Các tỉnh chuẩn bị chống bão số 3 Wipha: Chuẩn bị kỹ để giảm thiệt hại

Trong hôm qua, khắp các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão như Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình đã hết sức mình chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 Wipha gây ra.
Các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An thì chủ động trước khả năng có mưa rất lớn.
Quảng Ninh: đưa 14.000 khách du lịch từ các đảo về bờ
Từ chiều 21-7, tại các đảo Cô Tô, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) mưa bắt đầu lớn hơn, sóng biển mạnh, gió giật cấp 6, cấp 7.
Trong đất liền, tại các phường Bãi Cháy, Hạ Long cũng có mưa kèm theo gió mạnh. Tỉnh đã huy động hơn 2.660 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng để sẵn sàng ứng phó.
Tại đảo Cô Tô, lực lượng quân đội, công an của đặc khu đã sơ tán người dân, đặc biệt ưu tiên đưa các em nhỏ, người già và phụ nữ, từ tàu thuyền và lồng bè lên bờ an toàn.
Chính quyền đặc khu Cô Tô đã tổ chức đưa 8.850 khách du lịch vào đất liền, những du khách còn lại trên đảo đều đã ký cam kết chấp hành nghiêm quy định phòng chống bão.
Tại cảng Cái Xà Cong (phường Hạ Long, Quảng Ninh), hàng trăm tàu đánh bắt thủy sản đã về đây neo đậu an toàn. Ngư dân đã dùng dây chằng buộc, gia cố tàu thuyền.
Một số người dân ở các khu vực ven biển cũng mang bao cát gia cố cửa kính, chằng buộc nhà cửa.
Toàn tỉnh có 7.700 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đều đã được thông tin về bão để triển khai các giải pháp ứng phó. Việc rà soát, di dời người dân ở các tàu bè lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ) đã được triển khai khẩn trương.
Đến trưa hôm qua, toàn tỉnh đã đưa 7.500 người lên bờ an toàn và đang tiếp tục rà soát hoàn thành công tác này trong ngày. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức đưa khoảng 14.000 khách du lịch các tuyến đảo về bờ an toàn.
Đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số phường, ông Phạm Đức Ấn, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh cơn bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, khả năng ảnh hưởng và uy hiếp an toàn tài sản nhân dân cao nên các địa phương "không được chủ quan, lơ là".
Hưng Yên: túc trực từ 18h ngày 21-7 chống bão số 3 Wipha
Từ trưa 21-7, các xã ven biển Hưng Yên bắt đầu có mưa lớn kèm gió mạnh từng đợt. Tại khu vực các xã Nam Cường, Đồng Châu..., hàng trăm tàu bè đã về nơi tránh trú an toàn.
Các nhà hàng, khu du lịch được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, lán tạm để hạn chế thiệt hại. Đến 20h, toàn bộ khu vực Đồng Châu đã mất điện, gió bắt đầu lớn dần.
Theo Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hưng Yên, tất cả tàu bè hoạt động trên biển đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh có 980 chòi canh ngao với 969 lao động canh coi trên các bãi ngao, 2.769 đầm với 3.341 lao động nuôi trồng thủy hải ở các xã ven biển.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã yêu cầu từ 18h ngày 20-7 tất cả cơ quan, đơn vị sẵn sàng trực ban 24/24h.
Địa phương này cũng đã dừng hoàn toàn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung ứng phó với bão; tạm dừng tổ chức đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 cho đến khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thông báo mới.
Các lực lượng vũ trang được yêu cầu sẵn sàng quân số, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động bất ngờ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền cơ sở và lực lượng tiền phương trong xử lý tình huống và sự cố xảy ra.
Ninh Bình: tập trung tránh ngập lụt tại vùng đô thị, khu công nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy đã thị sát tại một số trạm bơm tiêu úng cho các khu công nghiệp, diện tích lúa và hoa màu cùng các công trình thủy lợi trọng điểm.
Ông yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp phải nâng cao năng lực tiêu úng cho các kênh dẫn trong nội khu về trạm bơm đầu mối, không để xảy ra úng ngập tại các khu công nghiệp.
"Cần phải rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9-2024. Các địa phương, nhất là vùng đô thị và khu công nghiệp, thực hiện việc chằng chống, hạn chế gãy đổ cây xanh khi mưa bão đổ bộ vào đất liền. Sở Công Thương điều hành đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ cho các trạm bơm tiêu nước trong thời gian bão về.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh tập trung khơi thông dòng chảy, huy động cán bộ, công nhân viên túc trực vận hành máy bơm, tiêu nước cho các vùng úng trũng. Triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều trên địa bàn", ông Huy nói.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã đi kiểm tra các tuyến đê, kè, cống và tuyến đê hữu Ninh Cơ nằm trên địa bàn xã Nghĩa Sơn; kiểm tra tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy - có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, đặc biệt là bảo vệ khu vực ven biển, trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Kể từ chiều 21-7, tỉnh Ninh Bình yêu cầu tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại điểm du lịch sử dụng phương tiện đường thủy nội địa như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc; khu du lịch Tam Chúc, Thung Nham, Thung Nắng, Kênh Gà, Vân Long...
Thanh Hóa: dựng lán tạm để người dân tránh trú mưa lũ
Tại xã vùng cao, biên giới Na Mèo (tỉnh Thanh Hóa), do bị thiệt hại từ bão số 4 cuối tháng 9-2024, đồi đất phía trên khu dân cư, trường học, nhà văn hóa bản Cha Khót bị sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều vết nứt, sạt lở kéo dài 300m, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của 55 hộ dân với 220 nhân khẩu của bản. Bản này cách trung tâm xã Na Mèo gần 7km, giao thông đi lại khó khăn, nên việc di dân từ bản ra công trình kiên cố ở trung tâm xã để tránh mưa lũ gặp bất cập.
Theo dự báo, hai ngày tới tại xã Na Mèo sẽ có mưa lớn, nguy cơ bản Cha Khót bị sạt lở đất đá rất cao.
Do vậy, ngày 21-7 lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đã dựng xong 5 lán tạm tại khu vực an toàn, sẵn sàng di dời người dân bản Cha Khót đến ở để phòng tránh sạt lở đất đá khi mưa lũ.
Chiều 21-7, ông Ngân Phúc Hậu, phó chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho hay xã đã vận động người dân bản Cha Khót sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú mưa lũ an toàn khi có lệnh của cấp trên.
Bên cạnh đó, tại xã vùng cao Trung Hạ (tỉnh Thanh Hóa), đến cuối giờ chiều 21-7, công an, dân quân, người dân địa phương đã di dời toàn bộ 39 hộ dân với 168 nhân khẩu ở bản Muỗng đến nơi tạm trú an toàn để phòng tránh mưa lũ.
Số người dân này sinh sống dọc đồi thấp ven sông Lò, khe, suối có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao khi mưa lũ. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa di dời dân khẩn cấp để phòng tránh thiệt hại do mưa lũ có thể xảy ra.
Nghệ An: ứng phó mưa lớn sau bão
Theo Đài khí tượng thủy văn Nghệ An, từ ngày 21 đến 23-7, tại Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm; các xã phía Bắc tỉnh Nghệ An có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.
Nghệ An có hơn 1.061 hồ đập thủy lợi trong đó có 172 hồ đầy nước, 463 hồ mực nước trên 70%, 400 hồ có dung tích từ 50 - 70%. Có 23 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó đến ngày 21-7 đã có 4 hồ thủy điện xả nước để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3, ông Nguyễn Văn Đệ, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lưu ý trong thời gian qua Nghệ An xảy ra mưa lớn cục bộ gây sạt lở đất tại huyện miền núi, nên trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn.
Ông Đệ yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi... trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tránh thiệt hại đáng tiếc về người.