Nhảy đến nội dung
 

26 tuổi, tôi phải mổ cột sống vì sai lầm tuổi trẻ

Những cơn đau dọc sống lưng, lúc âm ỉ, lúc quặn thắt không biết từ bao giờ đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Cơn đau quấy nhiễu tôi mỗi khi đứng dẫn chương trình, lúc ngồi cắm cúi biên tập một bản tin hay vào những lần chạy xe máy về nhà vào mỗi giờ tan tầm.

Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình tập gym sai cách. Không có huấn luyện viên hướng dẫn, tôi cứ thế tự tập các bài cơ bụng, không hay biết mình đang vô tình dồn toàn bộ áp lực vào vùng thắt lưng. Càng tập, lưng càng mỏi, nhưng tôi chủ quan, nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi vài hôm sẽ ổn.

Sau đó, tôi biết rằng những lần trượt ngã, va chạm xe cộ, hay va đập khi di chuyển - những tác động tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lặp lại nhiều lần, cũng đang âm thầm bào mòn sức chịu đựng của cột sống và đĩa đệm của tôi. Cơ thể dù không lên tiếng ngay, nhưng khi vượt quá giới hạn, nó phản kháng theo một cách rất đáng sợ.

Tôi là Lưu Hoàng Nhân (37 tuổi), sống tại TP.HCM. Năm 26 tuổi, tôi phải trải qua một ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Những cơn đau xé dọc sống lưng

Những cơn đau lừng dày vò, tôi mang tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, thử đủ cách giảm đau được người quen mách nước. Từ đắp lá, chườm muối đến trị liệu gia truyền. Tôi chẳng nhớ nổi đã có bao nhiêu lần tôi đến gõ cửa các phòng châm cứu, bấm huyệt. Có lần, bác sĩ châm một cây kim dài cả gang tay vào vùng lưng dưới mà tôi chẳng có cảm giác gì.

Những cơn đau cứ ngày một nặng thêm. Tôi buộc phải tìm đến các phòng khám. Thế nhưng, tôi thường ra về với hàng chục viên thuốc giảm đau và chẩn đoán mơ hồ. Căn nguyên của những cơn đau vẫn là dấu chấm hỏi lớn.

Tôi bàng hoàng nhận ra bản thân thật sự có vấn đề vào một buổi chiều đi sắm dép cho năm mới. Vừa xỏ chân phải vào chiếc dép mới tinh, cảm giác vừa vặn khiến tôi không khỏi tấm tắc. Nhưng khi đưa chân trái vào, chiếc dép lại rộng đến lạ. Một đôi rồi đến một đôi nữa, cảm giác vẫn tương tự như thế. Mãi đến sau này tôi mới biết lúc ấy, chân trái tôi đã bị teo cơ.

thoat vi dia dem anh 1

Từng có thời gian, tôi chật vật đi tìm lời giải cho những cơn đau của mình.

Tôi quyết định đến bệnh viện. Bác sĩ chỉ định tôi chụp MRI phần cột sống lưng. Sau vài chục phút nằm trong cỗ máy lạnh ngắt, đinh tai, kết quả khiến tôi sững người. Tôi bị thoát vị đĩa đệm L5-S1, bao xơ đã vỡ, nhân nhầy tràn ra, chèn vào ống sống tới 7,5 mm.

Bác sĩ yêu cầu tôi nâng chân trái lên. Chân tôi lập tức buông thõng khi cách mặt đất chưa đến một gang tay. Cơn đau lúc ấy như xé dọc sống lưng.

Vị bác sĩ im lặng một chút rồi bảo: “Sau Tết, mổ gấp”.

Một là mổ, hai là liệt

Tôi chết lặng. Mổ đĩa đệm thì dễ liệt lắm, ai cũng nói thế. Tôi cũng mang nỗi sợ đó nói với bác sĩ. Nhưng bác sĩ nhìn tôi rất thẳng thắn: “Nếu không mổ thì chắc chắn sẽ liệt”.

Khi ngoài kia là tiếng pháo hoa rợp trời, những đĩa thịt mỡ, dưa hành, được dâng lên bàn thờ cầu chúc cho một năm mới suôn sẻ, tôi đón cái tết năm 26 tuổi trong những cơn đau tột cùng và cả cảm giác bồn chồn, mong sớm được lên giường mổ.

Mổ đĩa đệm thì dễ liệt lắm, ai cũng nói thế. Nhưng bác sĩ nhìn tôi rất thẳng thắn: “Nếu không mổ thì chắc chắn sẽ liệt”.

Tôi quét mắt một vòng quanh phòng chờ phẫu thuật. Đa số bệnh nhân đều đã ngoài 60, họ xem những cơn đau lưng này như một phần của tuổi già. Còn tôi, chen giữa họ, bỗng thấy mình quá trẻ cho ca mổ này.

6 giờ sáng, tôi được đưa vào phòng mổ. Trong tư thế nằm sấp, tôi bắt đầu được bác sĩ gây mê. Bác sĩ nói với tôi rằng, ông sẽ rạch một đường dọc giữa lưng, ngay trục cột sống của tôi. Từng lớp cơ được tách ra để lộ phần đốt sống tổn thương. Dây chằng, rễ thần kinh hiện lên chằng chịt như mạng nhện.

Bất kỳ thao tác lệch tay nào cũng có thể làm tổn thương hệ thần kinh, khiến bệnh nhân có nguy cơ mất cảm giác hoặc liệt vĩnh viễn.

thoat vi dia dem anh 2

Sau ca phẫu thuật, tôi buộc phải đeo đai cố định suốt 3 tháng ròng.

May mắn là tổn thương chỉ nằm ở một đốt giữa. Đốt trên và dưới cũng hơi phồng nhẹ, nhưng chưa cần can thiệp. Bác sĩ nói nếu để lâu hơn có thể sẽ không dừng lại ở một lần mổ. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 40 phút và được bác sĩ đánh giá là suôn sẻ.

Khoảng 6 giờ sau khi được gây mê, tôi loáng thoáng nghe ai đó kêu lớn tên mình. Tôi tỉnh dậy trong cơn chếnh choáng, cơ thể nặng trịch. Nhưng thứ rõ nhất là cảm giác đau đã không còn nữa.

“Con thử cử động chân xem”, vị bác sĩ nói.

Tôi gần như nín thở, dồn hết sự tập trung xuống phần dưới cơ thể. Trước khi mổ, tôi đã được cảnh báo rằng nếu bao ống thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ liệt là hoàn toàn có thể xảy ra. May mắn thay, chân tôi cử động tốt. Không ai nói gì, nhưng tôi nghe rõ vài tiếng thở phào từ bác sĩ, điều dưỡng và cả chính mình.

Những biến chứng đeo bám cả đời

Ba ngày đầu sau mổ, tôi gần như nằm một chỗ. Sang ngày thứ tư, bác sĩ rút ống dẫn lưu và cho phép tôi ngồi dậy lần đầu tiên kể từ ca phẫu thuật. Từ thời điểm đó, tôi bắt đầu mang đai cố định cột sống, tập đứng lên, bước những bước nhỏ.

Đến ngày thứ sáu, tôi được xuất viện, mang theo lời dặn kỹ lưỡng: không tự điều khiển xe máy, tuyệt đối tránh những tình huống có thể ngã hoặc chống chân sai cách.

Tôi về quê tĩnh dưỡng gần một tháng, vẫn đều đặn mang đai lưng theo chỉ định. Trong khoảng thời gian ấy, tôi tranh thủ thực hiện những bài tập nhẹ nhàng để tránh teo cơ. Ròng rã ba tháng, khi bác sĩ kết luận cột sống đã ổn định, tôi mới được chuyển sang giai đoạn vật lý trị liệu, ưu tiên các hoạt động phù hợp như bơi lội.

Đến hiện tại, tôi vẫn duy trì việc tập vật lý trị liệu. Ám ảnh từ những cơn đau khi trước không cho phép tôi mang vác vật nặng trên 5-10 kg, không chạy bộ ngoài trời, không tập tạ ở tư thế ngồi.

thoat vi dia dem anh 3thoat vi dia dem anh 4

Sau phẫu thuật, cơ thể của tôi không còn độ linh hoạt của trước kia.

Thế nhưng, trong từng cử động nhỏ, tôi dần nhận ra cuộc sống không còn như trước. Những lúc nằm nghiêng hay cúi người rửa bát cũng đủ khiến tôi ê ẩm. Suốt mười năm kiên trì luyện tập sau ca mổ, tôi vẫn không thể lấy lại hoàn toàn sự linh hoạt như trước. Hai chân không còn đều nhau, bên bị ảnh hưởng chỉ hồi phục được khoảng 80%.

Tôi hiểu rằng, phẫu thuật không phải là dấu chấm hết mà là bước khởi đầu cho một hành trình sống chậm hơn và biết lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn.

Trong thời gian chật vật đi tìm lại sự linh hoạt cơ thể, tôi gặp một cô bệnh nhân từng trải qua ca mổ thoát vị cách đây năm năm. Lần này, cô phải lên bàn mổ lần nữa vì thoát vị tái phát ở một vị trí khác. Bác sĩ giải thích với tôi: “Cột sống là một chuỗi liên kết. Khi can thiệp vào một đốt, những đốt còn lại sẽ phải gánh lực nhiều hơn. Phẫu thuật không phải là hồi kết, mà chỉ là một chặng trên hành trình dài điều trị”.

Tôi thấm câu nói đó khi 10 năm sau ca phẫu thuật, đốt sống cổ của tôi có dấu hiệu thoát vị. Dù chưa chèn ép thần kinh, tôi vẫn phải chụp MRI định kỳ và theo dõi sát.

Dù ca phẫu thuật đã giúp tôi thoát khỏi cơn đau dữ dội ngày trước, hành trình sau đó mới thật sự thử thách. Từ việc điều chỉnh từng thói quen sinh hoạt, duy trì phục hồi chức năng, đến chấp nhận những giới hạn mới của cơ thể, tất cả đều đòi hỏi sự kiên trì mỗi ngày. Tôi hiểu rằng, phẫu thuật không phải là dấu chấm hết mà là bước khởi đầu cho một hành trình sống chậm hơn và biết lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn.

Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn