Nghiên cứu hơn 120.000 người của ĐH Harvard phát hiện 3 thói quen giúp sống thọ hơn cả chạy bộ nhưng thường bị bỏ qua: Điều thứ 3 làm càng sớm càng tốt

Việc bắt đầu thay đổi từ những thói quen nhỏ hàng ngày có thể giúp chúng ta tăng cường tuổi thọ không kém gì tập luyện thể thao.
Chạy bộ từ lâu đã được xem là phương pháp luyện tập lý tưởng giúp duy trì vóc dáng, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, có 3 thói quen đơn giản trong cuộc sống hàng ngày có thể mang lại hiệu quả sống thọ thậm chí còn vượt trội hơn cả chạy bộ nhưng thường bị mọi người coi nhẹ.
Kết quả phân tích dữ liệu từ hơn 120.000 người tham gia khảo sát cho thấy, chỉ cần thay đổi những hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt, mỗi người hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể chất lượng sống và tuổi thọ của mình mà không nhất thiết phải luyện tập thể lực cường độ cao.
1. Vận động, nhưng không nhất thiết phải chạy bộ
Tập thể dục không đồng nghĩa với việc phải chạy bộ mỗi ngày. Thực tế, các hình thức vận động nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, đạp xe, khiêu vũ hay đơn giản là đứng dậy đi lại trong lúc làm việc cũng đem lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến nghị, chỉ cần 150 phút vận động cường độ vừa phải mỗi tuần, tương đương khoảng 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày là đã đủ để hỗ trợ kéo dài tuổi thọ và tăng cường thể chất.
Bạn không cần tạo áp lực quá nhiều về việc tập thể dục. Chẳng hạn, trong lúc làm việc căng thẳng, chúng ta chỉ cần đứng lên đi bộ tại chỗ 10 phút cũng có thể giúp não bộ tỉnh táo hơn, giải tỏa mệt mỏi. Thay vì ngồi liên tục nhiều giờ, hãy thử chia nhỏ thời gian vận động thành mỗi giờ một vài phút đi lại. Cách làm này không chỉ giúp cơ thể ít bị mỏi mà còn tăng hiệu suất công việc đáng kể.
2. Ăn uống lành mạnh và điều độ
Nhiều người nghĩ rằng thay đổi chế độ ăn uống đồng nghĩa với việc phải áp dụng những thực đơn nghiêm ngặt hay công thức dinh dưỡng phức tạp. Tuy nhiên, theo Đại học Harvard, cốt lõi của một chế độ ăn giúp sống thọ lại rất đơn giản: ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, bổ sung đạm chất lượng cao và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và các vấn đề sức khỏe mãn tính khác.
Một ví dụ thực tế là trường hợp của một lập trình viên tại một công ty công nghệ lớn. Trước đây, anh thường xuyên đặt đồ ăn sẵn do công việc bận rộn, dẫn đến nhiều chỉ số sức khỏe ở mức báo động. Sau khi tự thay đổi lối sống, tự nấu ăn tại nhà và duy trì khẩu phần gồm rau xanh, đạm tốt và ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày, người đàn ông này không chỉ cải thiện được thể trạng và tinh thần mà còn giảm cân một cách ổn định mà không phải ăn kiêng cực đoan.
3. Bỏ thuốc lá – càng sớm càng tốt
Dù không phải ai cũng hút thuốc, nhưng nhiều người vẫn bỏ qua tác hại của thuốc lá và trì hoãn việc bỏ thuốc. Nhiều người cho rằng, sau nhiều năm hút thuốc, việc bỏ thuốc ở tuổi trung niên là "quá muộn" để có ích. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Harvard đã chứng minh ngược lại.
Theo dữ liệu khảo sát, những người bỏ thuốc lá ở tuổi 35 có thể kéo dài tuổi thọ trung bình thêm 7 đến 8 năm. Ngay cả khi từ bỏ ở tuổi 65, cơ thể vẫn nhận được những cải thiện rõ rệt về sức khỏe. Các chuyên gia nhấn mạnh: không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc, điều quan trọng là bạn phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
Vì sao ba thói quen này hiệu quả hơn cả chạy bộ?
Câu trả lời nằm ở sự dễ duy trì và tính thực tiễn. Trong khi chạy bộ mỗi ngày có thể là thử thách với nhiều người do thiếu thời gian hoặc sức bền, thì việc thay đổi chế độ ăn, vận động nhẹ nhàng và bỏ thuốc lại là những hành vi dễ tiếp cận, ít áp lực và phù hợp với hầu hết mọi đối tượng.
Ngoài ra, ba thói quen này còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền tích cực. Khi bạn bắt đầu ăn uống lành mạnh, cơ thể sẽ nhẹ nhàng hơn, giúp bạn vận động dễ dàng hơn. Sau khi cải thiện thể lực, tinh thần cũng trở nên lạc quan, giúp duy trì các thói quen tốt khác một cách tự nhiên.
Tiến sĩ Meir Stampfer, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard, nhấn mạnh: "Chính vì những thay đổi này đơn giản và dễ thực hiện nên chúng có tác động sâu rộng đến tuổi thọ. Điều quan trọng không phải là làm điều gì quá to tát, mà là bắt đầu từ những điều nhỏ nhất nhưng đúng đắn."
(Tổng hợp)