Nhảy đến nội dung
 

Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng chống ngập ở TP HCM

TP HCM đang dốc sức vượt qua thách thức về hạ tầng và nguồn vốn để triển khai các dự án, với quyết tâm vừa xóa ngập vừa thay đổi diện mạo đô thị.

Bước vào mùa mưa, trên địa bàn TP HCM ghi nhận nhiều tuyến đường ngập nước, trong đó có "rốn ngập" là khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức), ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt của người dân.

Nhận diện vướng mắc

Tại TP Thủ Đức, lãnh đạo Phòng Giao thông Công chánh cho biết khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên ngập do địa hình trũng, đón lượng nước lớn từ nhiều hướng, trong khi rạch Cầu Ngang chỉ rộng 5,3 m, gây nên tình trạng "thắt cổ chai" khiến nước thoát chậm. Hệ thống thoát nước hiện quá tải trong khi một số dự án chống ngập tại chợ Thủ Đức thực hiện chậm hoặc chưa hoàn thành, gây khó khăn trong việc xử lý ngập.

Tháng 9-2021, UBND TP HCM ban hành Quyết định 3272 về kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025. Sở Xây dựng TP HCM cho biết đến nay, thành phố đã giải quyết 5/18 tuyến đường ngập do mưa, gồm các đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình) và đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Ngoài ra, 1 trong 7 tuyến đường ngập do triều đã được giải quyết là đường Nguyễn Văn Hưởng, TP Thủ Đức.

Dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng đã đạt hơn 93% khối lượng; sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được ngập cho 5/7 trục chính. Điểm ngập còn lại là khu vực Bình Quới sẽ được giải quyết khi dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa hoàn thành.

Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình chống ngập được nhận diện là khó khăn về nguồn vốn, nhất là các dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; việc mời gọi đầu tư lĩnh vực thoát nước, chống ngập vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện.

Hệ thống thoát nước ở TP HCM được đầu tư qua nhiều thời kỳ, không đồng bộ. Hệ thống cũ chưa được sửa chữa, thay thế nhằm bảo đảm khả năng thoát nước. Ngoài ra, tình trạng xâm hại hệ thống thoát nước (như lấp, bít miệng thu, xả chất thải rắn làm tắc nghẽn dòng chảy…) vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến khả năng thu, thoát nước.

Trong thời gian chờ rà soát, điều chỉnh chương trình chống ngập giai đoạn sắp tới, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị đặt mục tiêu thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi…

Chỉ tiêu cụ thể là giải quyết ngập do mưa đối với 13 tuyến đường: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Đặng Thị Rành, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1 (TP Thủ Đức); Phan Anh (quận Tân Phú), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân). Đồng thời, giải quyết dứt điểm 6 điểm ngập do triều: đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7); Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và Bình Quới (quận Bình Thạnh).

Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp công trình chống ngập bằng việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách (ODA, vốn xã hội hóa thực hiện theo hình thức PPP) để thực hiện những dự án đồng bộ theo lưu vực thoát nước.

Việc quan trọng nữa là rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình chống ngập. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các chương trình thoát nước.

Cải tạo nhiều kênh rạch, hệ thống thoát nước

Nhiều địa phương tại TP HCM cũng đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập.

Giữa tháng 5-2025, dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại đường Nguyễn Văn Khối và Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 350 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là giải quyết ngập khu vực Công viên Làng Hoa, đường Nguyễn Văn Khối, đường Lê Văn Thọ, một phần đường Phạm Văn Chiêu và đường số 51.

Mới đây, dự án cải tạo kênh chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất (Kênh A41) với tổng kinh phí gần 140 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) được triển khai. Khi hoàn thành - dự kiến vào quý II/2026, dự án không chỉ giúp tăng cường khả năng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn mang lại nhiều lợi ích trong việc chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống và tạo nên một tuyến đường mới, thuận tiện đi lại.

Trong khi đó, dự án cải tạo rạch Bà Tiếng (quận Bình Tân) dài 2 km với mức đầu tư, giải phóng mặt bằng 1.300 tỉ đồng, đã hình thành tuyến đường rộng 14 m sau 4 năm thực hiện. Công trình gồm một đoạn cống hộp và một đoạn kênh hở kết hợp đường giao thông hai bên. Dự án hoàn thành sẽ giúp thoát nước, chống ngập khu vực khoảng 300 ha của 3 phường An Lạc, An Lạc A và Bình Trị Đông B, khu dân cư Bình Trị Đông và cả trụ sở UBND quận Bình Tân. 


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn