Nhảy đến nội dung
 

Khu vườn xanh của người khuyết tật

Vườn tái chế NNC ở phía tây Quy Nhơn là một khu vườn đặc biệt, không chỉ bởi các vật dụng ở đây đều được tái chế từ rác thải mà còn vì chúng được sống thêm một vòng đời nhờ bàn tay khéo léo của người khuyết tật.

Quyết định rời thành phố

Đến thăm Vườn tái chế NNC ở P.Quy Nhơn Tây, tỉnh Gia Lai (trước đây là thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, tỉnh Bình Định, cách TP.Quy Nhơn (cũ) khoảng 20 km về hướng tây), du khách sẽ bước vào một công viên xanh mướt với những chiếc chong chóng, chuông gió được làm từ chai nhựa, túi ni lông đã qua sử dụng. Những âm thanh nhẹ nhàng, bình yên từ chuông gió chào đón từng bước chân du khách ghé thăm.

Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thanh Nga, 64 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật Thanh Nga, người sáng lập Vườn tái chế NNC năm 2021. Cô Nga đã có hơn 30 năm đồng hành hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, tính đến nay đã giúp đỡ khoảng 2.000 trẻ em, người khuyết tật ổn định cuộc sống.

Cô Nga cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19, cô cùng 20 học sinh bị kẹt lại ở trung tâm dưới Quy Nhơn, được các nhà hảo tâm hỗ trợ cơm ăn ngày 3 bữa, mỗi ngày cô trò nhận 60 suất cơm. "Các suất cơm được đựng trong hộp xốp, túi ni lông, sau 1 tháng nhà nội trú ngập rác thải nhựa. Sau đó, tôi quyết định ra ngoại thành, tìm mua mảnh đất rộng 2.000 m² để lập vườn tái chế. Hiện vườn có 2 gian tái chế là nhôm nhựa và vải vụn, bên cạnh đó là khu trồng cây xanh, trồng rau", cô Nga chia sẻ.

Ban đầu, cô Nga chọn 15 em học viên khuyết tật cùng đồng hành lập vườn tái chế. Cô cho các em tìm hiểu về bảo vệ môi trường để củng cố ý chí sống xanh, cũng có một vài em không theo được vì phải thay đổi sang lối sống quá khác biệt. "Ban đầu, khi tôi tập hợp các bạn trẻ khuyết tật về đây lập nghiệp, nhiều bạn không theo được. Bởi lẽ khu đất này hồi đó còn chưa có điện, nước, sóng wifi..., thiếu thốn trăm bề. Hơn nữa tôi muốn phát triển theo hướng gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, vì vậy những người sát cánh cùng tôi suốt 4 năm qua đều như những "chiến binh" sống xanh", cô Nga tươi cười nói.

Tái chế là tái sinh

Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ người khuyết tật, cô Nga khéo léo tổ chức cho các bạn khuyết tật đi thu gom vải vụn, vải thừa tại các nhà may rồi mang về vườn tái chế. Bàn tay khéo của các bạn đã "biến hóa" vải vụn thành những món đồ gia dụng tiện lợi như tạp dề, túi xách, khăn trải bàn... Những mảnh vải to đẹp, có hoa văn sẽ được may thành các bộ quần áo, thậm chí là những tà áo dài thướt tha. Những chai lọ, bao bì carton, giấy báo cũ, túi ni lông, vỏ kẹo… được tái sinh thành những mô hình, đồ dùng hữu ích.

Trong lễ Giáng sinh năm ngoái, các bạn khuyết tật còn đi thu nhặt 3.000 vỏ chai, lon để làm thành cây thông Noel tuyệt đẹp. Cô Nga cũng đề ra tiêu chí hoạt động của vườn tái chế là 3R, viết tắt của 3 từ tiếng Anh: reduce (tiết giảm), reuse (tái sử dụng) và recycle (tái chế).

Trong Vườn tái chế NNC có những khẩu hiệu sống xanh rất ý nghĩa và những chiến dịch nhỏ nhưng đầy sức lan tỏa. Sự kiện "Mỗi tuần một cây số xanh" chính là một ví dụ điển hình. Theo lý giải của cô Nga, mỗi tuần, "đội quân" xe lăn sẽ ra quân nhặt sạch rác trên quãng đường 1 km. Lúc ban đầu, thấy người khuyết tật đi nhặt rác ngoài đường, nhiều người dân nói "tội quá, sao lại để người khuyết tật làm việc này", rồi họ cùng chung tay dọn rác. Mỗi tuần chỉ 1 km nhưng "sạch bền vững" vì đã lan tỏa được thông điệp sống xanh cho cư dân sống trên đoạn đường đó.

Anh Phan Huỳnh Anh Toan, thành viên Vườn tái chế NNC, chia sẻ: "Tôi bị xương thủy tinh bẩm sinh và từng đi học đại học nhưng do mặc cảm nên tôi đã nghỉ. Đến đây, tôi được tái chế những thứ bỏ đi thành đồ dùng hữu ích cũng giống như những người kém may mắn trong xã hội có thể đóng góp cho cộng đồng".

Còn chị Huỳnh Thị Diệu Nguyệt, bị khiếm thị, đã đến vườn tái chế làm nghề thêu. Chị được cô giáo chạy đường viền trên tranh thư pháp để chị thêu phần bên trong. Sau 5 năm, chị Nguyệt đã thêu được bức tranh đầu tiên từ những chất liệu tái chế và là người khiếm thị đầu tiên ở VN thêu tranh.

Cô Nga cho biết Vườn tái chế NNC còn là nơi tham quan trải nghiệm của các đoàn học sinh trong tỉnh về lối sống xanh. Mới đây, vườn đón gần 100 bé mầm non đến vui chơi trong không gian xanh mát.

Các em nhỏ còn được trực tiếp tham gia làm các sản phẩm tái chế đơn giản từ vật liệu đã qua sử dụng. Hoạt động này nhằm giúp các bé phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng vận động và đặc biệt là hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất.

"Các em chứng kiến mô hình ô tô, máy bay, thuyền, quả cầu… được tạo ra từ giấy vụn, chai lọ hay các hộp nhựa một cách rất khéo léo, nhiều em học làm ngay tại chỗ và bộc lộ được năng khiếu của mình", cô Nga chia sẻ.

Tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật

Dạo bước đến khu trồng trọt trong vườn tái chế, chúng tôi bắt gặp những giàn mướp xanh tốt đang cho quả. Cô Nga cho biết, mướp ngoài trồng để lấy quả ăn còn có thể lấy xơ mướp bán cho du khách. Người nước ngoài rất thích dùng xơ mướp để tắm hoặc lau chùi đồ dùng, mỗi miếng xơ bán được 10.000 đồng, góp phần tạo thêm thu nhập cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, vườn còn trồng rất nhiều loại rau khác, du khách có thể hái về ăn, rất sạch sẽ và đảm bảo an toàn. Các vườn rau cũng tạo ra một không gian xanh mát cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Trong khu vườn còn có một cây vối rất to, lá xanh tốt. Mỗi khi khách đến, cô Nga đều hái lá vối và đun nước mời khách chứ không sử dụng nước đóng chai, tiết giảm thải chai nhựa ra môi trường.

Luôn đau đáu tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, cô Nga mong muốn sẽ đưa sản phẩm tái chế của họ đi xa hơn nữa như đến các hội chợ, siêu thị và không chỉ dừng lại ở du khách đến tham quan. "Mục đích là không chỉ lan tỏa lối sống xanh, tái chế rác thải trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật", cô Nga tâm sự.

Trong vườn, cô Nga chọn những khẩu hiệu rất nhẹ nhàng với mục đích thay đổi nhận thức của cộng đồng chứ không phải cấm đoán bằng những quy định khắt khe. "Ví dụ như "Cảm ơn vì đã không chặt cây, vứt rác", khi du khách đọc được họ sẽ nghĩ rằng chưa cần phải làm gì, chỉ cần đừng làm ô nhiễm môi trường là đã xứng đáng được cảm ơn rồi. Còn nếu bạn cấm đoán thì nghe khá miễn cưỡng, khó chịu, đôi khi còn có tác dụng ngược", cô Nga chia sẻ.

Trong Vườn tái chế NNC có ông Wesley, vốn là cựu chiến binh Mỹ, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông trở lại VN 15 năm trước và tìm thấy được sự bình yên ở mảnh đất này. "Được chia sẻ mối quan tâm về môi trường với các bạn trẻ đã mang lại cho tôi niềm vui tuổi già. Tôi sẽ nguyện dành những ngày tháng cuối đời để làm tình nguyện viên tại Vườn tái chế NNC, góp chút sức lực nhỏ bé bảo vệ môi trường", ông Wesley chia sẻ. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn