Sau bão, người dân Quảng Ninh lái ô tô ra biển nhặt cả chục ký ốc mang về

(Dân trí) - Ốc điếu bị sóng đánh dạt lên bờ, nằm la liệt tại bãi bùn ở biển Trà Cổ (Quảng Ninh), nhiều người dân ở khu vực xung quanh đổ xô đến để nhặt mang về.
20h ngày 22/7, nhìn thấy bạn bè đăng tải hình ảnh nô nức đi nhặt ốc và sò lên mạng xã hội, anh Đoàn Tuấn Vũ (phường Móng Cái 1, tỉnh Quảng Ninh) lái ô tô 8km tới khu vực biển Trà Cổ để trải nghiệm.
Ốc và sò bị dạt lên bờ, sau khi sóng lớn liên tục ập vào, do tác động của bão số 3 (Wipha).
Đến nơi, anh Vũ nhìn thấy hàng dài ô tô đỗ kín đường dẫn ra biển. Trên bãi bùn dài khoảng 1km, người dân gồm cả người lớn và trẻ nhỏ nườm nượp đổ về nhặt ốc.
Giữa màn đêm, ánh đèn pin le lói hắt lên từng vệt sáng yếu ớt. Anh Vũ xắn quần, cầm chiếc xô nhựa, lom khom nhặt từng con ốc.
"Là người dân vùng biển, hải sản không phải là món ăn lạ nhưng tôi thích trải nghiệm nhặt ốc trong không khí nô nức như thế này", anh Vũ cho biết.
Theo anh Vũ, sau cơn bão số 3, loại hải sản bị dạt lên bãi bùn nhiều nhất là ốc điếu. Đây là loại ốc biển tự nhiên, hình dạng dài bằng ngón tay, thân xoắn. So với các loại hải sản khác, ốc điếu rẻ hơn, thường được bán ở mức 40.000 đồng/kg.
"Trong một tiếng đồng hồ, tôi nhặt được gần 2 yến (20kg - PV) ốc điếu. Loại ốc này có thể chế biến thành các món như ốc hấp sả, ốc sốt me hay xào dừa... ", anh Vũ cho biết.
Cũng tham gia nhặt ốc ven bãi biển, anh Oánh (phường Móng Cái 2, tỉnh Quảng Ninh) mang về nhà 2kg ốc điếu.
Ban đầu, anh dự định nhặt ngao vì đây là món ăn ưa thích của gia đình nhưng ốc điếu nằm dày đặc trên lớp bùn.
"Ốc điếu nằm la liệt, mỗi con cách nhau chỉ 3-4cm, dùng dụng cụ bằng sắt hoặc đeo găng tay cao su có thể nhặt dễ dàng. Tôi chỉ lấy vài ký mang về hấp sả, không muốn nhặt quá nhiều", anh Oánh nói.
Theo người đàn ông này, vào năm 2024, sau bão Yagi, anh và nhiều bạn bè nhặt sò lông, ốc... suốt 2-3 ngày không xuể. Năm nay, số lượng hải sản ít hơn.
"Nếu là cá trôi dạt vào bờ thì thường xuất phát từ các lồng bè nuôi của người dân. Còn ốc và sò là hải sản tự nhiên, bị đánh bật từ ngoài khơi rồi theo sóng vào bãi bùn", anh Oánh nói.
Trong khi đó, anh Hùng (người dân ở phường Móng Cái 2, Quảng Ninh) cho rằng, hình ảnh nhặt hải sản ven bờ biển sau bão tại Trà Cổ không phải là hiếm gặp. Tùy cường độ và sức ảnh hưởng của mỗi cơn bão mà số lượng hải sản trôi dạt vào cũng khác nhau.
Năm 2024, sau bão Yagi, một lượng lớn cá dạt vào bãi Đá Đen (thời điểm đó thuộc phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, Quảng Ninh), hàng trăm người dân đã đổ đến nhặt. Cơ quan chức năng phường đã kiểm tra và xác định đây là lồng bè trôi dạt từ nước ngoài đến do tác động của bão Yagi.
Bão Wipha (bão số 3) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo mưa lớn, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất những ngày tới ở Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La...
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết chiều tối 22/7, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa, bão Wipha (bão số 3) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 19h, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9 và di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 5-10km/h.
Dự báo đến 7h ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.