Điều gì xảy ra với huyết áp khi bạn uống nước ép lựu mỗi ngày?

Lựu là loại trái cây giàu dinh dưỡng, chứa nhiều hợp chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh và được cho là góp phần làm giảm huyết áp.
Nước ép lựu hỗ trợ hạ huyết áp bằng cách nào?
Ba chất chống oxy hóa nổi bật trong lựu là pedunculagin, punicalin và gallagic axit có thể tác động đến huyết áp thông qua 3 cơ chế chính:
Giảm stress oxy hóa: Chất chống oxy hóa từ lựu có khả năng trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp cải thiện chức năng mạch máu và góp phần làm hạ huyết áp.
Ức chế men chuyển (ACE): Các hoạt chất trong lựu có thể giúp mạch máu giãn ra nhờ vào việc ngăn chặn men ACE - enzyme khiến mạch máu co lại - từ đó làm giảm huyết áp. Tác dụng này khá giống với một số loại thuốc hạ huyết áp.
Tăng sản sinh nitric oxide (NO): Nitric oxide là một loại khí do cơ thể sản sinh ra, có tác dụng làm giãn thành mạch máu. Pedunculagin trong lựu có thể kích thích giải phóng enzyme thúc đẩy tổng hợp NO, nhờ đó giúp hạ huyết áp khi nồng độ NO tăng lên.
Hiệu quả tùy liều lượng và đối tượng
Hiệu quả hạ huyết áp của nước ép lựu có thể phụ thuộc vào liều lượng. Một tổng quan nghiên cứu năm 2023 ghi nhận rằng, uống 300 ml nước ép lựu mỗi ngày giúp giảm trung bình 6 mmHg huyết áp tâm thu. Uống một lượng nhiều hơn có thể giúp giảm trung bình 3 mmHg huyết áp tâm trương.
Bên cạnh đó, theo một phân tích năm 2024, sau khi dùng nước ép lựu, những người có huyết áp tâm thu ban đầu trên 130 mmHg thường đạt mức giảm rõ hơn.
Tuy nhiên, thông qua kết quả của nhiều nghiên cứu, có thể thấy rằng hiệu quả của việc làm giảm huyết áp xảy ra tùy đối tượng, không phải với ai cũng có tác dụng. Có nghiên cứu cho thấy sau 2 tháng, tác dụng hạ huyết áp của nước lựu có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, một nghiên cứu tổng quan năm 2017 lại ghi nhận tác dụng này khá ổn định và kéo dài.
Có rủi ro nào không?
Nước ép lựu nhìn chung an toàn với hầu hết mọi người, đồng thời cung cấp nhiều dưỡng chất như vitamin C, vitamin K, folate, kali và magiê.
Tác dụng phụ của lựu tuy không phổ biến, nhưng một số người có thể bị các vấn đề như đầy bụng, buồn nôn nhẹ, táo bón, tiêu chảy (nếu dùng lượng lớn), dị ứng…
Ngoài ra, nước ép lựu chứa khá nhiều đường tự nhiên (khoảng 26 g đường mỗi cốc), nên có thể không phù hợp với người cần kiểm soát đường huyết. Hiện chưa có ghi nhận về tương tác thuốc đáng kể hoặc rủi ro cho phụ nữ mang thai hay cho con bú. Tuy nhiên, mọi người vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng lựu như một dạng phương pháp điều trị bệnh.
Cách làm nước ép lựu tại nhà
Hiện chưa có hướng dẫn chính thức về việc dùng lựu để điều trị bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gợi ý rằng uống khoảng 1 cốc (khoảng 240-300 ml) nước ép lựu mỗi ngày có thể mang lại lợi ích trong việc hỗ trợ hạ huyết áp, theo Verywell Health (Mỹ).
Sau đây là cách mọi người có thể tự ép nước lựu đơn giản tại nhà:
Khi ép xong có thể uống ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Nước ép lựu tự làm nên dùng trong vòng 5 ngày.