Nhà chồng luôn mong tôi làm ít đi, 'kiếm tiền nhiều làm gì'

Tôi cần làm việc để sống, nhưng chồng lại muốn tôi về quê theo đúng nhịp hiếu đạo. Tôi 32 tuổi, chồng 30. Sau khi cưới, chúng tôi sống xa nhau vì công việc, mỗi tháng chồng chỉ được về hai lần, mỗi lần tầm bốn ngày. Kinh tế gia đình chưa có tích lũy gì đáng kể, nếu chỉ trông vào phần tiết kiệm của chồng thì có lẽ 10 năm nữa cũng chưa xây nổi nhà. Vì vậy, tôi là người gánh phần lớn gánh nặng tài chính. Công việc của tôi có thu nhập dao động từ 30 đến 60 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bảo hiểm hay tiền thưởng, đi kèm là áp lực rất lớn.
Thường mỗi ngày tôi phải làm việc từ 9 tiếng trở lên, chưa kể mỗi tuần phải bắt xe đi tỉnh hai lần, di chuyển vất vả hàng giờ. Trong khi đó, tôi lại đang mắc một số bệnh phụ nữ, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, cần thời gian nghỉ ngơi, tập tành, ăn uống điều độ để cải thiện sức khỏe và hy vọng có con. Chồng tôi rất có hiếu với nhà nội. Từ ngày cưới đến nay, tháng nào anh cũng về nhà cha mẹ, có khi trùng vào dịp giỗ chạp, khi thì có bác họ đau ốm, mất mát, khi lại đi lo mồ mả cho các cụ bên ngoại. Mỗi lần như vậy, anh đều muốn tôi theo về, dù tôi bận công việc hay mệt mỏi vì sức khỏe kém. Ban đầu tôi vẫn cố gắng đi cùng, dần dần không kham nổi nữa.
Ở quê, điều kiện sinh hoạt không phù hợp khiến tôi không thể duy trì chế độ tập luyện, ăn uống, chưa kể môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, nhiều muỗi, nhiều ruồi... khiến tôi dễ đuối sức. Vì vậy, tôi đề xuất chỉ về nhà chồng hai tháng một lần. Điều này khiến chồng không hài lòng, mẹ tôi cũng khuyên hai vợ chồng nên nhường nhịn nhau. Nhưng thực lòng, tôi đã quá mệt. Ngoài sức ép công việc và sức khỏe, tôi còn phải giải thích liên tục với chồng và gia đình chồng vì sao không thể về quê thường xuyên, vì sao về rồi lại không thể lo hết việc nhà. Có lần tôi đang làm deadline, vẫn phải bỏ dở để đi thăm họ hàng.
Về đến quê, dù mọi người không nói ra nhưng tôi vẫn cảm thấy ái ngại vì mình "về mà không giúp được gì". Tôi biết nhà chồng thương vợ chồng tôi, đã tặng chồng một mảnh đất trị giá lớn. Thế nhưng quê chồng còn nhiều tư duy bó hẹp, nhà chồng cũng nghèo nên xác định sau này không thể hỗ trợ tài chính cho chúng tôi (mảnh đất bố mẹ chồng mua từ hồi chỉ vài chục triệu đồng). Tôi vẫn hy vọng sau này có thể xây nhà ở thành phố để con cái có môi trường học tập tốt hơn. Trong khi đó, gia đình chồng lại mong tôi làm ít đi, học nữ công gia chánh, thậm chí từng hỏi: "Kiếm tiền nhiều để làm gì"?
Năm nay riêng tiền lì xì bên nội đã ngốn hơn 7,5 triệu đồng, cộng thêm tiền mừng tuổi bố mẹ, anh chị em, cháu ruột cả hai bên gần 30 triệu đồng. Anh rất có hiếu nên muốn mừng nhiều và tôi ủng hộ việc mừng bố mẹ, nhưng đã góp ý là mừng các cô chú rồi cháu họ xa mà lên tới gần chục triệu đồng là quá nhiều. Chưa kể các khoản đột xuất lúc vài trăm, lúc tiền triệu. Thêm nữa, mỗi tháng, hai vợ chồng đều đặn gửi báo hiếu mỗi bên hai triệu đồng. Tôi không hề phàn nàn chuyện phải báo hiếu hay chia sẻ trách nhiệm với gia đình hai bên. Tôi chỉ mong được yên ổn làm việc để tích lũy dần cho tương lai.
Công việc hiện tại là thành quả của gần 10 năm nỗ lực không ngày nghỉ. Trước đây, tôi bị từ chối vì ngoại hình bình thường, sức khỏe yếu, thẳng tính. Có sếp phỏng vấn nói thẳng: "Cỡ em thì giỏi lắm cũng chỉ được vài triệu đồng tiền lương, không thất nghiệp là may rồi". Nếu tôi bỏ việc bây giờ, không chắc mình có thể quay lại được nữa. Chồng vẫn mong tôi "làm bớt đi", dù thực tế mỗi lần anh về cũng trúng lúc tôi bận nhất. Tôi có nghỉ bớt cũng không khiến hai vợ chồng gần nhau hơn, vì lịch làm việc vẫn lệch nhau. Trong khi đó, nếu làm ít đi thật, tôi có thể bị tụt lại và mất năng lực cạnh tranh, bị mất việc. Tôi không oán trách ai. Chỉ là đến lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy đang bị mắc kẹt giữa ba chữ: hiếu, tình, sinh tồn. Rất mong được lắng nghe những chia sẻ chân thành và đa chiều từ mọi người.
Hồng Thanh