Lợi dụng sắp xếp đơn vị hành chính để đổ thải, san gạt chóng vánh đất nông nghiệp

Ghi nhận cho thấy lợi dụng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều ngày trong tháng 5-2025 hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, ao cá ở Hà Nội đã nhanh chóng bị đổ thải, san lấp.
Nơi bị đổ phế thải trong suốt nhiều ngày nằm cạnh đường Phạm Tu và đường Quang Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngày 4-6 lãnh đạo UBND xã Thanh Liệt cho hay qua kiểm tra có hiện tượng đổ thải ở khu vực đất nông nghiệp như phóng viên Tuổi Trẻ phản ánh.
Ồ ạt san gạt đất nông nghiệp "như chốn không người"
Đường Phạm Tu nối quận Hà Đông và huyện Thanh Trì với quận Hoàng Mai hàng ngày có rất đông phương tiện qua lại nhưng giữa ban ngày những chiếc xe tải chở đầy phế thải từ nhiều nơi vẫn ngang nhiên đổ thải vào khu đất nông nghiệp.
"Tôi thấy ôtô chở đầy phế thải đổ xuống san lấp ao cá, khu đất nông nghiệp nhưng không có ai ngăn chặn. Không chỉ phế thải mà còn có cả rác thải nữa nên người dân rất lo sợ sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước ở khu vực này", ông Hiến (ở xã Thanh Liệt) nói.
Chiều 18-5, chiếc xe tải mang BKS 29K.112... chở đầy phế thải nhanh chóng di chuyển đến khu đất ở phía sau số 88 Phạm Tu đổ thải. Chiếc xe vừa rời đi thì một số người khác túc trực cạnh đó lại gần nhặt nhạnh sắt vụn, san gạt phế thải. Một ngày sau (chiều 19-5), chiếc xe tải này tiếp tục chở phế thải san lấp đất nông nghiệp.
Đến này 23-5, xe tải mang BKS 29S.789…, BKS 29K.112… chở theo phế thải từ hướng Bệnh viện K Tân Triều (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) tiếp tục đổ thải xuống khu đất nông nghiệp ở đường Phạm Tu.
Sau nhiều ngày đổ thải, đến sáng 31-5 những khu đất nông nghiệp nhanh chóng được máy múc, máy ủi san gạt tạo mặt bằng. Nhìn từ trên cao hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đã bị san phẳng, quây tôn không khác gì một công trường xây dựng.
Chính quyền địa phương nói gì?
Ngày 4-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trình Quốc Thắng - chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết sau khi làm việc với phóng viên xã đã cho cán bộ đi kiểm tra, yêu cầu đình chỉ khu vực đã san lấp, nghiêm cấm không được tái diễn đổ phế thải.
Theo ông Thắng, để xử lý những vi phạm nói trên phải lập hồ sơ các trường hợp vi phạm, diện tích bị san lấp. "Ghi nhận thực tế có đổ ở đấy. Phải lập hồ sơ để xem chủ vi phạm là ai rồi mới lập biên bản hiện trạng... Đi tìm chủ, thông báo ai đổ sau đó mình mới lập kế hoạch để cưỡng chế…".
Trước đó, chiều 3-6, ông Thắng cho hay khu đất nông nghiệp nói trên giao cho người dân theo Nghị định 64 của Chính phủ trồng lúa từ những năm 2000. Khu đất này đã nằm trong quy hoạch Công viên Chu Văn An với tổng diện tích 100ha.
Mặc dù hàng chục ha đất nông nghiệp chưa được chấp thuận chuyển đổi đa mục đích nhưng hàng ngàn m2 ở đường Phạm Tu và đường Quang Liệt đã bị đổ thải, san lấp trái phép lấy mặt bằng.
Điều đáng nói theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 những chất thải như phế thải, rác thải phải đưa đến nơi tập kết, mang đi xử lý theo đúng quy định thì nhiều người lại ngang nhiên đổ thải, san gạt đất nông nghiệp.