Cô học trò xin được cứu giúp để không đơn độc trước bão giông cuộc đời

Đạt số điểm 27,75 khối A00 (toán: 9; hóa học: 9,5; vật lý: 9,25) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nhưng cô học trò này đang chồng chất nỗi lo. Phải làm sao để vừa lo cho mẹ đang bệnh nặng, vừa thực hiện được ước mơ vào giảng đường? Câu hỏi ấy cứ bủa vây cô học trò nhỏ.
"Em không muốn đơn độc nữa"
Tại buổi lễ trưởng thành năm cuối cấp, Thái Mạc Tường Vi, cựu học sinh lớp 12A5 Trường THPT Tây Thạnh TP.HCM, đã thốt lên trong nghẹn ngào: "Em không muốn đơn độc nữa". Ngay ở giây phút ấy, em và câu chuyện của mình đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người chứng kiến.
Tường Vi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Đến hiện tại em vẫn chưa biết mặt ba mình. Những năm qua, mẹ em vừa là trụ cột kinh tế, vừa là người chăm lo gia đình. Với Vi, mẹ luôn âm thầm gánh vác mọi khó khăn, cố gắng để em có được một mái nhà đủ đầy yêu thương. Nhưng rồi, biến cố ập đến khi Vi bước vào năm học quan trọng nhất, năm đối diện với những ngã rẽ cuộc đời, thì mẹ bất ngờ đổ bệnh nặng.
"Tai biến, nhiễm trùng máu (căn bệnh đột ngột mà mẹ Vi phải gánh chịu - PV) là những từ ngữ quá lớn đối với một cô gái 17 tuổi. Lần đầu tiên, em đứng dưới cơn mưa lớn của cuộc đời - đột ngột và dữ dội. Lần đầu tiên, em cảm nhận sự lạnh lẽo của hành lang bệnh viện, sự nặng nề của tiếng thở dài và nỗi bất lực trong chờ đợi", Vy chia sẻ trong nước mắt tại lễ trưởng thành.
Chỉ trong vài ngày, mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ trước mắt cô học trò nhỏ. Ước mơ đại học, những dự định được ấp ủ bấy lâu, cả một tương lai tươi đẹp phía trước bỗng trở nên mờ mịt, xa vời.
"Áp lực học hành và gánh nặng cuộc sống đè lên vai em, trong khi em chưa từng nghĩ bản thân sẽ phải mạnh mẽ đến vậy. Có những đêm em thức trắng, vì sợ mình không đủ sức bước tiếp, sợ rằng chỉ trong một giây buông tay, tất cả sẽ vỡ tan. Và rồi, trong những ngày tháng chông chênh ấy, em đã chọn viết một lá thư xin học bổng, như một cách dũng cảm để bày tỏ rằng: Em không muốn đơn độc nữa", cô học trò nhỏ trải lòng.
Vô định giữa ngã ba của áp lực và nỗi đau
Gặp chị Thái Thị Huyền Trang (mẹ của Vi) sau gần 1 năm chiến đấu với bệnh tật, giọng nói chị giờ đây vẫn chưa rõ, đôi chân cũng chưa thể đứng vững và nỗi lo về chặng đường phía trước của đứa con gái bé bỏng vẫn luôn thường trực.
Giọng nói ú ớ, tiếng được tiếng mất, chị Trang kể về thời khắc kinh hoàng nhất cuộc đời mình: "Trước đó, vào tháng 5.2024, tự dưng tôi bị đớ đớ cái miệng, kiểu khó nói, như một dạng tai biến nhẹ, sau đó điều trị hết. Đến tháng 11.2024 thì tôi bị như thế này. Ngày hôm đó vẫn bình thường, đang đi công tác, tự dưng cơ thể mệt rồi đột quỵ không biết gì sau đó nữa".
Anh Thái Vĩnh Hậu, em trai chị Trang, cho biết thời điểm đó chị đang trong tình trạng nguy kịch. "Bác sĩ nói chị bị vết thương trong bụng, nhiễm trùng máu, khả năng sống rất thấp và báo người nhà chuẩn bị tinh thần. Lúc đó chị ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, thở bằng máy và chờ lọc máu. Nhưng thật may mắn, hơn 1 tuần sau thì chị tỉnh lại, nhưng lúc này chỉ mới mở mắt chứ chưa nhận biết được gì", anh Hậu kể.
Sau thời gian điều trị, chị Trang được về nhà trong tình trạng bị liệt nửa người và không nói được; nhưng với cả gia đình, đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Anh Hậu nói: "Lúc đó chấp nhận chị liệt cũng được, miễn sao sống và nhận thức được là mừng lắm rồi. Lúc đầu còn sợ chị bị tổn thương não nhưng sau khi điều trị, trí nhớ chị dần dần khôi phục, mặc dù không nói được; bây giờ thì đỡ hơn, nhưng cũng chỉ là nghe người khác nói rồi nói theo".
Anh Hậu cho biết chi phí điều trị của chị Trang khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng gia đình lúc đó không có tiền, mỗi anh chị em có bao nhiêu góp bấy nhiêu, rồi anh Hậu chạy vạy thêm, làm đơn xin để bệnh viện vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.
Thời điểm nhận tin của mẹ, Vi đã rất sốc. Em không thể ngờ sau tin nhắn vào buổi sáng hôm đó với em, mẹ đã bị đột quỵ. Nhớ lại, Vi nắm chặt tay mẹ và khóc. Nước mắt em không ngừng rơi.
Em khóc như vô định giữa ngã ba của áp lực và nỗi đau. "Cảm giác của em lúc đó rất khó tả, em thấy tương lai của mình sắp thay đổi. Lúc mẹ chưa tỉnh lại, em cứ sợ mẹ sẽ bỏ mình đi. Sau đó em cố gắng học cách quên đi những suy nghĩ đó, vững vàng hơn để bên cạnh mẹ", cô học trò nhỏ nghẹn ngào.
Ước mong giảng đường đại học
Sau khi mẹ tỉnh lại, dù tính mạng đã không còn nguy hiểm nhưng vẫn không thể tự sinh hoạt, đi lại, mọi thứ đều cần có sự hỗ trợ từ người thân. Vi hiểu trên chặng đường phía trước, em phải là đôi chân, là chỗ dựa vững chãi cho mẹ.
Chính vì thế, dù cứ đêm về là Vi khóc, khóc rất nhiều mỗi khi nghĩ đến tương lai, nhưng em cố trấn an bản thân và giữ bình tĩnh để học tiếp. "Em nghĩ mẹ bị như vậy, sau này không thể gánh vác kinh tế gia đình được nữa. Em phải tự đi một mình và lo cho cả mẹ nữa", Vi bộc bạch và kể thêm: "Ban đầu em nghĩ sẽ dừng việc học để đi làm. Nhưng rồi em cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, bắt đầu tìm hiểu các học bổng để có thể đăng ký. Các suất học bổng em tìm hiểu thì thường mở đơn vào tháng 7 hoặc tháng 8, nhưng đến khoảng tháng 3 năm nay, em không có tiền để đóng học phí, những áp lực kinh tế lúc đó là quá lớn với em".
Cũng may thời điểm đó, khi biết được hoàn cảnh của Vi, thầy cô, bạn bè trong trường đã đóng góp, hỗ trợ em nộp học phí. Vi biết ơn thầy cô, bạn bè và những người thân đã đứng ra cùng em đỡ lấy sóng gió trong những ngày mẹ lâm bệnh nặng, để em có thể đi được đến ngày hôm nay.
Giờ đây, nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT với số điểm hằng mong nhưng Vi lại nơm nớp những nỗi lo: tiền đâu để em thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học? Vi luôn mong ước được học ngành khoa học dữ liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nghĩ đến tương lai của con, chị Trang 2 hàng nước mắt chảy dài, giọng ú ớ trong bất lực: "Lúc đổ bệnh xong nghĩ đến chuyện không ai lo cho Vi, rồi con mình sẽ phải nghỉ học, cứ nghĩ đến là tôi lại khóc".
Chị Vũ Thị Ngọc Ánh, Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.35, P.Bình Tân, TP.HCM (trước đây là KP.35, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết chị Trang là mẹ đơn thân, từ khi bị bệnh nằm một chỗ thì không có nguồn thu nhập mà con còn đang đi học nên cuộc sống rất khó khăn. Chị Ánh cũng có kêu gọi hỗ trợ từ người thân, bạn bè nhưng chỉ được một phần ít. Chị Ánh mong các nhà hảo tâm sẽ hỗ trợ thêm vì hoàn cảnh của gia đình Vi thực sự rất khó khăn.
Là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Vi, thầy Trần Văn Tuấn cũng lo sợ cho chặng đường học đại học sắp tới của cô học trò. Thầy Tuấn nói: "Vi học giỏi, điểm thi của em thuộc top cao ở trường. Nhưng với hoàn cảnh của em, chặng đường dài sắp tới sẽ nhiều khó khăn. Rất mong các mạnh thường quân hỗ trợ để Vi được tiếp tục đến trường, hoàn thành ước mơ giảng đường đại học của em".