Hàng hóa, đồ ăn ở các sân bay Thái Lan, Singapore được bán thế nào?

Trong khi sân bay Thái Lan chật vật cải tổ mô hình bán lẻ miễn thuế độc quyền, Singapore lại vươn lên dẫn đầu châu Á nhờ chiến lược cạnh tranh và đổi mới không ngừng.

Không còn đơn thuần là điểm trung chuyển hàng không, các sân bay lớn tại Đông Nam Á đang trở thành “mặt trận” mới trong cuộc đua thương mại phi hàng không. Tuy nhiên, Thái Lan và Singapore - hai trung tâm hàng không lớn nhất khu vực - có hai hướng đi đối lập.
Trong khi sân bay Changi của Singapore liên tục phá kỷ lục doanh thu nhờ mô hình đa nhà thầu và đổi mới không ngừng, hệ thống sân bay Thái Lan đang loay hoay cải tổ giữa vòng xoáy khủng hoảng, khi “gà đẻ trứng vàng” King Power lao đao vì mô hình độc quyền bộc lộ điểm nghẽn.
Thái Lan gập ghềnh cải tổ mô hình độc quyền
Trong suốt hơn một thập kỷ, King Power Duty Free là đơn vị duy nhất khai thác hoạt động bán lẻ miễn thuế tại 5 sân bay lớn của Thái Lan, bao gồm Suvarnabhumi, Don Mueang, Phuket, Chiang Mai và Hat Yai.
Mô hình độc quyền này từng giúp Tổng công ty Cảng hàng không Thái Lan (AOT) thu về các khoản tiền thuê tối thiểu (MAG) hàng tỷ baht mỗi năm.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, Thái Lan bất ngờ tạo cú chuyển mình chiến lược khi ra quyết định đóng cửa toàn bộ cửa hàng miễn thuế tại khu vực đến (inbound) của 8 sân bay lớn.
Theo chính phủ nước này, mục tiêu của chính sách kể trên là nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, với kỳ vọng mang về 3,46 tỷ baht (khoảng 103 triệu USD) cho nền kinh tế nội địa mỗi năm, Bangkok Post cho biết. Không gian cũ dành cho miễn thuế inbound nay được tái cấu trúc cho mục đích cải thiện hạ tầng, giảm ùn tắc và nâng cao trải nghiệm hành khách trong nỗ lực đưa Suvarnabhumi lọt vào top 50 sân bay thế giới năm 2025. Song, với King Power, đây là cú giáng mạnh vào doanh thu, đặc biệt khi lượng khách Trung Quốc - nhóm chi tiêu nhiều nhất - vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng sau đại dịch. Trước áp lực tài chính nặng nề, King Power đã yêu cầu AOT giãn hoặc miễn toàn bộ phí thuê đến năm 2026. AOT sau đó đồng ý tạm hoãn thu, nhưng vẫn áp lãi suất cao (8,844%/năm) và yêu cầu bảo lãnh 1,45 tỷ baht (45 triệu USD), theo Moodie Davitt Report. Dư luận Thái Lan chia rẽ: một bên cho rằng cần "giải cứu" doanh nghiệp quốc gia, bên còn lại đặt vấn đề minh bạch và kêu gọi chấm dứt mô hình độc quyền vốn bị cho là thiếu hiệu quả.Tập đoàn King Power Duty Free (KPD) giữ độc quyền trong hoạt động khai thác hàng miễn thuế tại các sân bay lớn của Thái Lan. Ảnh: Reuters, Nikkei Asia, King Power.Ông Nitinai Sirismatthakarn, tân CEO King Power, thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi như bệnh nhân đang thở bằng oxy. Nếu không được hỗ trợ thêm, toàn bộ hệ thống có thể sụp đổ”. Trong bối cảnh này, AOT đã bắt đầu tính đến phương án hủy hợp đồng sớm và tổ chức đấu thầu lại quyền khai thác. Tại các sân bay khác như Don Mueang, Phuket, Chiang Mai và Hat Yai, AOT đang xem xét yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhượng quyền của King Power Duty Free. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà thầu mới như The Shilla Duty Free, Lotte Duty Free, Lagardère Travel Retail, Dufry, DFS, China Duty Free Group, The Mall Group và liên minh Central Group/DFS, dù chưa có thông tin chính thức về nhà thầu mới. Trước tình hình khó khăn, công ty này và AOT đã đàm phán chuyển hợp đồng sang mô hình chia sẻ doanh thu 23%, thay vì cam kết tối thiểu 127,3 baht (3,93 USD) cho mỗi lượt khách - phương án được AOT hỗ trợ thay thế hình thức MAG thời Covid-19, tờ Nation cho hay. Tuy nhiên, tình thế vẫn không dễ dàng. AOT cho biết riêng việc đóng cửa hàng miễn thuế khu đến tại Suvarnabhumi khiến họ thiệt hại hơn 126 triệu baht (3,89 triệu USD) mỗi tháng, trong khi doanh thu nhượng quyền quý I/2025 chỉ tăng 2% - mức thấp nhất trong gần 5 năm, theo GTR Magazine. Trong khi hoạt động miễn thuế gặp khó, các khu vực bán lẻ và ẩm thực (F&B) tại sân bay Thái Lan vẫn tương đối nhộn nhịp. Các thương hiệu Burger King, McDonald’s, Dairy Queen cùng loạt tên tuổi địa phương như Siam Im-Aroi, The Pizza Company hay khu ẩm thực Magic Food Court với hơn 50 quầy món Thái như Tom Yum, Pad Thai, món Á - Âu vẫn thu hút khách, theo Bangkok Airport Online. Khu ẩm thực hay được gọi là Magic Food Point tại sân bay Suvarnabhumi có thực đơn khá đa dạng, trong đó các món bản địa dao động 10-70 bath (0,31-2,16 USD). Ảnh: The Smart Local. Về sản phẩm miễn thuế, hàng hóa bày bán vẫn phong phú - từ mỹ phẩm cao cấp (L’Oréal, Estée Lauder, SK-II), rượu, thuốc lá đến thời trang (Longchamp, Samsonite, Tumi) và quà lưu niệm thủ công OTOP. Tuy nhiên, giá cả tại sân bay thường cao hơn thị trường 10-30%. Đặc biệt, các sản phẩm lưu niệm như tượng phật, khăn lụa có thể đắt gấp 10 lần giá ngoài phố, trong khi đồ ăn nhanh cao hơn 10-20% so với trung tâm Bangkok. Mô hình cạnh tranh đa tầng tại Singapore Trong khi Thái Lan còn loay hoay với bài toán cải tổ và mô hình độc quyền, Singapore lại vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò “đầu tàu” trong lĩnh vực kinh doanh miễn thuế sân bay khu vực. Dưới sự điều hành của Tập đoàn Changi Airport Group (CAG), sân bay quốc tế Changi trở thành hình mẫu lý tưởng về một hệ sinh thái bán lẻ năng động, minh bạch và liên tục đổi mới. Không chọn con đường độc quyền, Changi triển khai mô hình đa nhà thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và dịch vụ vượt trội. Trong hệ thống bán lẻ tại Changi, mỗi “ông lớn” quốc tế phụ trách một mảng chuyên biệt, giúp tối ưu hóa trải nghiệm và chất lượng phục vụ hành khách. Lotte Duty Free (Hàn Quốc) hiện là đơn vị vận hành toàn bộ hệ thống bán lẻ rượu và thuốc lá tại cả 4 nhà ga với tổng diện tích hơn 8.600 m2, quy tụ hơn 430 thương hiệu. Sau khi thay thế DFS (Mỹ) từ năm 2019, hợp đồng của Lotte đã được gia hạn đến năm 2029.Các cửa hàng miễn thuế của Lotte Duty Free tại sân bay Changi (Singapore). Ảnh: The Moodie Davitt Report.Song hành cùng Lotte, The Shilla Duty Free - một “ông lớn” khác đến từ Hàn Quốc - đảm nhận mảng mỹ phẩm và nước hoa cao cấp với hơn 20 điểm bán, khai thác đến năm 2028, theo TRBusiness. Shilla không chỉ mang tới loạt thương hiệu đình đám như Chanel, Estée Lauder, SK-II, mà còn đầu tư mạnh vào các hoạt động thương hiệu sáng tạo như chuỗi sự kiện Mickey & Friends, hợp tác cùng Disney, giúp tăng độ phủ sóng và tương tác thương hiệu tại sân bay. Trong khi đó, Lagardère Travel Retail (Pháp) đang nổi lên như một “kiến trúc sư” trải nghiệm mua sắm tại sân bay Changi. Với hơn 50 cửa hàng trải rộng trên toàn bộ sân bay, LTR đang vận hành một hệ sinh thái bán lẻ tích hợp ba mũi nhọn: cửa hàng tiện ích (Relay, Hub & Spoke), thời trang cao cấp (Fashion Gallery, Longchamp, Kering Eyewear) và dịch vụ ẩm thực (Marché Mövenpick, Swensen’s Unlimited, ZUS Coffee).LTR cũng thành công với chuỗi cửa hàng Discover Singapore - chuyên bán quà tặng và đặc sản địa phương, được thiết kế theo kiến trúc Peranakan truyền thống. Cửa hàng này không chỉ đạt doanh thu ấn tượng mà còn được trao giải “Patron of Heritage 2023” từ Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore nhờ đóng góp vào gìn giữ văn hóa bản địa.Lagardère Travel Retail khai thác cả ba mảng bán lẻ tiện ích, thời trang xa xỉ và dịch vụ ăn uống tại sân bay Changi. Ảnh:The Moodie Davitt Report, DFNI.Ngoài hệ thống cửa hàng vật lý, Changi còn mở rộng trải nghiệm mua sắm với nền tảng iShopChangi, cho phép khách hàng đặt trước và lựa chọn nhận tại sân bay hoặc giao tận nhà, kể cả với người không bay giúp mở rộng biên độ tiếp cận chưa từng có. Năm tài chính 2024, Changi đón 67,7 triệu lượt hành khách, mang về 3,1 tỷ SGD (khoảng 2,4 tỷ USD) từ nhượng quyền, tăng 18% nhờ lượng khách tăng vọt từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Chỉ tính riêng quý I/2025, lượng hành khách đạt 17,2 triệu lượt - tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, theo Retail News Asia. Tại sân bay Changi, khu vực bán lẻ và ẩm thực (F&B) không ngừng được làm mới. Trong năm tài chính 2024-2025, CAG đã ký kết 180 hợp đồng mới, đưa gần 40 thương hiệu vào khai thác, từ những cái tên đình đám như Victoria’s Secret, Marc Jacobs, Dyson, Decathlon đến chuỗi ẩm thực đặc sắc như Mr. Bucket, Taiwan Culture (ẩm thực Thái Lan), Swensen’s Unlimited (buffet),... Khu F&B cũng đa dạng từ món địa phương như cơm gà Hải Nam, laksa đến các thương hiệu fast food như Starbucks, Dunkin’, thậm chí cả nhà hàng quốc tế như Hard Rock Cafe. Dù giá bán tại Changi cao hơn trung tâm thành phố khoảng 15-30%, nhờ lưu lượng hành khách khổng lồ và chính sách thuế ưu đãi, sân bay vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh và vị thế hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực bán lẻ sân bay. Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.