Ngân hàng cảnh báo chiêu thức chiếm đoạt tiền mới, người dân tuyệt đối không làm những điều sau!

Các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân.
Thủ đoạn lừa đảo đổi quà
Mới đây nhất, Vietcombank vừa phát đi cảnh báo cho hay, trong vài ngày vừa qua, ngân hàng này nhận được phản ánh của khách hàng về việc có tin nhắn thông báo điểm thưởng hết hạn và hướng dẫn đổi quà theo đường link đính kèm.
Những đường link được kẻ gian sử dụng có hình thức gần giống tên miền chính thức như:
vietcomm.top
vieetcom.top
viettcamd.top
vnviettcad.top
vietcommbank.top...
tạo cảm giác tin tưởng đối với khách hàng thiếu cảnh giác.
Khi truy cập vào các liên kết giả mạo này, người dùng sẽ được điều hướng tới một website giả lập giao diện Vietcombank, sau đó bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân dưới danh nghĩa để nhận hoàn tiền hoặc quà tặng
Nếu khách hàng nhập các thông tin cá nhân, số thẻ, mã OTP, kẻ gian có thể lấy cắp thông tin để chi tiêu hoặc liên kết thẻ của khách hàng với thiết bị di động của chúng, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ.
Đây là thủ đoạn lừa đảo, giả mạo tin nhắn thương hiệu đã được cơ quan chức năng và Vietcombank cảnh báo.
Vì vậy Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, dưới mọi hình thức.
Khách hàng cũng tuyệt đối không nên truy cập vào các đường link lạ được gửi qua thư điện tử, tin nhắn hoặc mạng xã hội. Vietcombank không gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường link tới khách hàng.
Nếu đã nhập thông tin vào website giả mạo, khách hàng cần thực hiện khóa thẻ khẩn cấp, theo báo Đầu tư.
Lừa đảo mùa du lịch và giả nhân viên giao hàng
Ngoài ra, SeABank cũng vừa cảnh báo thủ đoạn lừa đặt phòng khách sạn trong mùa du lịch. Lợi dụng tâm lý tiết kiệm trong mùa du lịch, kẻ gian lập fanpage giả mạo có tích xanh, sử dụng tên, logo, hình ảnh giống với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng và homestay; giả danh nhân viên công ty du lịch để tung ra các gói combo du lịch, combo phòng khách sạn với mức giá ưu đãi.
Một thủ đoạn khác là nắm bắt thói quen mua sắm qua mạng, đối tượng giả danh nhân viên giao hàng liên hệ giao hàng và yêu cầu thanh toán đơn hàng vào số tài khoản được cung cấp.
"Sau khi tiếp cận, lấy được niềm tin từ nạn nhân, kẻ gian liên tục gọi điện thúc giục nạn nhân chuyển tiền hoặc truy cập vào link để giữ giá ưu đãi. Các link thường chứa mã độc nhằm chiếm quyền sử dụng thiết bị, lấy thông tin bảo mật liên quan đến dịch vụ ngân hàng, chiếm đoạt tiền" – SeABank khuyến cáo.
Gia tăng giải pháp ngăn lừa đảo
Trước tình trạng này, các ngân hàng khuyến cáo người dùng không cung cấp thông tin bảo mật như mã OTP, thông tin thẻ cho bất kỳ ai và không truy cập vào các đường link lạ.
Song song đó, nhiều ngân hàng cũng đang triển khai các biện pháp công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro lừa đảo.
Cụ thể, Agribank vừa tích hợp công cụ cảnh báo tài khoản đáng ngờ ngay trong nền tảng Agribank Plus. Khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận, hệ thống sẽ tự động đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và nội bộ để cảnh báo nếu tài khoản thuộc diện nghi vấn.
Tương tự, MB Bank cũng bổ sung tính năng "Khiên thép" trên ứng dụng, giúp quét và phát hiện tài khoản thụ hưởng có dấu hiệu bất thường, ví dụ như sai lệch dữ liệu dân cư hoặc liên quan đến danh sách cảnh báo.
Theo báo Người Lao Động, Ngân hàng Nhà nước đã thu thập hơn 350.000 tài khoản nghi ngờ lừa đảo từ các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng. Kho dữ liệu này sẽ được chia sẻ lại cho các ngân hàng theo cơ chế "cùng gửi, cùng nhận". Đây được xem là một bước quan trọng trong việc hình thành hệ thống phòng ngừa và phát hiện rủi ro tập trung trong toàn ngành ngân hàng.