Nhảy đến nội dung
 

Cấm dần xe máy chạy xăng: Người dân mong muốn gì?

Theo lộ trình đến ngày 1-7-2026 không có mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong đường vành đai 1 Hà Nội.

Tại chỉ thị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hà Nội lên phương án thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1-7-2026 không có mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong đường vành đai 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, một lãnh đạo Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết lộ trình và chính sách cụ thể thực hiện cấm xe máy xăng chạy trong đường vành đai 1 "đang được xây dựng". 

Vị này nêu rõ hiện TP xây dựng lộ trình cụ thể, trong đó gồm nhiều nội dung chứ không chỉ việc hỗ trợ người dân đổi sang xe điện. Còn một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng sở đang nghiên cứu vì "nội dung này cũng rất phức tạp".

Hỗ trợ người dân

Làm nghề xe ôm tại khu vực phố Cửa Bắc (phường Ba Đình), ông Mai Văn Tâm cho rằng chỉ thị hạn chế khí thải của Thủ tướng rất tốt. Song ông đề nghị cần kiểm định khí thải từng xe và có thời hạn cụ thể để người dân có thời gian thích nghi, thay đổi. 

Ông nói nếu Hà Nội cấm xe xăng vào năm sau là "hơi gấp", bởi điều kiện kinh tế người dân không đủ để thay đổi liền một lúc.

"Người dân sẽ gặp khó khăn về kinh tế để thay đổi xe, đặc biệt dân nghèo. Hiện người dân bốn quận lõi và toàn bộ người dân Hà Nội cùng lượng dân từ các tỉnh đang làm ăn ở Hà Nội hầu như đều đi xe máy. 

Tôi nghĩ Hà Nội nên kiểm định khí thải cho từng xe máy xăng, xe nào đạt chuẩn vẫn cho đi vào nội đô và quy định rõ thời gian được đi vào để người dân thay đổi từ từ. Trong thời gian đó người dân sẽ chắt chiu, tiết kiệm, có tiền mới thay đổi được vì xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân", ông Tâm nêu suy nghĩ.

Còn chị Nguyễn Thị Dung (đang sống ở đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cũng cho hay hiện người dân trong đường vành đai 1 sử dụng xe máy xăng làm phương tiện di chuyển rất nhiều.

Do vậy khi cấm cần có lộ trình rất cụ thể, thông tin rõ ràng cho người dân biết, để chuẩn bị thực hiện. Đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ về chi phí chuyển đổi và nhất là vấn đề nơi để xe, các trạm sạc xe máy điện. 

"Tôi nghĩ mọi người ai cũng biết xe điện tốt, thân thiện môi trường nhưng vấn đề an toàn PCCC và vấn đề sạc thế nào là bài toán cần tính nếu thực hiện trong vòng một năm tới", chị Dung nêu quan điểm.

Tăng cường giao thông công cộng

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nhấn mạnh với tình hình ô nhiễm không khí ở mức cao, nhất là vấn đề bụi mịn ở Hà Nội thời gian qua thì việc có các giải pháp hạn chế, ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm là rất cần thiết. 

"Việc giảm các loại xe chạy bằng xăng dầu, trong đó cấm xe máy chạy xăng dầu từ 1-7-2026 trong đường vành đai 1 là tất yếu", ông Cừ nói.

Tuy nhiên để thực hiện được việc cấm này trong khoảng thời gian còn một năm nữa, theo ông Cừ không chỉ là thực thi mệnh lệnh hành chính mà cần tập trung tăng cường giao thông công cộng trong khu vực đường vành đai 1. 

Trong đó Chính phủ, Hà Nội phải có cơ chế, chính sách để đầu tư, chuẩn bị đảm bảo cơ sở hạ tầng, nhất là các phương tiện xe buýt, xe máy điện, năng lượng sạch, tàu điện, xe đạp... để phục vụ cho người dân khi cấm xe máy chạy xăng dầu. 

Bên cạnh đó cần có các giải pháp hỗ trợ, nhất là về tài chính, cho người dân chuyển đổi sang các loại xe máy chạy điện, sử dụng năng lượng sạch...

Ông nói thực tế việc cấm này không chỉ ảnh hưởng đến những người ở trong đường vành đai 1 mà sẽ ảnh hưởng chung tất cả người dân bên ngoài khi có nhu cầu đi vào các khu vực này. Trong khi đó xe máy chạy xăng là phương tiện chính, giúp kiếm sống của rất nhiều người dân và không ít trong số đó là những người dân có thu nhập thấp. 

"Vì vậy phải nghiên cứu, tính toán để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm người nghèo, thu nhập thấp để họ có đủ nguồn tài chính chuyển đổi sang xe điện...", ông Cừ nói.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng để thực hiện được chính sách này trong vòng một năm tới, Hà Nội cần có khảo sát để xác định cụ thể số lượng người dân, phương tiện sẽ bị ảnh hưởng. 

Trong đó cần xây dựng các mô hình, phân chia cụ thể các nhóm người dân nghèo, có thu nhập thấp cần phải hỗ trợ.

Thực tế theo ông Huân, với những người có thu nhập thấp, đa phần đều sử dụng các loại xe máy xăng cũ, tuổi đời cao, nếu chuyển đổi sang xe điện phải tốn chi phí lớn. 

Do vậy với nhóm này có thể đa dạng các loại hỗ trợ như sau khi thanh lý xe máy chạy xăng, số tiền còn lại phải chi để chuyển đổi sang xe điện sẽ được chính quyền Hà Nội hỗ trợ 50%, người dân bỏ ra 50% hay chính quyền hỗ trợ 30%, còn lại người dân lo. 

"Việc này sẽ phải phụ thuộc vào thống kê số lượng cụ thể và nguồn lực từng thời kỳ của địa phương để đảm bảo cân đối nguồn hỗ trợ", ông Huân nêu.

Hỗ trợ người dân chuyển sang xe điện

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho hay để chính sách đi vào cuộc sống, không chỉ việc cấm xe mà còn phải có các biện pháp hỗ trợ người dân khi thực hiện chính sách trên. 

Nêu giải pháp, ông Tùng đề nghị Hà Nội cần ban hành ngay các chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

"Cấm xe người dân đi lại như thế nào, người dân sống bên trong đường vành đai 1 như thế nào, bên ngoài đường vành đai 1 đi vào trong như thế nào? Hà Nội phải nghiên cứu và ban hành ngay chính sách này, công bố và công khai cho người dân biết để họ yên tâm, tôi cho rằng rất cần thiết", ông chỉ rõ. 

Ông nhấn mạnh nếu chuyển sang đi xe điện, người dân rất quan tâm hệ thống sạc như thế nào để thuận tiện và an toàn. Vì vậy phải có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về vấn đề này, phải làm sao việc sạc điện thuận tiện như việc đổ xăng thì người dân mới yên tâm chuyển đổi.

Ngoài ra khi chuyển đổi xe sẽ có những người ở ngoài đường vành đai 1 vẫn đi xe máy vào và gửi xe ở khu vực bắt đầu cấm xe xăng, vì vậy Hà Nội cần xây dựng các điểm gửi xe cho người dân tại khu vực này. 

"Giao thông công cộng cũng phải đảm bảo được nhu cầu của người dân. Hà Nội cũng đang đẩy nhanh hệ thống đường sắt đô thị, xanh hóa các hệ thống xe buýt. Tuy nhiên Hà Nội cần phải đẩy nhanh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để mở rộng thêm mạng lưới xe buýt, đặc biệt là các xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách để họ thấy được sự thuận tiện", ông gợi ý.

Trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon, việc chuyển đổi từ xe chạy bằng xăng, dầu diesel sang xe điện đang trở thành xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên đây không đơn thuần là câu chuyện thay thế phương tiện giao thông mà là một quá trình chuyển đổi phức tạp đòi hỏi sự kết hợp giữa chính sách, cơ sở hạ tầng và thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Nhiều quốc gia đã triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi này, thu được những kết quả khác nhau từ những hình mẫu thành công như Na Uy, Trung Quốc đến những trường hợp chuyển đổi chậm hoặc gặp khó khăn. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn