Con số đáng buồn ở quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

![]() |
Nhiều người trẻ Hàn Quốc không có ý định sinh con. Ảnh minh họa: Nina Ahn. |
Chỉ 37,8% nam và nữ trong độ tuổi 20-49 bày tỏ mong muốn có con, trong khi 42,6% cho biết họ không có ý định sinh con, 19,6% còn đang do dự. Trong số những người không có ý định sinh con, 44,1% cho biết họ có thể sẽ cân nhắc lại nếu các chính sách của chính phủ và sự hỗ trợ từ doanh nghiệp được mở rộng đáng kể, theo Chosun.
Viện Dân số Bán đảo Hàn Quốc vì Tương lai, phối hợp với công ty khảo sát Embrain, đã tiến hành cuộc khảo sát chuyên sâu về hôn nhân và sinh con với 2.000 nam và nữ trên toàn quốc trong độ tuổi 20-49. Kết quả cho thấy 87% người được hỏi cho rằng vấn đề tỷ lệ sinh thấp là nghiêm trọng, tăng từ 82% so với năm ngoái.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 53,2% trong số 1.164 người chưa kết hôn bày tỏ mong muốn lập gia đình. Trong khi đó, 27,4% không có ý định kết hôn và 19,4% còn phân vân. Tỷ lệ phụ nữ không muốn kết hôn (34,6%) cao hơn đáng kể so với nam giới (21,5%).
Khi được hỏi lý do không muốn kết hôn, nam giới đưa ra các nguyên nhân chính như bất ổn tài chính (20,1%), tin rằng sống một mình sẽ hạnh phúc hơn (18,9%) và khó đáp ứng điều kiện thực tế để kết hôn (15,8%).
Trong khi đó, phụ nữ cho rằng họ hạnh phúc hơn khi sống một mình (17,6%), xã hội vẫn còn định kiến gia trưởng và bất bình đẳng giới (16,2%) và lo ngại không tìm được người phù hợp để kết hôn (12,4%).
Về sinh con, 42,6% người tham gia khảo sát nói rằng họ không có ý định này. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ (52,9%) cao hơn nhiều so với nam giới (33,1%). Theo độ tuổi, tỷ lệ không muốn sinh con cao nhất ở nhóm tuổi 40 (63,9%), tiếp theo là nhóm tuổi 30 (35,2%) và 20 (23,6%).
Phụ nữ không muốn sinh con chỉ ra các lý do như cảm thấy không cần thiết (13,9%), thiếu nguồn lực tài chính để nuôi con (12,7%) và chi phí giáo dục cao (10,7%). Trong khi đó, nam giới nêu ra bất ổn việc làm (17,9%), khó khăn tài chính trong việc nuôi con (16,0%) và không thấy cần thiết phải sinh con (10,5%).
Tuy nhiên, nhiều người được khảo sát cho biết họ có thể thay đổi quan điểm về hôn nhân hoặc sinh con nếu chính sách của chính phủ và hỗ trợ từ doanh nghiệp được cải thiện. Trong số 544 người chưa kết hôn và không có ý định kết hôn, 38,6% nói rằng họ có thể suy nghĩ lại nếu có nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ và doanh nghiệp. Ngược lại, 61,4% cho biết họ sẽ vẫn không kết hôn dù có sự hỗ trợ như vậy.
Tương tự, trong số 1.245 người không muốn sinh con, 44,1% cho biết họ có thể thay đổi suy nghĩ nếu chính sách và hỗ trợ từ chính phủ cũng như doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, 55,9% nói rằng họ sẽ vẫn giữ nguyên quyết định không sinh con, bất kể có thay đổi chính sách hay không.
Về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ được ủng hộ nhất để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp, trên thang điểm 100, “mở rộng nghỉ phép thai sản và hỗ trợ lương” đạt điểm cao nhất là 73,4. Tiếp theo là “trợ cấp hàng tháng cho con và cha mẹ” (70,5), “giảm chi phí y tế cho trẻ em” (68,4), “chương trình hỗ trợ chăm sóc trẻ” (68,3), và “tăng số lượng nhà trẻ, mẫu giáo công lập” (63,7).
Đối với chính sách hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, các biện pháp được đánh giá cao gồm “trợ cấp giáo dục cho con cái” (72,0), “hỗ trợ chi phí nuôi con” (70,7), “chính sách nghỉ thai sản tự động” (69,9), “giảm giờ làm cho cha mẹ” (69,0) và “nghỉ phép làm cha bắt buộc” (68,8).
Một quan chức từ Viện Dân số Bán đảo Hàn Quốc vì Tương lai nhận định: “Hiệu quả của các chính sách phụ thuộc vào cách công chúng nhìn nhận việc sinh con. Hỗ trợ tài chính trực tiếp có thể giúp tăng tỷ lệ sinh tạm thời, nhưng để phục hồi bền vững cần những chính sách giải quyết các vấn đề xã hội và cấu trúc sâu xa”.
'Thế hệ lo âu'
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.