Nhảy đến nội dung
 

Đôi điều về chữ 'phúc'

Phúc (福) là ký tự lần đầu xuất hiện trong Giáp cốt văn thời nhà Thương, có hình dạng giống như một người cầm bình rượu bằng hai tay, dâng lên bàn thờ, cầu mong thần linh ban cho điều gì đó.

Về sau, ký tự này phát triển thành chữ Kim văn với nhiều hình dạng khác nhau, không còn hai "bàn tay" cầm rượu nữa, hình dáng bình rượu cũng thay đổi, có thêm chữ miên (宀: mái nhà) phía trên, thể hiện ý nghĩa cầu mong phước lành cho gia đình.

Vào thời nhà Tần, phúc được viết bằng chữ Tiểu Triện, bao gồm 2 ký tự: kì (示) - biểu ý và phúc (畐) - biểu âm; về sau được dùng làm cơ sở để phát triển thành chữ phúc Lệ thư và Khải thư.

Nghĩa gốc của phúc là "tạo phúc" hoặc "ban phước", ví dụ: "thần phúc nhân nhi hô dâm dâm" nghĩa là "thần linh ban phước lành cho người nhân đức và giáng họa cho kẻ dâm loạn" (Tả Truyện - Thành Công ngũ niên; Trang Công thập niên).

Ngoài ra, phúc còn những nghĩa sau: Dùng để chỉ "cuộc sống hoặc tình huống khiến người ta hài lòng" (Thượng Thư. Hồng Phạm); "rượu và thịt dùng để hiến tế" (Lễ Kí. Thiếu Nghi); "lợi ích" (Tây chinh phú của Phan Nhạc thời nhà Tấn) hoặc "tàng trữ" (Sử kí. Quy sách liệt truyện)…

Ngày xưa, phúc còn chỉ tư thế hành lễ (còn gọi là "vạn phúc"), thân trên hơi nghiêng về phía trước, hai bàn tay chồng lên nhau, đưa lên hạ xuống về bên phải (Lão tàn du kí). Trong Dụ thế minh ngôn (tập 1), người nữ đặt tay sau lưng, nắm bàn tay lại để kính lạy.

Vào ngày tết, người xưa thường dán chữ phúc lên cửa nhà, rầm nhà hoặc kho thóc. Chữ này tượng trưng cho sự chào đón và ban phước lành, mùa màng bội thu... Người ta còn khắc chữ phúc thành nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn như ngôi sao sinh nhật, rồng phượng, đào trường thọ, cá chép nhảy qua cổng... Một số người thích dán chữ phúc ngược lên cửa hoặc treo câu "Ngũ phúc lâm môn" (Năm điều may mắn, tốt lành đến nhà).

Trên thực tế, có những cách hiểu khác về chữ "phúc". Sách Thượng Thư. Hồng Phạm có câu: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh, tứ viết du hiếu đức, ngũ viết khảo chung mệnh (thứ nhất là trường thọ, thứ hai là phú quý, thứ ba là khỏe mạnh bình an, thứ tư là đức hạnh tốt, thứ năm là kết thúc tốt đẹp cuộc đời).

Vào thời Minh và Thanh, "ngũ phúc" được thế tục hóa qua câu: "Phúc, thọ, hỉ, tài, khang" (hạnh phúc, trường thọ, vui vẻ, phú quý và khỏe mạnh). Trong Tân luận. Li sự đệ thập nhất của Hoàn Đàm Ư thời Đông Hán, do kiêng kỵ sự chết chóc nên cụm từ "khảo chung mệnh" bị lược bỏ để thành câu: "Thọ, phú, quý, an lạc, tử tôn chúng đa" (trường thọ, phú quý, yên vui, con cháu đầy đàn).

Phật giáo cũng có câu tương tự: "Phú quý, trường thọ, khang ninh, hiếu đức, thiện chung" (phú quý, trường thọ, khỏe mạnh, đức hạnh, kết cục tốt đẹp), nói về những phước lành có được nhờ làm việc thiện.

Một số từ ghép và thành ngữ liên quan đến "phúc" như sau: Phúc khí và phúc phần nói về người có số hưởng cuộc sống hạnh phúc. Việc được ăn ngon gọi là khẩu phúc; được nhìn thấy những thứ hiếm có hoặc đẹp gọi là nhãn phúc; còn nghe được nhạc hay gọi là nhĩ phúc.

Về thành ngữ, phúc vô song chí là "điều may mắn không đi đôi"; phúc chí tâm linh là "phúc đến thì lòng sáng ra"; còn tạo phúc nhân quần là "tạo hạnh phúc cho loài người".

Ở VN, chữ phúc (còn gọi là phước) từng được ghi nhận trong bản thảo viết tay Dictionarium Anamitico-Latinum (1772) của P.J.Pigneaux. Tương phản với ngũ phúc là sáu điều bất hạnh: "tử vong, bệnh tật, lo lắng, đói nghèo, tai ương và bạc nhược".


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn