Sự nghiệp lộng lẫy của Nguyễn Thị Huyền

Trong sự nghiệp của mình, 'nữ hoàng điền kinh' Nguyễn Thị Huyền nhớ nhất SEA Games 28 năm 2015, kỳ đại hội mà cô lập cú hat-trick để đời, phá 2 kỷ lục SEA Games và đạt 2 chuẩn Olympic. Nhưng lẽ ra Huyền đã có thể tỏa sáng từ 2 năm trước đó, nếu như...
"ĐỂ TÔI BÁM ĐẾN CUỐI THÌ… CHẾT VỚI TÔI"
Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu, cô không được chọn cho nội dung 400 m mà là 800 m: "Gần như không có VĐV điền kinh nào ngay từ đầu dám "bập" luôn vào cự ly 400 m, vì đó là nội dung đòi hỏi nhiều tố chất nhất, gồm cả sức bền lẫn tốc độ; tập luyện vất vả nhất và thi đấu căng thẳng nhất so với các nội dung còn lại".
Trong 5 kỳ SEA Games liên tiếp, Huyền ấn tượng nhất với SEA Games 28 (năm 2015). Đây là kỳ SEA Games mà lần đầu tiên Huyền tham dự nội dung cá nhân (nếu không kể lần tham gia chạy tiếp sức ở SEA Games 26, năm 2011) và ngay lập tức lập cú hat-trick để đời, phá 2 kỷ lục SEA Games và đạt 2 chuẩn Olympic. Còn màn thi đấu ấn tượng nhất với Huyền là tại SEA Games 32 năm 2023, khi sau tới 10 lần vượt rào cô vẫn bị đối thủ dẫn trước. Khi cách vạch đích khoảng 30 m, cô gái vàng của thể thao VN bất ngờ tăng tốc, tung cú nước rút ngoạn mục, thu hẹp dần khoảng cách và vượt lên ở 6 m cuối trong sự ngỡ ngàng của chân chạy Philippines.
"Olympic thì tôi không dám nói, nhưng ở SEA Games mà cứ để tôi bám sát ngay sau lưng thì đến chặng cuối "chết" với tôi!", nhà vô địch bất bại của SEA Games nói vui. "Đường chạy... ăn nhau về cuối" là có thật. Huyền phân tích sâu về chuyên môn: "Trong điền kinh có hai kiểu khỏe: một là khỏe cứng, hai là khỏe dẻo. Khỏe cứng sẽ giúp người chạy đạt được sức bật và phong độ rất tốt ở những chặng đầu, nhưng ở chặng cuối họ lại có thể bị bó cứng, không thể nhấc đùi lên được. Và đó là cơ hội bứt lên để lật ngược thế cờ của khỏe dẻo". Nói Nguyễn Thị Huyền "quái" trên đường chạy chính là ở sở trường lợi hại đó.
CÓ LÚC CHÂN NHƯ "BỐC HƠI NGHI NGÚT"
Nguyễn Thị Huyền chia sẻ về quyết định giải nghệ ở tuổi 30, sau tròn 15 năm thi đấu: "Thật ra quyết định đó của tôi không nhân một con số chẵn nào, mà chỉ đơn giản là đôi chân lúc đó đã thực sự kêu cứu với chủ nhân của nó, rằng nó đã quá mỏi mệt. Sáng ra, muốn hất cái chăn sang bên cũng không hất nổi, bế con mà chân cứ chực khuỵu xuống. Ở giải đấu cuối, tôi còn tưởng tôi sẽ thua ấy chứ".
"Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi" - như câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chăng?", tôi hỏi. "Ôi, sao câu hát ấy cứ như nói hộ lòng tôi thế nhỉ", Huyền thốt lên.
15 năm vắt kiệt mình trên đường chạy 400 m sở trường, sự nghiệp của Huyền quá lộng lẫy với bảng thành tích chói sáng: 13 HCV SEA Games, 10 HCV giải vô địch quốc gia, 3 HCV giải vô địch châu Á.
"Dừng lại ở tấm HCV SEA Games thứ 13 cho cá nhân mình, điều đó với tôi là quá tuyệt vời rồi, chẳng có gì phải tiếc nuối cả. Có chăng, là đáng ra tôi đã có thể tỏa sáng sớm hơn trước đó tại SEA Games năm 2013, nếu như không xảy ra sự cố đáng buồn. Hai ngày trước khi lên đường thi đấu, tôi bất ngờ bị đứt cơ đùi, toàn bộ công sức 2 năm tập luyện đi tong trong chốc lát", Huyền nhớ lại.
Trong sự nghiệp lừng lẫy của Nguyễn Thị Huyền, có một khoảng chùng từng khiến cô hoang mang, đó là vào năm 2016. "Sau kỳ SEA Games 28 thi đấu thành công, phong độ của tôi bất ngờ giảm sút, tâm lý thiếu ổn định, thầy trò bất đồng... May là cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được để kịp lấy lại sức bật vào SEA Games 29 năm 2017", Huyền nhớ lại.
"Suốt 15 năm, tôi đã phải chắt chiu từng ngày. Những ngày nắng dội lửa, chân tôi có lúc như "bốc hơi nghi ngút", thậm chí bật máu vì bị giày miết vào. Rét đậm rét hại cũng quyết bám đường, có lúc chảy cả máu cam...", Huyền kể.
Nhưng khó khăn hơn cả là phải xa con. "Con mới 3 tháng tuổi, mẹ đã đi tập trở lại, 5 tháng đã cai sữa. Những khuya mẹ về, con vồ vập lấy mẹ như sợ mẹ lại đi mất, cứ 30 phút, 1 tiếng lại trở dậy quờ tay sang mẹ, khóc đòi bế. Nhưng cũng chính tình yêu thương đó là động lực tiếp cho tôi sức mạnh trên đường chạy, vì những hy sinh đó của mình, của con mình, chồng mình, nhất định phải được đền đáp xứng đáng", bà mẹ hai con tâm sự.
Trong bộ phim Tracktown do chính nữ VĐV điền kinh Alexi Pappas (từng thi đấu tại Olympic Rio 2016) viết kịch bản, đạo diễn và đóng chính, nhân vật nữ chính đã loay hoay tự hỏi: "Nếu không chạy, tôi là ai?", "Mình là ai nếu không thi đấu?".
"Nữ hoàng điền kinh" của chúng ta đã trả lời được câu hỏi đó: Cô không muốn mãi là người chạy nhanh nhất, mà còn cần là người biết chọn điểm dừng.