Nhảy đến nội dung
 

Sai sót khiến Ấn Độ mất loạt tiêm kích trong xung đột với Pakistan

Người dân làng Akalia Kalan ở miền bắc Ấn Độ rạng sáng 7/5 nghe thấy nhiều tiếng nổ liên tiếp, trước khi trông thấy quả cầu lửa bay qua đầu và rơi xuống cánh đồng gần đó. Các mảnh vỡ ở hiện trường là xác của một chiến đấu cơ.

Dân làng cho biết sự việc khiến hai người qua đường thiệt mạng. Hai phi công trên máy bay kịp phóng ghế thoát hiểm và được tìm thấy trong tình trạng bị thương.

Đây được cho là một trong những tiêm kích Ấn Độ bị bắn rơi trong xung đột chớp nhoáng với nước láng giềng. Quân đội Pakistan tuyên bố đã hạ tổng cộng 6 chiến đấu cơ đối phương, trong đó có ba tiêm kích đa năng Rafale hiện đại do Pháp sản xuất.

Các quan chức quân sự nước ngoài tin rằng Ấn Độ đã mất 5 máy bay, trong đó có ít nhất một chiến đấu cơ Rafale.

Các quan chức quốc phòng Ấn Độ từ chối xác nhận số liệu trên, song thừa nhận nước này đã mất một số phi cơ. Họ cũng ám chỉ rằng nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là sai sót trong hoạt động tác chiến, chứ không phải thua kém về công nghệ.

Sự thừa nhận này có ý nghĩa quan trọng, do Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Pakistan. Xung đột 4 ngày giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đánh dấu lần đầu tiên tiêm kích, tên lửa Trung Quốc đối đầu với khí tài tương ứng của phương Tây và Nga.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy nguyên nhân chủ yếu giúp Pakistan hạ được loạt chiến đấu cơ Ấn Độ là sự vượt trội của tiêm kích J-10CE và tên lửa đối không PL-15E do Trung Quốc chế tạo.

"Ấn Độ dường như đã đánh giá thấp vũ khí đối phương. Trung Quốc cũng có thể đã góp phần thay đổi cục diện bằng cách cung cấp cho Pakistan dữ liệu cảnh báo sớm và thông tin mục tiêu trong thời gian thực", cây bút Akalia Kalan nhận định trong bài viết trên tạp chí Economist.

Dù vậy, Ấn Độ sau đó nhanh chóng giành lại được ưu thế, cho thấy vấn đề có thể nằm ở cách nước này triển khai không quân khi mở màn chiến sự.

Truyền thông Ấn Độ hồi tháng 6 công bố đoạn ghi âm phát biểu của Shiv Kumar, tùy viên quốc phòng nước này ở Indonesia, trong đó ông nêu nguyên nhân khiến New Delhi hứng tổn thất là vì giới lãnh đạo chính trị đã "yêu cầu quân đội không tập kích lưới phòng không của Pakistan" trong ngày đầu xung đột.

Thay vào đó, họ chỉ nhắm mục tiêu những địa điểm được cho là căn cứ phiến quân tại Pakistan. "Sau khi hứng chịu thiệt hại, chúng tôi đã thay đổi chiến thuật và nhắm vào cơ sở quân sự của đối phương", ông Kumar cho hay.

Trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5, tư lệnh quân đội Ấn Độ Anil Chauhan thừa nhận không quân nước này đã mất một số máy bay trong ngày đầu giao tranh vì mắc "sai lầm chiến thuật". Ông nhấn mạnh New Delhi đã sửa sai sau hai ngày, khi cho phép chiến đấu cơ xuất kích trở lại để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ nước láng giềng.

Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tên lửa Ấn Độ đã vượt qua lưới phòng không Pakistan và đánh trúng hàng loạt căn cứ quân sự, trong đó có những địa điểm trọng yếu gần thủ đô Islamabad.

Thông tin của tùy viên Kumar cũng phù hợp với cách tiếp cận của chính phủ Ấn Độ trong những xung đột với Pakistan trước đây, khi nước này có xu hướng tránh để căng thẳng leo thang. "Dù vậy, New Delhi không tính đến thực tế rằng Islamabad gần đây đã cải thiện đáng kể năng lực quân sự", Kalan cho hay.

Một giả thuyết được giới quân sự nước ngoài nêu ra là Ấn Độ không trang bị tên lửa đối không tầm xa Meteor, có tầm bắn khoảng 200 km, cho tiêm kích Rafale trong ngày đầu xung đột. Dường như không quân Ấn Độ tin rằng máy bay của họ sẽ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Pakistan, hoặc đòn trả đũa của Islamabad sẽ mang tính kiềm chế.

Một giả thuyết khác là tiêm kích Ấn Độ không được lắp thiết bị gây nhiễu điện tử phù hợp, cũng như phần mềm cập nhật và dữ liệu cần thiết để bảo vệ chúng khỏi vũ khí hiện đại của Pakistan.

Giới chuyên gia nhận định PL-15 là một trong những tên lửa đối không tiên tiến nhất thế giới, cạnh tranh được với dòng AIM-120 AMRAAM của Mỹ và R-77 Nga. Biến thể PL-15E xuất khẩu cho Pakistan có thể đạt tầm bắn tối đa 145 km, trong khi mẫu nội địa của Trung Quốc đủ sức bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 200-300 km.

Giả thuyết thứ ba là không quân Ấn Độ thiếu dữ liệu nhiệm vụ cần thiết để nắm được ý đồ tác chiến của Pakistan, dẫn tới tình trạng chủ quan và chậm phản ứng trong chiến đấu.

Sự việc có thể gây ra hệ lụy cho thương vụ quốc phòng lớn nhất trong nhiều năm của Ấn Độ. Nước này năm nay dự kiến mở đấu thầu để mua 114 chiến đấu cơ đời mới. Dassault, nhà sản xuất dòng Rafale, là một trong những ứng viên hàng đầu.

Dù vậy, một số quan chức Ấn Độ nhận định tiêm kích Rafale đã thể hiện không như kỳ vọng trong các xung đột gần đây. Số khác phàn nàn rằng Dassault không chia sẻ mã nguồn phần mềm của dòng Rafale, khiến Ấn Độ không thể tùy biến phi cơ theo nhu cầu riêng.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho là đã nhận xét tiêu cực về tiêm kích Rafale với khách hàng tiềm năng, đồng thời kêu gọi họ mua chiến đấu cơ do Bắc Kinh sản xuất để thay thế.

Chính phủ Pháp cũng đứng trước áp lực phải giải thích lý do Ấn Độ mất chiến đấu cơ Rafale, đánh dấu lần đầu mẫu tiêm kích này bị hạ trong chiến đấu. Nghị sĩ Pháp Marc Chavent cuối tháng 5 bày tỏ lo ngại hệ thống tác chiến điện tử SPECTRA của Rafale đã không thể phát hiện, gây nhiễu được tên lửa PL-15E.

Giới chức Dassault muốn tìm cách trấn an các khách hàng cũ và tiềm năng, song không thể tự do lên tiếng vì lo ngại làm Ấn Độ nổi giận. Hãng chỉ khẳng định thông tin Pakistan hạ ba chiếc Rafale là sai sự thật và tiêm kích Rafale "vượt trội hơn bất cứ thứ gì mà Trung Quốc sở hữu".

Phạm Giang (Theo Economist)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn