêu khẩn cấp cho tỉnh trưởng 4 tỉnh dọc biên giới Campuchia lên 100 triệu baht, cụ thể là Surin, Si Sa Ket, Buri Ram và Ubon Ratchathani, để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến biên giới. Các tỉnh trưởng vốn chỉ được phép chi tiêu không quá 20 triệu baht theo các điều khoản khẩn cấp.Trong một diễn biến khác, bà Suwannee Jetsadhasak, Trợ lý thống đốc nhóm chính sách các tổ chức tài chính của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), cho biết, BoT đang theo dõi chặt chẽ cách các tổ chức tài chính hỗ trợ cả nhân viên và khách hàng của họ trong tình hình hiện tại.Bắt đầu từ ngày 25/7, các tổ chức tài chính Thái Lan có chi nhánh tại Campuchia đã dần hồi hương nhân viên người Thái, tất cả dự kiến sẽ trở về Thái Lan. Trong khi đó, một số chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh Thái Lan dọc biên giới, cụ thể là Surin, Sri Saket, Ubon Ratchathani, Buri Ram, Sa Kaeo, Trat và Chanthaburi, đã tạm thời đóng cửa.Ngày 24/7, Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan thông báo các ngân hàng thành viên sẽ tạm thời đóng cửa các chi nhánh dọc biên giới Thái Lan - Campuchia để đảm bảo an toàn cho khách hàng và công chúng, với lý do tình hình bất ổn trong khu vực đã gây ra thương vong, thiệt hại về tài sản và gián đoạn sinh kế của người dân địa phương.Sách hay về Đông Nam ÁĐể giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Tri Thức - Znews giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.> Độc giả có thể xem thêm tại đây.