Nhóm GEX 'bung nóc', cổ phiếu Vietjet Air kịch trần, VN-Index vượt đỉnh 1.500

Nhờ sự khởi sắc đồng loạt của các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Gelex, Vingroup và Vietjet Air..., VN-Index bật tăng gần 25 điểm, leo lên vùng 1.509 điểm - mức đỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán phiên 22-7 mở cửa với nhịp rung lắc nhưng nhanh chóng lấy lại đà tăng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong đó, sáu cổ phiếu gồm VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), VCB (Vietcombank), BID (BIDV), HVN (Vietnam Airlines) và VJC (Vietjet Air) đóng góp phần lớn vào đà tăng của chỉ số.
Sau phiên điều chỉnh hôm qua do áp lực chốt lời cùng những thông tin bất lợi về đề xuất thuế, nhóm cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là VHM (+3,26%) và VIC (+3,48%), đã nhanh chóng lấy lại phong độ, góp sức kéo thị trường đi lên.
Nhóm hàng không cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu di chuyển sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm, đặc biệt nhờ mùa cao điểm du lịch và hoạt động thương mại quốc tế sôi động trở lại.
Trong khi HVN tăng gần 5% thì VJC thậm chí tăng kịch trần. Cổ phiếu hãng bay của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ sắc tím ở mức giá 101.700 đồng/đơn vị từ gần cuối phiên sáng cho đến hết giờ giao dịch.
Đáng chú ý, cổ phiếu này tăng trần bất chấp áp lực bán ròng rất lớn từ khối ngoại, khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra khoảng 20 triệu cổ phiếu VJC thông qua giao dịch thỏa thuận, tương đương tổng giá trị gần 1.900 tỉ đồng (khoảng 95.000 đồng/đơn vị).
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Gelex như GEX, GEE, VIX, EIB… hôm nay tiếp tục tăng tốc mạnh về giá. Trong đó GEX, VIX, EIB đều kịch trần.
Một trong những điểm sáng khác trong phiên là nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Đây là nhóm hút dòng tiền mạnh nhất sáng nay khi hàng loạt mã như VIX (+6,99%), SHS (+6,71%), SSI (+1,28%), VCI (+1,85%), VND (+4,4%), HCM (+3,06%)… tăng giá kèm thanh khoản cao.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tích cực cũng tăng tốc về thị giá, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư tới nhóm doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt trong mùa báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, toàn thị trường vẫn ghi nhận sự phân hóa rõ rệt khi chỉ có 7 trong số 19 nhóm ngành cấp 2 tăng điểm, còn lại chủ yếu giảm.
Các nhóm giảm gồm tiện ích, dịch vụ viễn thông, phần cứng và thiết bị, thực phẩm, thiết bị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, năng lượng, dịch vụ tiêu dùng…
Hầu hết những nhóm ngành này có thanh khoản thấp hơn hoặc tương đương mức trung bình 5 phiên gần nhất, cho thấy dòng tiền đang tập trung vào một số nhóm dẫn dắt thay vì lan tỏa toàn thị trường.