30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Đối tác và chuyện lòng tin thương mại

Chính sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, chia sẻ tầm nhìn và lợi ích là trụ cột trong quan hệ nói chung và quan hệ thương mại giữa hai nước Việt - Mỹ nói riêng…
XEM VIDEO:
Kính thưa quý độc giả.
Trải qua 30 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Thời gian qua, quan hệ hai nước đã phát triển rất mạnh mẽ, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ. Đến nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức không nhỏ – đặc biệt trong lĩnh vực thuế quan, xây dựng lòng tin thương mại hai bên.
Bàn tròn hôm nay với chủ đề: “Ba thập niên quan hệ Việt-Mỹ: Đối tác và câu chuyện lòng tin thương mại”.
Khách mời tham dự bàn tròn là ba nhà ngoại giao kỳ cựu – những người đã góp phần tạo dựng và gìn giữ cầu nối giữa Hà Nội và Washington suốt ba thập niên qua.
Xin trân trọng giới thiệu:
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ Việt Nam với Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Ông được bổ nhiệm là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2014. Hiện Đại sứ là Cố vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế (CSSD); cố vấn cao cấp của Tập đoàn Á châu (Asia group).
Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink: Ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với nhiều năm làm việc tại châu Á, đặc biệt tại Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ông gần đây đảm nhận cương vị mới trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn Á Châu (Asia group) - tập đoàn tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp lớn có liên quan trong làm ăn với khu vực mà một trong những trọng điểm là Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Ông hiện là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.
Lòng tin và chia sẻ lợi ích hai bên
Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, sau 30 năm bình thường hóa quan hệ và phát triển, theo ông đâu là những trụ cột ổn định cho thương mại Việt – Mỹ?
Nhìn lại chiều dài lịch sử 30 năm qua thì cốt lõi, trụ cột nhất trong quan hệ chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có thương mại là câu chuyện lòng tin và chia sẻ lợi ích hai bên. Dù trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng chính việc ngày càng chia sẻ lợi ích, ngày càng tăng cường xây dựng lòng tin đã tạo đà cho quan hệ song phương và giúp mối quan hệ ấy vượt qua rất nhiều thách thức.
Câu chuyện thương mại cũng vậy. Vì chính những thỏa thuận đạt được, như Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ tháng 12/2001, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007…, hai bên ngày càng tiến lại gần nhau, chia sẻ với nhau dựa trên sự hiểu biết và tin cậy.
30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng song hành với sự đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam mở cửa, cải cách trong nước, mở rộng kinh tế, tăng cường vai trò của người dân, hội nhập nhiều hơn với thế giới... từ đó tạo ra năng lực mới cho Việt Nam về mặt kinh tế, cũng như thương mại để có thể hợp tác một cách nhiều hơn, đầy đủ hơn và có sức cạnh tranh hơn trên trường thế giới cũng như trong hoạt động thương mại với Hoa Kỳ.
Chính sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, chia sẻ tầm nhìn và lợi ích là trụ cột trong quan hệ nói chung và quan hệ thương mại giữa hai nước Việt – Mỹ nói riêng.
Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Tôi cho rằng Việt Nam ngày càng giữ vai trò thiết yếu và đang thực sự nằm ở trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi nhìn lại 30 năm phát triển kinh tế của Việt Nam, tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà những thành tựu kinh tế ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong ba thập kỷ qua lại gắn liền với tiến bộ trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tôi cho rằng các chính sách hội nhập của Việt Nam vào hệ thống quốc tế có liên hệ trực tiếp với chính sách Đổi Mới và chính sách bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Tôi rất tự hào rằng hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và giúp nâng cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần đặc biệt ghi nhận nỗ lực của các nhà lãnh đạo Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, những người đã làm rất tốt công việc của mình, bao gồm cả việc thu hút đầu tư nước ngoài — một phần lớn đến từ Hoa Kỳ. Từ các chuỗi cung ứng đơn giản như dệt may, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đến các chuỗi cung ứng then chốt và tiến tới chuỗi cung ứng công nghệ cao liên quan đến chất bán dẫn. Những thành tựu của Việt Nam thực sự là đáng kinh ngạc. Đây chính là lý do tại sao Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam – nơi chính phủ cởi mở và người dân làm việc chăm chỉ
Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Theo ông, tại sao Việt Nam lại thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Mỹ trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 đến nay?
Trước hết, tôi đồng ý với hai Đại sứ. Hiện tại, chúng tôi đại diện cho khoảng 184 công ty lớn nhất đang hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, phần lớn là các công ty đến từ Hoa Kỳ. Và mối quan tâm hàng đầu của họ chính là Việt Nam.
Tại sao họ lại đầu tư vào Việt Nam nhiều đến vậy? Như Đại sứ Vinh và Đại sứ Kritenbrink đã phân tích, điều này bắt đầu từ những năm đầu 2000, khi Việt Nam tìm cách hội nhập, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Các chỉ số kinh tế bắt đầu tăng mạnh vào năm 2008. Sau đại dịch COVID, các chỉ số này có tăng, nhưng bước chuyển mình thực sự đã bắt đầu từ năm 2008. Và đó là nhờ vào những quyết định của chính phủ Việt Nam.
Từ đó, 184 tập đoàn chúng tôi đại diện đã bắt đầu nhận thấy cơ hội tại Việt Nam, nơi có chính phủ nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, sẵn sàng đưa ra các chính sách ưu đãi, thân thiện với doanh nghiệp. Trong thực tế, đầu tư luôn luôn đi sau thương mại. Và các con số đầu tư đã tăng vọt không chỉ từ các công ty Mỹ, mà còn từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc từ khoảng năm 2008 và tiếp tục tăng trưởng đến nay.
Tôi cho rằng, ngoài môi trường rất cởi mở mà chính phủ Việt Nam đã tạo ra, còn một yếu tố rất quan trọng khác: Người dân Việt Nam làm việc vô cùng chăm chỉ. Không người dân ở bất kỳ quốc gia nào làm việc chăm chỉ hơn thế. Và điều mà các công ty nhận ra khi đến Việt Nam là họ tìm thấy một lực lượng lao động có động lực cao, với năng lực ngày càng được cải thiện.
Tôi rất tự hào nói rằng một số công ty chúng tôi đại diện đã và đang trực tiếp đóng góp vào quá trình này. Trong cuộc họp giữa Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, đại diện của Tập đoàn Intel nói rằng, họ đã đào tạo 60.000 lao động Việt Nam đạt trình độ kỹ sư cơ bản. Con số đó được nhân lên với rất nhiều công ty khác đang có chính sách mang đến lợi ích trực tiếp trong việc phát triển và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động của Việt Nam.
Thông qua sự trao đổi giáo dục diễn ra với quy mô lớn, có hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Đồng thời, trong nước cũng có rất nhiều cơ hội đến từ sự hỗ trợ của các công ty mong muốn phát triển và nâng cao năng lực của lao động Việt Nam.
Hai mặt của câu chuyện thuế quan
Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, nếu nhìn về chiều dài quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ thì theo ông, chính quyền Mỹ qua các nhiệm kỳ có thay đổi cách tiếp cận về vấn đề thuế quan đối với Việt Nam hay không?
Nếu nhìn lại chiều dài quan hệ giữa hai nước, điều đầu tiên chúng ta phải nhận xét trước khi nói về thuế quan, đó là quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục phát triển và phát triển vượt bậc.
Ví dụ lấy con số năm 1994-1995, khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại hai chiều chưa đến nửa tỷ USD. Ngày nay, chúng ta đã có gần 150 tỷ USD thương mại hai chiều. Việt Nam và Hoa Kỳ luôn nhận thấy nhau là những đối tác chung và đối tác kinh tế - thương mại cực kỳ quan trọng. Như Đại sứ Kritenbrink và Đại sứ Ted Osius nói, hai bên bây giờ nằm trong chuỗi cung ứng đan xen lợi ích với nhau và rất cần nhau.
Thứ hai là đà phát triển về kinh tế, thương mại với những con số ấn tượng cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, sự mở cửa thị trường của Mỹ đối với Việt Nam và sức mua của thị trường Mỹ đối với Việt Nam ngày càng được tăng cường nên hai bên có thể giao lưu hàng hóa, buôn bán và làm ăn với nhau được như vậy.
Thứ ba là câu chuyện thuế quan. Trong thời gian tôi làm đại sứ tại Mỹ thấy cả hai mặt, có những mức thuế là rào cản và có thể cản trở thương mại ở mức nào đó. Ở phương diện này, điều quan trọng nhất là hai nước có các cơ chế, trong đó cơ chế TIFA - Hiệp định khung về thương mại và đầu tư - để trao đổi thương lượng với nhau, làm sao tìm ra giải pháp phù hợp.
Nhưng cũng có mặt thứ hai, chính là rào cản và thuế quan đó lại khiến Việt Nam nâng cấp, nâng tiêu chuẩn sản lượng hàng hóa của mình. Điển hình là câu chuyện về cá basa tôi đã chứng kiến. Khi Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật về trang trại và đánh thuế lên cá ba sa. Chúng tôi đã làm việc với Quốc hội, làm việc với chính quyền, các doanh nghiệp Mỹ.
Cuối cùng, chính Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại hỗ trợ không chỉ với chính phủ Việt Nam mà với từng doanh nghiệp về nâng cao kỹ thuật nuôi trồng và tăng cường tiêu chuẩn. Từ đó, hàng hóa của Việt Nam trong đó có cá basa không hề ngừng lại mà vẫn tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ, người tiêu dùng của Mỹ. Chúng ta cần nhìn thuế quan ở hai mặt. Có mặt cần thương lượng, tìm ra giải pháp; có mặt lại tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Câu chuyện thuế đối ứng và thuế quan hiện nay rất lạ với cả người Mỹ, với thế giới chứ không chỉ với Việt Nam. Đầu tiên phải chia sẻ rằng, Mỹ có lợi ích với Việt Nam, Việt Nam có lợi ích với Mỹ. Hai nền kinh tế về mặt cơ bản là bổ trợ và tạo điều kiện cho nhau cùng có lợi. Đây là điều rất quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam chủ trương đối thoại, chủ trương tìm kiếm giải pháp thương lượng với Hoa Kỳ. Chính quyền mới của Mỹ cũng thừa nhận sự tích cực, chủ động và mong muốn tìm một giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Chúng ta cũng nhấn mạnh đến công bằng, đến bền vững và cả hai bên cùng có lợi. Cho nên những giải pháp có thể chưa được như mong muốn do thuế đối ứng. Nhưng dù sao cũng tạo ra sự ổn định và có thể định đoán được trước trên cơ sở: Chúng ta vẫn tiếp tục đối thoại được với Hoa Kỳ; vẫn tiếp tục duy trì được chuỗi cung ứng và xuất khẩu sang Hoa Kỳ; tạo lòng tin cho các nhà đầu tư không chỉ với nhà đầu tư Hoa Kỳ mà còn ở các nước khác.
Thỏa thuận thuế quan được công bố là cái khung để hai bên tiếp tục trao đổi. Tôi mong rằng bất cứ một thỏa thuận nào đều sẽ đem lại lợi ích chung cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Chiến lược thông minh của Việt Nam trong phản ứng với thuế quan
Ông Ted Osius: Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình với người bạn của tôi, Đại sứ Vinh. Đại sứ đã mô tả rất chính xác tiến trình phát triển giữa hai nước. Tôi xin bổ sung một vài ý như sau. Dưới thời chính quyền Tổng thống Clinton và sau đó là Tổng thống George W. Bush, hai nước đã thỏa thuận thành công Hiệp định Thương mại song phương, đánh dấu bước khởi đầu cho mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiệp định đó được hoàn tất và phê chuẩn vào năm 2002. Kể từ thời điểm đó, đúng như Đại sứ Vinh nói, các biện pháp thuế quan đã được sử dụng một cách thận trọng để điều tiết những lĩnh vực cần được hỗ trợ.
Ông có nhắc đến tranh chấp thương mại liên quan tới xuất khẩu cá ba sa vốn đã trì hoãn phê chuẩn ở Quốc hội Hoa Kỳ đến 6 tháng. Đây là một vấn đề nội địa rất quan trọng ở Hoa Kỳ. Thời điểm đó, ngư dân ở bang Louisiana đã chịu nhiều thiệt hại do cơn bão Katrina, và họ bị cạnh tranh gay gắt bởi cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam. Hai nước đã giải quyết tranh chấp đó trong nhiệm kỳ Đại sứ của tôi.
Dưới thời Tổng thống Obama, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Trong thời gian đó, không có sự gia tăng về rào cản thuế quan giữa hai nước. Thậm chí, cũng có thể nói rằng nhiều rào cản phi thuế quan đã được tháo gỡ. Khi đó, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán việc giúp Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), với mục tiêu giảm bớt tất cả các rào cản thuế quan và phi thuế quan đang cản trở thương mại giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên.
Đáng tiếc là Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này vào nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, và sau đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới hiện nay, tuy không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Và theo tôi, đó là một thiệt thòi cho nước Mỹ.
Sau đó, chúng tôi đã bất ngờ khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế đối ứng rất cao vào đầu năm nay: 46% đối với Việt Nam, 49% đối với Campuchia, 36% đối với Thái Lan. Đây là những con số cực kỳ cao mà ít ai lường trước được. Theo tôi, đây là phản ứng của ông Trump trước một kịch bản đang được thúc đẩy trong chính trị Mỹ– rằng người dân Mỹ đang chịu thiệt thòi bởi thể chế thương mại hiện tại. Dù đồng tình hay không, đó vẫn là một kịch bản chính trị rất có sức thuyết phục ở Mỹ.
Điều khiến tôi rất ấn tượng là phản ứng nhanh chóng của phía Việt Nam. Tôi đã tiếp nhiều phái đoàn Việt Nam tại Washington và thấy rõ điều này. Tổng Bí thư Tô Lâm là nhà lãnh đạo đầu tiên đã gọi điện cho Tổng thống Trump sau ngày 2/4, khi mức thuế đối ứng được công bố. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có chuyến thăm làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công thương Hoa Kỳ và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Tôi cho rằng đây là một chiến lược rất thông minh – chủ động đi trước, không chờ đàm phán bế tắc rồi mới phản ứng, mà phải đi trước một bước. Đây là một phản ứng rất nhanh nhạy trước một tuyên bố đầy bất ngờ.
Việt Nam đã tiếp tục phát huy sự nhanh nhạy đó trong nhiều vòng đàm phán, giúp họ đạt được khuôn khổ hợp tác về thương mại giữa hai bên. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới đạt được thỏa thuận về thương mại và thuế quan với Hoa Kỳ, chỉ sau Vương quốc Anh. Theo tôi, điều này thể hiện sự khôn khéo và nhanh nhạy từ phía Việt Nam. Việt Nam đã chọn cách tiếp cận: “Được thôi, hãy cùng nhau tìm một con đường phía trước”. Và họ đã chủ động đề nghị nhiều nội dung trong quá trình đàm phán.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã vinh dự được đón tiếp Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong chuyến thăm Hoa Kỳ khi ngài tham dự các buổi ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực năng lượng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng đã tham dự buổi ký kết các hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp có tổng giá trị hơn 3 tỷ USD ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Ngoài ra, đã có các thỏa thuận giữa hai nước trong lĩnh vực hàng không, năng lượng xanh – tất cả đều rất thực tế.
Tôi cho rằng đây là cách giải quyết nhạy bén, cả về kinh doanh lẫn chính trị – hãy thực tế, chủ động, và cùng nhau tìm ra giải pháp đàm phán. Tôi rất ngưỡng mộ cách Việt Nam đã và đang tiếp cận vấn đề này từ sau ngày 2/4.
Việt Nam đang xử lý xuất sắc một tình huống vô cùng phức tạp
Ông Daniel Kritenbrink: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến đóng góp của hai Đại sứ. Để tóm tắt tình hình hiện nay, tôi cho rằng xu hướng từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam vào đầu những năm 1990, tiến tới bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 đến nay, đều nhằm mục tiêu giảm thuế quan và thúc đẩy thương mại tự do.
Năm 1994, khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam, đến năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ, dẫn tới ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào năm 2001, khi đó Việt Nam tạm thời có được quan hệ thương mại bình thường với Hoa Kỳ và được hưởng mức thuế quan rất thấp. Quá trình đó tiếp tục khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.
Tôi cho rằng đó chính là xu hướng phát triển xuyên suốt cho đến hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự thay đổi trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Trump. Khi tôi làm Đại sứ tại Việt Nam trong thời gian đó, Hoa Kỳ rất thận trọng trong việc áp đặt thuế quan. Tuy nhiên, dưới sức ép từ nguy cơ áp thuế và các biện pháp trừng phạt khác, Việt Nam đã giải quyết thỏa đáng các rào cản phi thuế quan và các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường. Việt Nam cũng tăng cường mua hàng hóa từ Hoa Kỳ, và tôi nghĩ điều đó đã mang lại kết quả rất tích cực.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, có thể nói Việt Nam là quốc gia đã quản lý quan hệ với Hoa Kỳ và những lo ngại từ chính quyền Trump một cách hiệu quả nhất. Một diễn biến đáng chú ý khác trong nhiệm kỳ đầu đó là việc Hoa Kỳ thúc đẩy các quốc gia và doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Xu hướng này càng được đẩy nhanh do đại dịch Covid-19, khi thế giới nhận ra rằng việc phụ thuộc vào một quốc gia hay một chuỗi cung ứng duy nhất tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại thời điểm hiện tại, dưới nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump, tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà phần lớn thế giới – và cả nhiều người dân Mỹ – đều bất ngờ trước cách chính quyền sử dụng thuế quan làm công cụ chính để gia tăng lợi thế đàm phán thương mại. Đó là hiện trạng chúng ta đang phải đối diện.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Đại sứ Osius, Việt Nam đang xử lý xuất sắc một tình huống vô cùng phức tạp. Ngay từ đầu, Việt Nam, như một số quốc gia khác, phải cân nhắc liệu có nên hành động sớm để nắm lợi thế đi trước hay không. Nên quyết đoán và chủ động làm việc với chính quyền Trump, hay nên chờ đợi và quan sát? Tôi hoàn toàn đồng ý với Đại sứ Osius rằng Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các nhà ngoại giao Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo và sự can đảm to lớn với lựa chọn đúng đắn của mình.
Như Đại sứ Osius đã nói, ngài Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Trump vào ngày 4/4. Do vậy, Việt Nam đã được đưa vào danh sách các quốc gia ưu tiên trong quá trình đàm phán với chính quyền Trump. Và giờ đây chúng ta đã có một khung thỏa thuận.
Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng điều cốt lõi là, trong một tình huống chưa từng có tiền lệ, khi chính quyền Trump sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán thương mại công khai, Việt Nam đã phản ứng một cách hiệu quả, chủ động, và giờ đây đã đạt được kết quả với Hoa Kỳ – điều mà theo tôi có thể mang tới lợi ích cho cả hai quốc gia. Chúng ta thực sự nên ghi nhận và đánh giá cao những gì Việt Nam đã làm được...
* Phần 2: Bài học trong đàm phán với Hoa Kỳ và nguyên tắc có lý có tình