Giá vàng có thể đạt 3.900 USD/ounce ngay năm nay

Mức giá này được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đưa ra trong kịch bản rủi ro, khi khủng hoảng địa chính trị leo thang, tình trạng lạm phát đình trệ có thể đẩy giá vàng tăng thêm 15%.
![]() |
Giá vàng được các chuyên gia của WGC dự báo còn tăng mạnh trong nửa cuối năm nay. Ảnh: CNBC. |
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng thế giới được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay nhờ đồng USD suy yếu, căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhu cầu mua vào từ các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, yếu tố về chính sách thương mại toàn cầu có thể gây ra biến động nhất định.
Cụ thể, WGC nhận thấy từ đầu năm đến nay, giá vàng giao ngay đã tăng 26%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, vàng thế giới đã lập 26 kỷ lục giá mới, trong khi con số này của cả năm 2024 là 40 lần.
Ba yếu tố chính dẫn dắt đà tăng của giá vàng gồm chỉ số USD Index giảm tới 7%; căng thẳng leo thang tại Trung Đông và lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương lên đến 1.045 tấn chỉ trong 5 tháng.
“Giá trị giao dịch vàng hàng ngày trong nửa đầu năm đạt 329 tỷ USD, mức cao thứ hai trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua mạnh, dù mức mua chững lại so với các quý trước”, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong quý II, đà tăng của vàng đã có dấu hiệu chậm lại. Giá hiện chủ yếu dao động quanh ngưỡng 3.340 USD/ounce, cho thấy thị trường bước vào giai đoạn tích lũy. Về phía các ngân hàng trung ương, WGC thấy đây vẫn là lực cầu chủ chốt. Khảo sát của tổ chức này cho thấy 43% ngân hàng trung ương vẫn có kế hoạch tăng dự trữ vàng, 95% kỳ vọng tổng lượng vàng nắm giữ toàn cầu sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua thêm 70.000 ounce vàng trong tháng 6, đánh dấu tháng mua ròng thứ 8 liên tiếp. Từ tháng 11/2024 đến nay, Trung Quốc đã tích lũy tổng cộng 34,2 tấn vàng. Tuy vậy, mô hình mua vàng của các ngân hàng trung ương đã có sự thay đổi. Trong tháng 5, lượng mua ròng chỉ đạt 20 tấn, thấp hơn mức trung bình 12 tháng là 27 tấn. Các nước như Kazakhstan (+7 tấn) và Thổ Nhĩ Kỳ (+6 tấn) tiếp tục mua vào, trong khi Singapore giảm dự trữ (-5 tấn). Kể từ khi xung đột Ukraine - Nga nổ ra, tổng nhu cầu vàng hàng năm của các ngân hàng trung ương đã tăng gấp đôi, vượt mốc 1.000 tấn. Nhìn về nửa cuối năm, WGC đưa ra 3 kịch bản cho giá vàng. Ở kịch bản cơ sở (xác suất 45%), cuộc suy thoái toàn cầu ở mức độ vừa phải đẩy giá vàng tăng 5%, lên mức 3.500 USD/ounce. Trong kịch bản rủi ro (xác suất 30%) - tức xảy ra khủng hoảng địa chính trị và lạm phát đình trệ - giá vàng có thể tăng thêm 10-15%. Ngược lại, nếu thương mại toàn cầu hòa dịu (xác xuất 25%), giá vàng có thể mất khoảng 12-17% mức tăng của năm nay.Với vùng giá trung bình hiện tại khoảng 3.340 USD/ounce, ở kịch bản rủi ro tăng thêm 15%, giá vàng có thể đạt gần 3.900 USD/ounce. Các chuyên gia của WGC khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi sát các yếu tố có thể trở thành chất xúc tác mới cho thị trường như thuế quan của Mỹ hoặc căng thẳng Trung Đông và duy trì sự hiện diện trên thị trường vàng thông qua các quỹ ETF hoặc cổ phiếu ngành khai thác vàng để đa dạng hóa danh mục. Về mặt kỹ thuật, giá vàng cần vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce một cách dứt khoát để xác nhận xu hướng tăng mới. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng hiện tại là vùng 3.200 USD/ounce. Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.