Người không mắc bệnh tiểu đường có cần theo dõi đường huyết?

Việc theo dõi đường huyết không còn chỉ dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường.
Ngày càng có nhiều người khỏe mạnh tìm đến thiết bị đo đường huyết liên tục (CGM) với mong muốn kiểm soát sức khỏe, phòng ngừa bệnh mạn tính hoặc cải thiện hiệu suất thể chất, theo trang sức khỏe Everyday Health.
Lợi ích khi theo dõi đường huyết liên tục
CGM là thiết bị giúp người dùng nhìn thấy biến động đường huyết liên tục trong ngày. Với người không mắc tiểu đường, tác dụng rõ ràng nhất của thiết bị là cung cấp phản hồi tức thì về ảnh hưởng của thức ăn, vận động, giấc ngủ hoặc căng thẳng lên đường huyết.
Việc tận mắt chứng kiến đường huyết tăng nhanh sau bữa ăn giàu tinh bột hoặc giữ ổn định sau một buổi tập thể dục giúp người dùng hiểu rõ hơn tác động của thói quen sống.
Ông Jay Lusk, chuyên gia y tế tại Đại học North Carolina (Mỹ), cho rằng việc thấy chỉ số thay đổi trực tiếp có thể khiến người dùng thay đổi cách sống.
Cụ thể, Diana Isaacs, dược sĩ tại Mỹ, nhận định, khi người dùng trực tiếp chứng kiến việc ăn trứng luộc không làm tăng đường huyết mạnh như ngũ cốc, họ dễ thay đổi chế độ ăn hơn là khi chỉ nghe tư vấn lý thuyết.
Do đó, việc theo dõi đường huyết liên tục có thể giúp người khỏe mạnh kiểm soát lượng glucose trong máu tốt hơn, từ đó làm chậm hoặc ngăn ngừa nguy cơ kháng insulin, tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2.
Những người nên theo dõi đường huyết thường xuyên
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, người thừa cân hoặc bị gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa, phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ nên sử dụng CGM. Với họ, việc phát hiện sớm các biến động đường huyết bất thường có thể giúp trì hoãn hoặc phòng ngừa bệnh lý phát triển.
Việc sử dụng thiết bị theo chu kỳ ngắn từ vài ngày đến một tuần để theo dõi phản ứng với chế độ ăn hoặc tập luyện, sau đó ngừng và quay lại sau một vài tháng là cách tiếp cận linh hoạt, tiết kiệm chi phí và vẫn mang lại giá trị cho người sử dụng.