Nhảy đến nội dung
 

Thế Huy, cậu bé photocopy đến Úc học opera

Chiếc máy photocopy của nghệ sĩ opera Thế Huy lúc nhỏ có lẽ là chiếc máy "đặc biệt nhất thế giới" vì có lúc đã được "hô biến" thành… cây dương cầm với những phím đàn vẽ tay nguệch ngoạc, dán trên máy.

Giọng tenor Thế Huy thoạt nhìn có vẻ ngoài khá rụt rè so với một nghệ sĩ trẻ đang ôm trong mình mục tiêu lớn: đầu quân cho nhà hát opera hàng đầu nước Úc sau khi tốt nghiệp chuyên ngành opera tại Nhạc viện Sydney.

ĐI TÌM TRI ÂM

Chỉ trong vòng 3 năm, Huy đã lặng lẽ mà quyết liệt đi tìm khán giả của mình bằng gần 20 buổi trình diễn recital (trước 20 - 50 khán giả rồi tăng lên 100 - 200 khán giả tại TP.HCM và Hà Nội), trải dài từ âm nhạc cổ điển đến ca khúc thính phòng VN. Gần nhất là To be sung is to be seen (tháng 6.2025) - recital các trích đoạn opera kinh điển, đánh dấu chặng đường 10 năm Huy theo đuổi âm nhạc cổ điển, tính từ cột mốc theo học tại Nhạc viện TP.HCM.

Trước đó, các recital khác của Huy cũng lựa những cái tứ tinh tế và độc đáo, lặng lẽ len lỏi vào cái gọi là "thị trường ngách" giữa một showbiz náo nhiệt: Phố của em của anh (tháng 11.2024): recital ca khúc nghệ thuật thính phòng VN; Nằm mơ một giấc Trang Chu (tháng 4.2024): recital thanh nhạc cổ điển kết hợp chất liệu văn học Hán Nôm, Hát như nói (tháng 8.2023): workshop về kỹ thuật và cảm xúc trong thanh nhạc; Chiếc ghế nghỉ ngơi, Xanh gần với nhau (2022 và 2023): recital các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Winter Recital (tháng 12.2022): đêm nhạc thính phòng với các tác phẩm chủ đề về mùa đông, gồm các tác phẩm tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Tâm xa - tình gần (tháng 3.2022): đêm nhạc opera một người với các tác phẩm cổ điển được chuyển ngữ sang tiếng Việt…

Thế Huy từng là sinh viên đại diện cho Nhạc viện TP.HCM tham gia dự thi và trình diễn tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Chicago 2019 tổ chức tại Mỹ. Trong khuôn khổ sự kiện, anh cũng được theo học về biểu diễn thanh nhạc với giáo sư, nghệ sĩ người Mỹ Chris Thompson. Sau 8 năm theo học tại Nhạc viện TP.HCM, Huy từng kiên trì xin học bổng đến Mỹ để được đầu quân cho những cái nôi đào tạo opera hàng đầu thế giới nhưng mơ ước đầu đời đã bị phạt ngang vì đại dịch Covid-19. Sau đó, anh chuyển hướng sang Úc.

Bắt chước là... tiền đề của sáng tạo

Bố mẹ ly hôn khi Huy mới 3 tuổi. Mẹ Huy, một bà nội trợ nghèo mạnh mẽ đưa hai con từ An Giang lên TP.HCM kiếm ăn lần hồi.

Tài sản lớn nhất trong nhà và cũng là "cần câu cơm" của ba mẹ con là chiếc máy photocopy đặt trước căn nhà trọ. 6 tuổi, Huy đã ngày ngày đứng máy phụ mẹ để thu về từng đồng tiền lẻ góp thêm vào bữa chợ của ba mẹ con. "Tôi "mắc bệnh" chỉn chu từ bé. Từ lúc còn đứng canh máy photocopy, tôi đã luôn cố ăn mặc thật gọn gàng sạch sẽ để người ta không biết tôi nghèo, vì mọi người quen nghĩ, nhà phải có điều kiện mới đi học nhạc...", giọng tenor của Nhạc viện Sydney nhớ lại.

Bố Huy làm thầu xây dựng nhưng có máu tài tử, thường gảy guitar tưng bừng bên bàn nhậu. Cái "máu" ấy không ngờ đã kịp truyền sang cậu con trai nhỏ, cả khi phải rời xa bố từ tấm bé. Người mẹ nghèo đơn thân không có tiền cho con học nhạc, bèn gửi con vào nhà thờ để được học nhạc miễn phí, rồi chơi nhạc cho ca đoàn của nhà thờ. Một ngày nọ, Huy xin được bố ít tiền để theo học một khóa đàn organ để "nâng cao tay nghề". Nhưng khổ nỗi, lại không có tiền mua đàn. Buộc lòng cậu phải nghĩ ra cách luyện đàn "độc lạ": vẽ một phím đàn đen trắng dán hờ trên máy photocopy để… gõ chay và hình dung tiếng đàn trong tưởng tượng. Mỗi khi nghe tiếng mẹ về, Huy lại vội vàng tháo "phím đàn" đem giấu để mẹ khỏi nhìn thấy. "Mẹ đã quá vất vả rồi, làm sao mẹ có thể hiểu nổi một giấc mơ "xa xỉ" như âm nhạc, khi tiền học nhạc, mua đàn còn chẳng có", Huy bùi ngùi.

Cái ngày tươi đẹp nhất trong tuổi thơ của Huy là ngày cậu được bố cho tiền mua một chiếc organ cũ. Đường đến nhạc viện bắt đầu hình thành trong đầu cậu bé đứng máy photo. Tuy nhiên, lời khuyên của người nhà là không nên đi ngả đó, vì "làm cái đó thì không ra tiền được". Vậy nhưng cuối cùng Huy vẫn đặt chân bằng được tới cái nơi "không ra tiền" đó. Và ít ra, từ rất sớm, cậu đã giành được học bổng, dù xuất phát điểm không hề sở hữu chất giọng trời cho.

Để được thừa nhận là một giọng tenor, với Huy là cả một sự khổ luyện. "Lúc còn trong Nhạc viện TP.HCM, hầu hết thầy cô đều mặc định tôi là giọng nam trầm, chỉ riêng tôi biết mình chắc chắn thuộc về giọng nam cao. Tới khi sang Mỹ thi hát, họ bảo tôi: "Ô, mày chính xác là giọng tenor mà, có gì phải lăn tăn!". Và suốt 10 năm qua là hành trình tôi kiên trì luyện thanh để chạm được đến cái ngưỡng mà tôi cảm thấy thuộc về", Thế Huy chia sẻ.

Trong gần 20 recital mà Huy đã nỗ lực thực hiện suốt 3 năm qua, có 2 lần riêng dành cho nhạc Trịnh Công Sơn. Huy bảo, có một câu nhạc Trịnh với anh là ám ảnh: "Trong khi ta về lại nhớ ta đi" (Một cõi đi về). Lúc còn nhỏ đi đi về về giữa một nơi có bố và một nơi có mẹ, giữa quê nhà An Giang yên bình và TP.HCM ồn ã. Và giờ là đi đi về về giữa Úc và VN. Huy dễ phải lòng những ca khúc và nhạc phẩm gợi cảm hứng về sự "trở về".

Cậu bé đứng máy photo năm xưa cho biết: "Nếu có điểm chung giữa nghề photo và... opera thì đấy trước hết chính là... khả năng bắt chước. Phải bắt chước tốt đã rồi mới sáng tạo được".

Đi một con đường ương ngạnh để chinh phục bằng được ước mơ, "với tôi, đó cũng là một giấc mộng Trang Chu. Hóa bướm để bay xa, dù phải bắt đầu bằng những cú đập cánh nhỏ", giọng tenor của Nhạc viện Sydney nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn