Nhảy đến nội dung
 

Lũ về bất thường, người dân Hà Tĩnh thiệt hại nặng

Mưa lớn bắt đầu trút xuống tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào đêm 24.5 và kéo dài đến rạng sáng hôm sau. Trận lũ lụt bất thường xảy ra ngay đầu mùa hè khiến người dân bị thiệt hại nặng.

Lũ lên quá đột ngột

8 giờ sáng 25.5, ông Võ Tá Ới (61 tuổi, ngụ tại thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đứng giữa sân nhà, hì hục cào đống lúa vừa gặt bị chìm trong nước lũ vun lại thành đống. 

Ông lắc đầu bảo: "Lúa gặt đưa về đến tận nhà rồi mà còn bị ướt thế này thì vụ mùa năm nay coi như mất trắng".

Vụ xuân năm nay, gia đình ông Ới trồng gần 8 sào lúa. Mấy ngày nay, nghe đài báo chuẩn bị có mưa to nên vợ chồng ông tranh thủ ra đồng để thu hoạch. Cứ tưởng "xanh nhà hơn già đồng", ai ngờ hơn 1,5 tấn lúa vừa gặt để ngoài sân nhà không kịp thu dọn bị nước lũ tràn vào, nhấn chìm toàn bộ.

"Đêm 24.5, trên địa bàn xã có mưa to đến rất to. Mưa lớn dồn dập kéo dài đến rạng sáng hôm sau nên nước lũ dâng đột ngột. Khi phát hiện mưa ào ào trút xuống, vợ chồng tôi thức dậy thì đã thấy nước tràn vào sân, không kịp đưa lúa lên cao. Bà con cũng chẳng ai ngờ được mới đầu mùa hè lại xảy ra ngập lụt", ông Ới lắc đầu ngao ngán.

Theo ông Ới, thôn Tân Mỹ nằm ở vùng trũng thấp của hạ du hồ Kẻ Gỗ, hầu như năm nào cũng bị ngập lụt. Tuy nhiên, lũ lụt chỉ xảy ra chỉ từ tháng 8 trở đi và bà con đều chủ động kê dọn đồ đạc lên cao vào mùa mưa lũ. Riêng trận lũ lụt năm nay đến sớm, xảy ra là rất bất thường khiến người dân không kịp trở tay.

Năm nay đã 70 tuổi, bà Dương Thị Vân (ngụ tại thôn Tân Mỹ) nói rằng sống ở đây đã lâu nhưng chưa khi nào chứng kiến trận lụt xảy ra vào tháng 5. Mặc dù đã nghe tin dự báo thời tiết là có mưa lớn xảy ra, nhưng bà không thể ngờ được lượng mưa lại lớn đến thế.

"Đêm 24.5, mưa như trút, ào ào đổ xuống. Rạng sáng hôm sau, vợ chồng tôi thức dậy thì nước đã tràn vào nhà, ngập gần đến giường ngủ. Tôi và chồng đều rất hốt hoảng vì nhà bị nước lũ bao vây, đồ đạc trong nhà đều ngâm trong nước lũ. May mà con trai ở gần đó, đưa thuyền đến chở vợ chồng tôi ra ngoài. Nhà tôi có hơn 1 tấn lúa vừa gặt để trong nhà, thứ thì bị ngập, thứ bị cuốn trôi. Mấy chục con gà trong chuồng cũng bị chết. Lũ lên nhanh quá không ai làm chi được", bà Vân than thở.

Ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, khẳng định trận lũ lụt xảy ra tại địa phương là chưa từng có trong tiền lệ, đến những cụ già nay gần 100 tuổi cũng chưa chứng kiến trận mưa lũ nào xảy ra trong tháng 5.

"Đáng nói hơn, trên địa bàn xã có thôn Tân Duệ và thôn Quang Trung nằm ở khu vực cạnh đồi núi, cao ráo nên chưa bao giờ bị nước lũ tràn vào nhà. Nhưng trận mưa lớn này đã gây ra lũ quét, khiến nhiều nhà dân bị nước lũ kéo theo bùn đất đổ vào, chôn vùi và cuốn trôi đi nhiều tài sản. 

Qua thống kê ban đầu, mưa lũ khiến hàng trăm tấn lúa của người dân trên địa bàn xã bị ướt, nhiều gia cầm bị cuốn trôi", ông Kỷ chia sẻ.

Khẩn trương giúp dân khắc phục

Theo báo cáo nhanh của UBND H.Cẩm Xuyên, mưa lớn kéo dài từ chiều tối 24.5 đến rạng sáng 25.5 khiến nhiều địa bàn bị ngập sâu, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. 

Toàn huyện có hơn 690 ha lúa bị ngập úng, hơn 1.899 tấn thóc bị ướt và cuốn trôi, tập trung ở các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Thạch, Cẩm Hà, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Minh và TT.Cẩm Xuyên.

Thiệt hại về chăn nuôi đặc biệt lớn, với 11.927 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Bên cạnh đó, mưa lũ còn gây hư hỏng 110 m tường rào, làm ướt 11 tấn phân bón, cùng nhiều xe máy, máy móc và thiết bị điện tử bị ngập nước, hư hỏng.

Chiều 25.5, ông Nguyễn Duy Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại H.Cẩm Xuyên. Qua kiểm tra, ông Lâm đánh giá đây là trận mưa lớn bất thường, chưa từng có vào tháng 5 trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài H.Cẩm Xuyên thì một số địa phương khác trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nặng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị H.Cẩm Xuyên chủ động rà soát, kiểm tra các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo quân đội và các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

"Địa phương cần thống kê số lượng lúa đã gặt bị ngập úng, đồng thời liên hệ ngay với các chủ máy sấy để ưu tiên sấy lúa cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Sau khi nước rút, phải chỉ đạo thu hoạch dứt điểm diện tích lúa còn lại ngoài đồng đảm bảo an toàn. Mục tiêu là phải hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra đối với sản xuất lúa xuân và đời sống dân sinh", ông Lâm yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh giao H.Cẩm Xuyên chỉ đạo trung tâm y tế huyện triển khai các giải pháp tiêu độc khử trùng sau mưa lũ, tránh để dịch bệnh bùng phát.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn