Lá gan 'kêu cứu'

Chàng trai từng tự tin: "Còn trẻ, thức khuya không là gì", nhưng những cơn đau đầu âm ỉ, bụng trướng và hơi thở có mùi lạ dần xuất hiện. Sau một tuần làm việc xuyên đêm cho dự án lớn vào đầu tháng 7, Minh bị ngất phải nhập Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả khám cho thấy gan nhiễm mỡ độ 2, rối loạn lipid máu, men gan cao, chỉ số BMI vượt ngưỡng béo phì nhẹ. Bác sĩ cảnh báo nếu tiếp tục lối sống này, nguy cơ viêm, xơ gan là không thể tránh khỏi.
Tương tự, Khánh Linh, 26 tuổi, nhân viên marketing tại một công ty truyền thông lớn ở Hà Nội, được đồng nghiệp ngưỡng mộ vì năng lượng dồi dào và sự nhiệt huyết. Đằng sau vẻ ngoài tràn đầy sức sống ấy là những đêm "đốt" bản thân: làm việc đến 2-3 giờ sáng, uống trà sữa, ăn snack cay và mì gói để duy trì tỉnh táo. Stress càng tăng, thói quen ăn vặt càng nghiêm trọng, Linh kể.
Một buổi sáng, cơn đau âm ỉ dưới sườn phải đưa Linh đến bệnh viện. Cô được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, men gan tăng gấp đôi mức bình thường, buộc phải dùng thuốc và thay đổi lối sống.
Theo thống kê từ các cơ sở y tế, khoảng 30% dân số Việt Nam hiện mắc bệnh gan nhiễm mỡ, với xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở nam giới cao hơn nữ giới, với tỷ lệ 12,3% ở nam và 8,8% ở nữ. Đáng báo động hơn, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh đang ngày càng phổ biến ở người trẻ, phần lớn do lối sống thiếu khoa học.
Khảo sát ở Hàn Quốc năm 2021 chỉ ra thức khuya và ngủ không đủ giấc làm tăng đáng kể nguy cơ tích tụ mỡ ở gan. Theo cơ chế sinh học, từ 23 giờ đến 1 giờ sáng là thời điểm gan thực hiện chức năng thải độc quan trọng. Khi con người thức khuya, gan không thể hoạt động hiệu quả, dẫn đến tăng sinh nhiều phản ứng oxy hóa và sản sinh chất trung gian độc hại.
"Việc thức khuya thường xuyên sau 23 giờ không chỉ gây cảm giác uể oải mà còn tạo áp lực nặng nề lên gan", bác sĩ Phan Thái Tân, một huấn luyện viên sức khỏe, nói.
Tương tự, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thiếu ngủ là một trong những thủ phạm chính gây ra béo phì.
Khi cơ thể không sử dụng đường trong máu một cách hiệu quả, chất béo sẽ tích tụ nhiều hơn. Tình trạng này còn kéo theo rối loạn hormone, làm chậm quá trình trao đổi chất, kích thích cảm giác thèm ăn. Hậu quả là chuỗi vấn đề về đường huyết, mỡ máu và đặc biệt là gan nhiễm mỡ.
Đáng chú ý, thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt với vô vàn tác nhân gây căng thẳng, thậm chí nhiều hơn các thế hệ đi trước. Áp lực đạt thành tích cao chồng chất lên bối cảnh khởi nghiệp đầy biến động, với sự dịch chuyển môi trường làm việc hậu đại dịch, làn sóng sa thải, tuyển dụng đóng băng, nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, và đặc biệt là thu nhập không còn tương xứng với chi phí sinh hoạt leo thang.
Gánh nặng tâm lý còn trầm trọng hơn khi nhiều người trẻ bị gán nhãn là "thế hệ cô đơn", phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà thiếu đi những kết nối sâu sắc trong đời thực.
Khi đối mặt với áp lực, cơ thể tự nhiên giải phóng hormone cortisol. Nồng độ cortisol tăng cao kéo dài sẽ làm tăng cholesterol, triglyceride, đường huyết và huyết áp – những yếu tố rủi ro hàng đầu của bệnh tim mạch và rối loạn mỡ máu.
Hơn nữa, căng thẳng mãn tính còn thúc đẩy quá trình tích tụ mảng bám trong lòng mạch, làm thay đổi khả năng đông máu, khiến máu đặc hơn và tăng đáng kể nguy cơ đau tim.
Sự kết hợp giữa thức đêm, căng thẳng và lối sống thiếu khoa học – bao gồm ít vận động cùng thói quen lạm dụng đồ ăn vặt giàu dầu mỡ, đường hay thực phẩm chế biến sẵn – sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Cụ thể, bác sĩ Tân cho rằng đồ ăn vặt thường hấp dẫn hơn bữa chính, mang lại cảm giác thoải mái và giúp giảm bớt áp lực công việc khi mức độ căng thẳng tăng cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ không kiểm soát những món chứa nhiều đường, chất béo và calo này chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng béo phì.
Những bữa lót dạ qua loa bằng bánh quy hay bim bim không chỉ thể hiện sự xem nhẹ sức khỏe mà còn thiết lập tiền đề cho hàng loạt thói quen dinh dưỡng tiêu cực khác, như bỏ bữa hoặc phụ thuộc quá mức vào đồ ăn nhanh.
"Tất cả những điều này dần bào mòn sức khỏe từng ngày", bác sĩ Tân cảnh báo.
Để ngăn ngừa lá gan bị tàn phá, các chuyên gia khuyến nghị xây dựng lối sống cân bằng, khoa học là điều cấp thiết. Duy trì thói quen ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần, giúp củng cố đồng hồ sinh học, tối ưu hóa quá trình thải độc của gan diễn ra vào ban đêm. Người trưởng thành nên ngủ đủ 7-9 giờ. Tạo môi trường phòng ngủ tối, yên tĩnh, mát mẻ, và tránh xa thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước giờ ngủ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Thay vì đồ ăn vặt nhiều đường, chất béo, hãy ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, nguyên chất: rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh. Giảm thiểu tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, đường tinh luyện và đồ uống có ga – những yếu tố gây tích tụ mỡ và tăng gánh nặng cho gan.
Vận động thể chất thường xuyên là chìa khóa duy trì cân nặng khỏe mạnh và tăng cường trao đổi chất. Chỉ 30 phút tập luyện cường độ vừa phải mỗi ngày, như đi bộ nhanh hay chạy bộ, cũng giúp đốt cháy calo, giảm mỡ trong cơ thể và cải thiện độ nhạy insulin. Tập thể dục còn là liệu pháp hiệu quả giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
Quản lý căng thẳng là yếu tố không thể bỏ qua. Trong thế giới đầy áp lực, tìm kiếm phương pháp giải tỏa lành mạnh như thiền, yoga, hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân giúp giảm mức độ cortisol, bảo vệ gan.
Cuối cùng, không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phát hiện sớm các vấn đề bất thường cho phép can thiệp kịp thời, ngăn chặn bệnh tiến triển. Nếu có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, hoặc các chỉ số xét nghiệm gan bất thường, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên và phác đồ điều trị phù hợp, giúp lá gan được bảo vệ và phục hồi tốt nhất.
Thúy Quỳnh