Nhảy đến nội dung
 

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 gấp 26 lần GDP

Theo Ngân hàng nhà nước, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 đạt 295,3 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP, vượt mục tiêu đề ra tại “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025”.

Gần 87% người dân từ 15 tuổi có tài khoản ngân hàng

Được phê duyệt tháng 10/2021 tại Quyết định 1813, “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025” có mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 3 năm triển khai, cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 đã đạt 295,3 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1813.

Đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đã đạt 86,97%; số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 443.000 điểm.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng bình quân giai đoạn 2020 – 2025 đạt 62,81% về số lượng và 24,4% về giá trị, đạt và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1813.

100% cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đô thị đã chấp nhận thanh toán học phí qua hệ thống ngân hàng, đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1813. Cùng với đó, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã trang bị sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thông báo và khuyến khích học sinh và gia đình người học nộp học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

80% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, vượt mục tiêu đặt ra trong Quyết định 1813.

Khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, trong năm 2023, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển  mạnh mẽ hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/ mở thẻ bằng eKYC; thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR; thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc; xác thực thanh toán sinh trắc học; mã hóa thông tin thẻ... đã được các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật; qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp.

Theo thống kê, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có hơn 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động, có khoảng trên 30 ngân hàng thương mại và 17 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code.

Trong năm 2024, thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đã đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Cụ thể, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị, so với năm 2023.

Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03 ngày 9/1/2025 và Nghị quyết 71 ngày 1/4/2025 của Chính phủ theo kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, mà không xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2026 – 2030.

Sở dĩ đề xuất như trên, theo Ngân hàng Nhà nước, trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết 03, 71 của Chính phủ, đã có nhiều nội dung liên quan đến phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán cùng một số chỉ tiêu liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngày 23/7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ; đồng thời tổ chức tổng kết việc thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không  dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025” theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2025.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn