Mỹ bất ngờ rút khỏi UNESCO

Hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) một lần nữa.
![]() |
Logo của UNESCO tại trụ sở chính ở Paris, Pháp vào năm 2017. Ảnh: Reuters. |
“UNESCO thúc đẩy những mục tiêu xã hội và văn hóa gây chia rẽ, đồng thời quá tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, một chương trình nghị sự toàn cầu, mang tính ý thức hệ về phát triển quốc tế trái ngược với chính sách đối ngoại ‘Nước Mỹ trên hết' của chúng tôi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết.
Động thái này là đòn giáng mạnh vào tổ chức toàn cầu có trụ sở tại Paris, được thành lập sau Thế chiến thứ hai nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa, theo Guardian.
Quyết định này là một phần trong kế hoạch nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa Mỹ rút khỏi hàng loạt tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12/2026, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức này. Tuy nhiên, các quan chức tại trụ sở UNESCO ở Paris đã chuẩn bị tâm lý cho khả năng Mỹ rút lui nếu ông Trump tái đắc cử.
Mỹ hiện đóng góp khoảng 8% ngân sách của UNESCO, nên tác động tài chính sẽ không nghiêm trọng bằng việc Mỹ rút khỏi các tổ chức khác như WHO - nơi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất.
“Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi UNESCO - tổ chức ủng hộ các mục tiêu văn hóa và xã hội gây chia rẽ, hoàn toàn không phù hợp với chính sách hợp lý mà người dân Mỹ đã bỏ phiếu vào tháng 11”, phó phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly nói với báo New York Post.
Hồi tháng 2, Nhà Trắng đã công bố một cuộc rà soát kéo dài 90 ngày về tư cách thành viên UNESCO của Mỹ, với lý do tổ chức này “không cải tổ được chính mình, thể hiện thái độ bài Israel trong suốt thập kỷ qua và không giải quyết các lo ngại về khoản nợ ngày càng lớn”.
UNESCO được biết đến nhiều với việc công nhận các Di sản Thế giới, bao gồm hẻm núi Grand Canyon (Mỹ) và thành cổ Palmyra (Syria). Ngoài ra, UNESCO còn có nhiều chương trình văn hóa và giáo dục nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa.
Mỹ là thành viên sáng lập UNESCO từ năm 1945, nhưng đây sẽ là lần thứ 3 Washington rút khỏi tổ chức này.
Lần đầu, Mỹ rút khỏi UNESCO năm 1983 dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan, với lý do tổ chức này có thiên kiến chống phương Tây và “chính trị hóa hầu hết vấn đề mà nó xử lý”. Mỹ quay lại năm 2003 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, sau khi Washington cho rằng UNESCO đã tiến hành cải cách cần thiết.
Tới năm 2017, ông Trump một lần nữa rút Mỹ khỏi UNESCO trong nhiệm kỳ đầu, với lý do “nợ tồn đọng ngày càng tăng, cần cải tổ căn bản và thiên kiến chống Israel vẫn tiếp diễn”.
Năm 2023, Mỹ gia nhập lại UNESCO dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.