Nhảy đến nội dung
 

Mỹ - Trung trên 'mặt trận tư tưởng' về Biển Đông

Trong lúc Mỹ cắt giảm ngân sách dẫn đến việc giảm bớt số chuyên gia về Biển Đông, thì Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở nghiên cứu chuyên về khu vực này.

Mới đây, truyền thông Mỹ đưa tin Bộ Ngoại giao nước này cắt giảm hơn 1.300 vị trí công việc, trong đó bao gồm các chuyên gia về Biển Đông.

Động thái bất nhất của Washington ?

Theo tờ The Washington Post, việc tái tổ chức Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong tháng này đã cắt giảm nhân sự và các văn phòng vốn đóng vai trò tham mưu cho các phản ứng ngoại giao của Washington đối với hành động của Bắc Kinh ở châu Á, trong đó bao gồm cả nỗ lực cạnh tranh công nghệ giữa hai bên.

Giải thích cho quyết định trên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các chức năng quan trọng sẽ được tích hợp ở những nơi khác trong bộ. Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng cơ quan này nhiều văn phòng (trong số bị cắt giảm) đã "phục vụ một mục đích lỗi thời, đã đi chệch khỏi mục đích ban đầu của chúng hoặc chỉ đơn giản là trùng lặp".

Nhưng các quan chức và nhân viên hiện tại lẫn trước đây ở các bộ phận của Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại quyết định trên, loại bỏ nhiều nhân viên công chức có nhiều năm chuyên môn, sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trong số các văn phòng bị cắt giảm có Văn phòng Các vấn đề đa phương thuộc Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Đây là cơ quan tham mưu cho hoạt động của Mỹ về Đông Nam Á và điều phối phản ứng ngoại giao đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đội ngũ nhân sự của đơn vị vừa nêu được đánh giá đóng vai trò quan trọng cho nhận thức, tư tưởng chính sách của Mỹ đối với Biển Đông.

Tương tự, Văn phòng An ninh và các vấn đề xuyên quốc gia thuộc Cục Các vấn đề Nam và Trung Á cũng bị đóng cửa. Hằng năm, văn phòng này phụ trách các chương trình có giá trị lên đến hàng trăm triệu USD để hỗ trợ nước ngoài và tham vấn chuyên môn các vấn đề về công nghệ, an ninh liên quan "Bộ tứ" (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ).

Vì thế, một số chuyên gia cho rằng Mỹ đã bất nhất trong chính sách đối phó với Trung Quốc khi một mặt vẫn khẳng định chú trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng mặt khác lại cắt giảm nhân sự có chuyên môn về Trung Quốc. Trong khi đó, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản bác các chỉ trích vừa nêu. Vị này cho rằng lẽ ra cần cắt giảm sớm hơn, vì nếu tính cả Văn phòng Các vấn đề đa phương thuộc Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, thì Bộ Ngoại giao Mỹ đang có đến 3 văn phòng khác nhau tham gia xử lý các vấn đề về Biển Đông.

Chiến lược của Bắc Kinh

Trong khi đó, Trung Quốc thời gian qua không ngừng mở rộng các trung tâm nghiên cứu, tư vấn chính sách (tạm gọi là thinktank) chuyên nghiên cứu về Biển Đông và liên tục thúc đẩy sự ảnh hưởng của các đơn vị này.

Theo một phân tích mới đây của hai chuyên gia Mỹ là James Borton và Sherry Chen trên tờ Nikkei Asia, các tổ chức như Viện Grandview, Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS), Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia (NISCSS), Trung tâm nghiên cứu quản lý đại dương và hợp tác hàng hải Hoa Dương, và Viện Charhar không chỉ là những "tay chân" phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà còn tham gia vào việc xây dựng, "đóng khung" và xuất khẩu chính sách đối ngoại. Nhiệm vụ của các tổ chức trên là đưa ra nghiên cứu nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc là có cơ sở pháp lý, hợp lý về mặt lịch sử và về cơ bản ổn định.

Không giống như các đối tác phương Tây, thường đóng vai trò là những nhà phê bình chính sách độc lập, các viện nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc hoạt động như một phần mở rộng của nhà nước. Các tổ chức như CIIS được điều hành trực tiếp bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong khi NISCSS hoạt động dưới ảnh hưởng của cơ quan liên quan hải cảnh. Ngay cả các nhóm độc lập như Viện Grandview và Trung tâm nghiên cứu Hoa Dương cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tuyên giáo của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thực tế, như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, các thinktank trên thường xuyên đưa ra phân tích, đánh giá sai lệch về tình hình Biển Đông. Các thinktank vừa nêu của Trung Quốc còn đẩy mạnh tuyển dụng chuyên gia quốc tế, rồi tận dụng số chuyên gia này nhằm tăng tính "khách quan" khi thực hiện các chương trình tuyên truyền sai sự thật về Biển Đông.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn thông qua mạng lưới khác để xây dựng cả các thinktank ở ngoài đại lục. Điển hình, sau khi rời khỏi vị trí Đặc khu trưởng Hồng Kông (tại vị từ 1997 - 2005), tỉ phú Đổng Kiến Hoa từ năm 2007 đã chi tiền thành lập China-US Exchange Foundation (CUSEF, Quỹ trao đổi Mỹ - Trung) có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông, nhưng lại có nhiều hoạt động nghiên cứu với một số tổ chức tại Mỹ. Theo báo cáo từ Quỹ Jamestown (Mỹ), chuyên nghiên cứu và phân tích chính sách quốc tế, CUSEF là một phần trong các chương trình giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng lên cộng đồng quốc tế, thông qua các hoạt động nghiên cứu, nhằm phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Trong đó có vấn đề Biển Đông.

CUSEF tổ chức chuyên san trực tuyến mang tên China-US Focus chuyên đăng tải các bài phân tích về quan hệ quốc tế, trong đó có nhiều bài viết mang nội dung sai trái về Biển Đông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa ra nhiều khoản tài trợ nhằm gây ảnh hưởng đối với các thinktank độc lập tại phương Tây.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì nhiều thinktank của Mỹ và nhiều nước vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến các vấn đề quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Nhưng chưa rõ sự thay đổi trong ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ có gây ảnh hưởng lên nguồn tài trợ cho các thinktank ở nước này hay không. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn