Nhảy đến nội dung
 

Nền kinh tế số 4 châu Á thoát suy thoái kỹ thuật, GDP quý 2 vượt dự báo: Đà tăng trưởng liệu có kéo dài?

Con số này cao hơn mức dự đoán 0,5% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng 0,6% so với quý trước, vượt mức dự báo 0,5% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò. Trước đó, kinh tế nước này đã giảm 0,2% trong quý 1.

So với cùng kỳ năm 2024, GDP quý 2 tăng 0,5%, cải thiện rõ rệt so với mức tăng trưởng 0% trong quý đầu năm và cao hơn mức dự báo 0,4% của Reuters.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã tăng mạnh trong quý 2, tăng 4,2% so với quý trước. Động lực chủ yếu đến từ các mặt hàng như chất bán dẫn, sản phẩm dầu mỏ và hóa chất.

Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á Louise Loo của Oxford Economics nhận định: “Xuất khẩu ròng là động lực tăng trưởng chính”. Bà lưu ý rằng khối lượng xuất khẩu tăng nhanh nhất kể từ quý 3/2020. Các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước nguy cơ chính sách thương mại của Mỹ thay đổi, đặc biệt là về thuế quan.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế thị trường Shivaan Tandon tại Capital Economics cảnh báo rằng các lĩnh vực đối ngoại như thương mại của Hàn Quốc có thể gặp khó khăn trong thời gian tới do tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại dưới áp lực thuế quan.

Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nếu thất bại, các mặt hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Mỹ có thể phải chịu mức thuế 25% từ ngày 1/8.

Theo Reuters, cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc với Mỹ đã bị hủy sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bị trùng lịch trình. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết ông Bessent sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Koo Yun-cheol “trong thời gian sớm nhất”.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 44% GDP của Hàn Quốc trong năm 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước này.

Sức cầu nội địa phục hồi nhẹ

Về phía nội địa, tổng tiêu dùng (bao gồm chi tiêu cá nhân và chi tiêu chính phủ) tăng 0,7% so với quý trước, phục hồi đáng kể so với mức giảm 0,1% của quý 1.

Chi tiêu của chính phủ tăng 1,2% nhờ gia tăng trợ cấp y tế. Chi tiêu cá nhân tăng 0,5%, được thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm ô tô và chi tiêu cho các hoạt động giải trí, thể thao.

Bà Louise Loo của Oxford Economics cho biết, tuy nhu cầu nội địa đã phục hồi nhờ tác động của gói ngân sách bổ sung, song mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân vẫn bị lấn át bởi sự suy giảm trong đầu tư xây dựng và thiết bị.

Ông Tandon cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng "đà tăng trưởng hiện tại khó có thể kéo dài”.

Mặc dù chi tiêu của chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, song tác động tích cực từ phía chính phủ có thể bị triệt tiêu bởi những lực cản khác.

Trong bối cảnh này, Oxford Economics dự báo GDP Hàn Quốc năm 2025 chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều có thể khiến BOK cân nhắc cắt giảm lãi suất.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất vào ngày 10/7, BOK quyết định giữ nguyên lãi suất với lý do ưu tiên ổn định tài chính.

Tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 6 ở mức 2,2%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mục tiêu 2% của BOK.

Theo CNBC

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn