Làm đường sắt tốc độ cao, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

PGS.TS Nguyễn Chí Sáng cho rằng, để xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao hiện đại, việc đầu tư hạ tầng phải song hành với phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất các doanh nghiệp được đặt hàng sản xuất linh kiện đường sắt tốc độ cao như ray, ghi, phụ kiện liên kết… phải đảm bảo nhiều điều kiện.
Cụ thể, doanh nghiệp được lựa chọn đặt hàng sản xuất các thiết bị, linh kiện đường sắt phải có giải pháp, quy trình sản xuất, có trình độ công nghệ hiện đại; có khả năng tùy chỉnh, thay đổi theo yêu cầu riêng của cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Thêm vào đó, doanh nghiệp phải có cam kết tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng; có quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; có chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của tổ chức đánh giá.
Doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng
Từ kinh nghiệm của các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển, PGS.TS Nguyễn Chí Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, để xây dựng một hệ thống đường sắt hiện đại việc đầu tư hạ tầng phải song hành với phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.
Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, vừa tận dụng cơ hội, vừa nâng cao năng lực doanh nghiệp để từng bước làm chủ công nghệ.
“Điều doanh nghiệp cần không phải là hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, mà là một định hướng rõ ràng để đảm bảo việc đầu tư có tính bền vững. Khi có lộ trình cụ thể, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn phát triển năng lực sản xuất, thậm chí chuyển đổi mô hình đầu tư để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông cũng ủng hộ chính sách giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp chủ lực, nhằm đảm nhận vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp đường sắt. Những doanh nghiệp này có thể làm chủ và cung cấp các hạng mục quan trọng như sản xuất ray, đầu máy, toa xe, công nghệ đào hầm…
Trên thực tế, một số doanh nghiệp trong nước đã có kinh nghiệm sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe, thiết kế và thi công hạ tầng đường sắt. Với sự chuẩn bị phù hợp, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình tư vấn, thiết kế, quản lý dự án, chế tạo thiết bị và xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu…”, PGS. TS Nguyễn Chí Sáng bày tỏ.
Ở góc nhìn khác, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, các nước trên thế giới khi muốn nội địa hóa hoặc bảo hộ sản xuất trong nước thường xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành, lĩnh vực đó, sao cho các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia có thể thỏa mãn điều kiện.
“Việt Nam cũng cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để buộc các nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) muốn tham gia vào dự án đường sắt phải tuân thủ.
Với khuôn khổ đó, những doanh nghiệp được giao hoặc đứng ra làm chủ đầu tư dự án khi triển khai bắt buộc phải tìm kiếm các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra.
Từ đó, tạo ra sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái ngành công nghiệp đường sắt; thúc đẩy trình độ phát triển của các ngành khác liên quan đến công nghiệp đường sắt như luyện thép, cơ khí”, PGS. TS Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Ông cho rằng, nếu chúng ta làm được như vậy sẽ đảm bảo được thị trường đủ hấp dẫn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nội đầu tư phát triển, tạo ra lợi ích tổng thể, mang tính lan tỏa. Và khi có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia sẽ tạo cơ hội cho Nhà nước xem xét, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, đủ khả năng làm chủ dự án.